Sự phổ biến của các vũ khí khiến Nga và Ukraine phải nghĩ lại về cách đối phó

Kiều Anh |

VOV.VN - Các cuộc xung đột thường mang đến những vũ khí mới có thể thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh trong tương lai. Xung đột Nga - Ukraine cũng không ngoại lệ.

Mức độ sử dụng UAV chưa từng có

Cụm từ "bầy đàn UAV" đã trở nên phổ biến kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Mặc dù cuộc xung đột này không phải là " cuộc chiến UAV đầu tiên" nhưng chắc chắn đây là cuộc xung đột mà UAV được sử dụng với số lượng chưa từng có.

Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh đã ghi nhận mức độ sử dụng UAV với ước tính, Ukraine tổn thất 10.000 UAV/tháng, tức là khoảng 300 UAV/ngày. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử xung đột quân sự.

Sự phổ biến của các vũ khí khiến Nga và Ukraine phải nghĩ lại về cách đối phó - Ảnh 1.

Một người điều khiển UAV ở Derhachi, khu vực Kharkiv. Ảnh: Reuters

Để so sánh, quân đội Pháp hiện có khoảng 2.000 UAV trong kho vũ khí của mình với tất cả các mẫu khác nhau, từ UAV Black Hornet nặng chỉ 20 gram cho tới UAV chiến thuật Reaper nặng tới 2 tấn.

Việc sử dụng UAV có lợi thế riêng bởi các hệ thống phòng không chủ yếu chỉ có thể vô hiệu hóa các phương tiện có người lái. Cuộc xung đột hiện nay đã biến Ukraine trở thành một trung tâm phát triển và sản xuất UAV quân sự.

Sức ép của xung đột cũng buộc Ukraine phải thay đổi mục đích của các UAV một cách sáng tạo để sử dụng cho quân sự.

Kích cỡ của UAV ngày càng trở nên nhỏ hơn với tính cơ động cao để chúng khó bị tổn thương trước các hệ thống gây nhiễu GPS. Thậm chí thành phố Moscow được bảo vệ cẩn thận cũng không thể tránh khỏi mối đe dọa từ các UAV.

Các UAV đã khiến cho tình hình chiến trường trở nên rõ ràng hơn, giảm thời gian từ "phát hiện đến phá hủy". Các hệ thống không người lái này cũng tăng mức độ chính xác của các cuộc tấn công.

Một khía cạnh đáng chú ý của cuộc chiến UAV tại Ukraine là số lượng lớn UAV dân sự. Đa số UAV được các lực lượng của Ukraine sử dụng được thiết kế cho mục đích thương mại. Chúng thường không được phát triển để thoát khỏi các hệ thống phòng không bởi chúng bay chậm và thấp và có thể bị bắn hạ bằng một lần tấn công.

Dù vậy, việc đối phó với UAV vẫn là một thách thức bởi cần có các hệ thống phòng không phù hợp tại đúng vị trí và đúng thời điểm.

Sự phát triển của UUV

Bất chấp việc không có hải quân, Ukraine đã tuyên bố loại bỏ 5 tàu chiến của Hải quân Nga, trong đó có tàu ngầm lớp Kilo. Các xuồng không người lái của Ukraine được sử dụng vào tháng 10/2022, đáng chú ý nhất là cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Gần đây hơn, các lực lượng của Ukraine đã tuyên bố phá hủy một tàu tấn công đổ bộ của Nga và tấn công một tàu chở nhiên liệu của Moscow sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước (UUV).

Sự phổ biến của các vũ khí khiến Nga và Ukraine phải nghĩ lại về cách đối phó - Ảnh 2.

Ảnh minh họa UUV

Ukraine đã tự phát triển UUV Marichka. Khi Marichka hoàn thiện khả năng vận hành, nó sẽ được sử dụng trong các chiến dịch cảm tử nhằm vào Hạm đội Biển Đen cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga.

Các phương tiện không người lái dưới nước gây nguy hiểm lớn hơn cho các tài sản của Hạm đội Biển Đen bởi hệ thống giám sát của Moscow không thể phát hiện ra chúng. Trong khi chưa rõ mức độ phát nổ của Marichka khi tấn công mục tiêu thì với kích thước hiện nay, nó được cho là có thể mang nhiều chất nổ.

"Các UUV là những hệ thống đa nhiệm và là tương lai của cuộc chiến phương tiện không người lái dưới nước. Khả năng tàng hình của chúng là không gì sánh bằng bởi chúng rất khó bị phát hiện", chuyên gia công nghệ Milind Kulshrestha nhận định.

Các phương tiện nổi không người lái (USV) rất khó để tiêu diệt mặc dù Nga đã phát triển một số biện pháp để đối phó với chúng. Việc đối phó với bầy đàn UUV thực sự là một thách thức.

Sự phổ biến của các vũ khí khiến Nga và Ukraine phải nghĩ lại về cách đối phó - Ảnh 3.

Hệ thống tác chiến điện tử - Mặt trận vô hình mới

Tác chiến điện tử đã biến chiến trường trở nên vô hình. Xung đột ở Ukraine đã một lần nữa đưa tác chiến điện tử trở lại là tâm điểm của sự chú ý.

Tháng 11/2022, Nga cho ra mắt một hệ thống dựa trên UAV Orlan-10 có tên là Mosquito và đã thành công gây nhiễu hệ thống liên lạc của Ukraine. Điều này đã cho thấy khả năng thích nghi với tình hình chiến trường và sự cải thiện công nghệ vũ khí với tốc độ nhanh chóng của Moscow.

"Vai trò của phổ điện từ và các thiết bị điện tử lớn đến nỗi một đội quân có thể bị tê liệt bằng cách tấn công vào khả năng tác chiến điện tử của nó", một quan chức quân sự Ấn Độ nhận định với EurAsian Times. Công nghệ tác chiến điện tử được sử dụng phổ biến nhất là gây nhiễu và nghe lén hệ thống liên lạc của đối phương.

Gây nhiễu đã hạn chế khả năng trao đổi thông tin của đối phương bằng cách kiểm soát việc truyền sóng vô tuyến hoặc gửi tín hiệu để ngăn cản sự phát hiện của radar hoặc truyền đi thông tin sai lệch.

Hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) của Ukraine từng gây khó cho các trực thăng của Nga nhưng sau khi Moscow trang bị cho các trực thăng Kamov Ka-52 hệ thống phòng không Vitebsk-25, Moscow đã bắn hạ 18 MANPADS bằng cách gây nhiễu tần số của chúng, sau đó hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về căn cứ một cách an toàn.

Vitebsk-25 đã phát hiện ra vị trí phóng của chúng bằng cách quét một khu vực với radar, thiết bị nhận cảnh báo laser, các thiết bị cảm biến hồng ngoại, cảm biến tia cực tím rồi cảnh báo phi hành đoàn về chúng. Sau đó, nó cung cấp sự bảo vệ thủ động cho máy bay bằng cách rải các mảnh kim loại và phun lửa để gây nhiễu cũng như vô hiệu hóa hoạt động của các tên lửa.

Trong khi đó, hệ thống phòng thủ chủ động tấn công trực tiếp vào các hệ thống tự điều khiển của tên lửa tầm nhiệt và đánh lừa chúng.

Tên lửa đất đối không thống trị bầu trời

Không có ưu thế trên không, Moscow chỉ có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đắt đỏ ở quy mô hạn chế.

Một tài liệu nghiên cứu của chuyên gia về chiến tranh trên không Justin Bronk thuộc Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh cho biết: "Việc triển khai hiệu quả tên lửa đất đối không của lực lượng không quân Ukraine đã ngăn cản Nga giành ưu thế trên không, đồng thời buộc các lực lượng của Moscow phải hoạt động thận trọng gần tiền tuyến. Bất chấp sự chênh lệch lực lượng, quy mô của các hệ thống SEAD (Chế áp Phòng không địch) và DEAD (Phá hủy Phòng không địch) là một thách thức đáng kể với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga".

Các hệ thống tên lửa đất đối không SA-11, SA-8 và S-300 phóng từ mặt đất của Ukraine đã buộc các chiến đấu cơ của Nga bay thấp và nằm trong tầm bắn của các hệ thống phòng không vác vai.

Sự phổ biến của các vũ khí khiến Nga và Ukraine phải nghĩ lại về cách đối phó - Ảnh 4.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: EurAsian Times

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống phòng không phóng từ mặt đất của Nga cũng đã cải thiện đáng kể sau khi hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 được hỗ trợ bởi hệ thống radar giám sát tầm xa ở mọi độ cao 48Ya6 ‘Podlet-K1’.

Vũ khí siêu thanh lọt mọi hệ thống phòng không

Sau cuộc xung đột ở Ukraine, từ "siêu thanh" sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều so với trước đây. Tên lửa siêu thanh tầm xa Kh-47 Kinzhal huyền thoại của Nga vừa mang đến sự sợ hãi, vừa mang đến sự ngưỡng mộ cho các đối thủ của nước này. Xung đột ở Ukraine đã chứng kiến việc sử dụng những vũ khí như vậy.

Kinzhal là tên lửa siêu thanh không đối đất của Nga đi vào hoạt động từ năm 2017. Nó có thể di chuyển với tốc độ lên tới Mach 12 trong khi thực hiện các nhiệm vụ xâm nhập và được cho là có thể lọt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện nay

Kinzhal có thể được phóng từ tiêm kích MiG-31K nên có lợi thế được phóng từ bất kỳ hướng nào.

Hồi tháng 5, các quan chức Ukraine thông báo hệ thống Patriot đã bắn hạ 1 tên lửa Kinzhal trên bầu trời Kiev. Moscow không chính thức bình luận về những thông báo trên của Ukraine mặc dù Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, Patriot không có khả năng đánh chặn một tên lửa siêu thanh như Kinzhal.

Sự phổ biến của các vũ khí khiến Nga và Ukraine phải nghĩ lại về cách đối phó - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Nga

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại