Sau chiến tích giành hạng 4 World Cup 2002 cùng đội tuyển Hàn Quốc với vai trò trợ lý HLV trưởng, HLV Park Hang-seo được giao vai trò thuyền trưởng Olympic Hàn Quốc nhưng chỉ giành được tấm HCĐ tại ASIAD cùng năm. Sự nghiệp của HLV sinh năm 1957 bắt đầu bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải khoảng thời gian khó khăn nhất. HLV Park Hang-seo kể: "Sau này, tôi làm việc ở các CLB Hàn Quốc. Quãng thời gian này thật sự khó khăn với tôi. Khi làm HLV do tính cách của tôi không bao giờ dễ dàng chấp nhận thất bại và rất nóng nữa. Tính cách quá thẳng thắn, không phục tùng nên một số án phạt được đưa ra nhắm vào tôi. Đó là một thời kỳ vất vả, khó khăn ở Hàn Quốc và tôi không muốn nhớ đến nữa".
Sự nóng nảy từng khiến HLV nhận thẻ đỏ, án phạt tại Hàn Quốc. Điều này đã được tái hiện phần nào trong trận chung kết SEA Games 2019. Ảnh: Tiến Tuấn.
Ông Park kể tiếp: "Ngay sau World Cup 2002, tôi chỉ giúp đội Hàn Quốc giành hạng 4 ASIAD cùng năm. Từ đỉnh cao danh vọng, tôi rơi xuống trạng thái tồi tệ nhất. Sau đó, tôi chia sẻ với báo chí Hàn Quốc rằng mọi danh vọng và sự mến mộ rồi cũng sẽ tan thành mây khói mà thôi. Tôi luôn tâm niệm không bao giờ suy nghĩ quá nhiều về những vinh quang trong quá khứ".
Tại chương trình "VTV đặc biệt – HLV Park Hang-seo: Những chuyện chưa kể", HLV trưởng U23 Việt Nam chia sẻ rằng ông biết đến bóng đá muộn vì ở quê. Năm cấp 3, ông lên thủ đô Seoul học và bắt đầu tiếp cận bóng đá ở trường Gyeongsin, bắt đầu yêu thích và đặt mục tiệu bên cạnh việc thi vào đại học.
Sau đó, HLV Park Hang-seo chơi cho đội Đại học Hanyang, đội Ngân hàng đệ nhất Hàn Quốc. Như bao nam giới Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo phải đi nghĩa vụ quân sự 2 năm. Tại đây, ông chơi cho một đội bóng quân đội trong 2 năm 4 tháng. Năm 1984, HLV Park tham gia đội Lucky Goldstar, quãng thời gian kéo dài 5 năm.
Anh sinh viên Park Hang-seo ngày nào giờ đã là HLV trưởng thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Ảnh: Yonhap.
"Tôi bắt đầu với bóng đá muộn nên không nghĩ mình là cầu thủ xuất sắc. Cũng vì thế, tôi phải nỗ lực gấp đôi với người khác. Hồi cấp 3, tôi chưa hiểu rõ lắm về bóng đá đến khi lên đại học mới nhận ra bóng đá là thế nào", HLV Park Hang-seo khiêm tốn nói.
Ông tiếp tục: "Năm 2002, tôi làm việc với HLV Guus Hiddink (Hà Lan) tại đội tuyển Hàn Quốc. Ông ấy cho tôi biết làm HLV là thế nào. Khoảng thời gian này rất quan trọng với tôi khi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong 2 năm làm việc. Tôi học được cách tổ chức công việc, lên kế hoạch, xử lý các tình huống. HLV Guus Hiddink đã gây ảnh hưởng nhiều đến tôi.
Ông ấy nói với tôi nhiều điều, ấn tượng nhất là câu: "Khi làm HLV ĐTQG, anh đừng cố gắng đào tạo một cầu thủ thành ngôi sao vì thời gian không cho phép. Hãy thận dụng tối đa tài nguyên anh đang có".
Kinh nghiệm đó sau này, tôi đã ứng dụng rất nhiều trong công việc HLV ở ĐTQG".
HLV Guus Hiddink (trái) chính là nhân tố tác động mạnh nhất đến cách huấn luyện của thầy Park. Ảnh: Joongang Ilbo.
Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong các giải đấu đã qua. Đội tuyển Việt Nam, đội U23 hay Olympic đều cho thấy tinh thần tập thể và đoàn kết, không có ngôi sao trong đội hình. Bất cứ cầu thủ nào trong đội cũng có thể trở thành ngôi sao sáng nhất trong trận đấu.
Sau cùng, HLV Park Hang-seo đặt ra mục tiêu cuối với bóng đá: "Ở Việt Nam, tôi có nhà. Ở Hàn Quốc, tôi có mẹ, có anh chị em và gia đình. Tôi không biết sau khi kết thúc sự nghiệp tôi sẽ sống ở đâu nữa.
Thế nhưng, tôi có nhiều việc muốn làm. Tôi muốn tham gia phát triển bóng đá trẻ Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ giúp ích được cho sự phát triển bóng đá nơi đây trong giai đoạn cuối của sự nghiệp. Đó là nguyện vọng cuối cùng của tôi".
HLV Park Hang-seo bật khóc khi về thăm mẹ ở quê nhà Sancheong.