Sự nghiệt ngã cạn lời cho người hùng Mông Cổ

Lê Sơn |

Chẳng một quốc gia nào tham dự Olympic Rio 2016 mà các VĐV lại chịu cảnh bi đát giống như đoàn Mông Cổ.

Tính tới thời điểm hiện tại, đoàn Mông Cổ xếp hạng 55 trên bảng tổng sắp khi giành 2 tấm huy chương (1 Bạc, 1 Đồng) tại Olympic Rio.

Theo Reuter, nghiệt ngã là ở chỗ dù giành huy chương nhưng các VĐV nước này sẽ chỉ được vinh danh... chay.

Sự nghiệt ngã cạn lời cho người hùng Mông Cổ - Ảnh 1.

Đoàn Mông Cổ tại lễ khai mạc Olympic Rio 2016.

Cách đây 4 năm, đoàn Mông Cổ có thành tích khá tại Olympic London với việc giành 5 tấm huy chương (2 Bạc, 3 Đồng) và đấy cũng là kỳ Thế vận hội mà các VĐV may mắn hơn khá nhiều.

Đó là thời điểm mà nền kinh tế Mông Cổ có mức tăng trưởng phi mã, đạt chỉ số lên tới 12,3%. Khi đó, nhiều dự án lớn từ nước ngoài đã đổ xô vào quốc gia này, tiêu biểu có dự án khai thác khoáng sản Rio Tinto trị giá hàng tỷ USD.

Tất nhiên, khi nền kinh tế quốc gia khởi sắc, các VĐV giành thành tích cao cũng sẽ nhận được những khoản tiền thưởng xứng đáng với những cống hiến của mình.

Song năm nay, mọi chuyện đã thay đổi theo hướng đối lập 180 độ bởi nền kinh tế Mông Cổ đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng, khi lạm phạt tăng phi mã, niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng trong khi đồng tiền Tugrik cũng ngày càng mất giá so với đồng USD.

Trước cơn khủng hoảng ấy, các VĐV vô tình đã bị vạ lây. Họ không những không được thưởng dù giành huy chương Olympic tại Rio mà ngay cả những khoản tiền lương hàng tháng cũng chưa biết khi nào mới nhận được.

Sự nghiệt ngã cạn lời cho người hùng Mông Cổ - Ảnh 2.

Nữ võ sĩ Sumiya Dorjsuren (ngoài cùng bên trái) đoạt HCB môn Judo hạng 57kg.

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Jargaltugla Erdenebat đã thông báo trong một cuộc họp nội các: Hiện chính phủ đang nợ tổng cộng 1,7 tỷ Tugrik (756.500 USD) đối với 2.069 võ sĩ, đô vật, cung thủ và VĐV khác được hưởng hưu trí do chính sách đã được áp dụng.

Theo chính sách này, các VĐV sẽ nhận được mức lương từ 500.000 đến 4 triệu Tugrik/tháng (mức cao nhất áp dụng cho trường hợp giành HCV Olympic), trong khi mức bình quân là 871.000 Tugrik/tháng.

Từ sự khủng hoảng của nền kinh tế, Chính phủ Mông Cổ đang đề ra một số biện pháp trong đó có cắt giảm tiền lương tới 30%, và các VĐV cũng chính là một trong những nạn nhân.

Sự nghiệt ngã cạn lời cho người hùng Mông Cổ - Ảnh 3.

Dorjnyambuugiin Otgondalai (ngoài cùng bên phải) giành HCĐ môn quyền Anh ở hạng 60kg.

Với các VĐV tại Mông Cổ, họ đang rơi vào trạng thái bi đát và hoang mang hơn bao giờ hết. Bởi dù đã hy sinh và cống hiến quá nhiều nhưng rất có thể những cống hiến đó sẽ chẳng thể được đền đáp xứng đáng.

Rõ ràng, mỗi khi bước ra đấu trường Thế vận hội, tất cả đều muốn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Nhưng với các VĐV của Mông Cổ, đằng sau niềm tự hào ấy là nỗi thống khổ mà chẳng mấy người thấu hiểu.

Tính tới chiều 18/8, đoàn Mông Cổ mới giành 2 huy chương tại Olympic Rio và cả 2 đều là ở các môn võ.

Nam võ sĩ Dorjnyambuugiin Otgondalai giành HCĐ môn quyền Anh ở hạng 60kg còn nữ võ sĩ Sumiya Dorjsuren đoạt HCB môn Judo hạng 57kg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại