Đó là kết quả nghiên cứu được công bố gần đây của nhóm nghiên cứu do bà Jennifer DeBruyn, giáo sư vi sinh môi trường tại Trường ĐH Tennessee (Mỹ), dẫn đầu.
Khi thi thể được chôn xuống lòng đất, vi sinh vật trong cơ thể chết sẽ xâm nhập đất cùng với một lượng chất lỏng từ quá trình cơ thể phân hủy. Những vi sinh vật này đi vào một môi trường hoàn toàn mới và gặp cộng đồng vi sinh vật hoàn toàn mới trong lòng đất, kết hợp nhau để giúp phân hủy xác.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc trộn đất và chất lỏng phân hủy chứa đầy vi sinh vật liên quan vật chủ đã làm tăng tốc độ phân hủy - vượt xa tốc độ phân hủy của riêng cộng đồng vi sinh vật trong đất.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các vi sinh vật liên quan vật chủ đã thúc đẩy chu trình ni-tơ. Ni-tơ là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự sống nhưng phần lớn ni-tơ tồn tại ở dạng khí trong khí quyển, sinh vật không thể sử dụng. Trong khi đó, chất phân hủy đóng vai trò quan trọng trong việc tái chế các dạng ni-tơ hữu cơ như protein thành các dạng vô cơ như amoni và nitrat mà vi sinh vật và thực vật có thể sử dụng.
Sự phân hủy của động vật chết hoặc xác chết sẽ tạo ra đa dạng sinh học và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn. Các vi sinh vật phân hủy chuyển đổi các nhóm phân tử hữu cơ giàu dinh dưỡng có trong cơ thể người chết thành các dạng nhỏ hơn, khả dụng sinh học hơn mà các sinh vật khác có thể sử dụng để hỗ trợ sự sống mới. Chính vì vậy, không có gì lạ khi thấy sự sống thực vật phát triển mạnh mẽ gần một xác động vật đang phân hủy.