Sứ mệnh lấy đá ở vùng tối Mặt trăng của Trung Quốc 'đáng mong đợi nhất năm'

Hoa Vũ |

Nhà phân tích vũ trụ Mỹ cho biết sứ mệnh Chang'e-6 của Trung Quốc lấy mẫu đá ở vùng tối Mặt trăng là dự án đáng mong đợi nhất trong năm 2024.

Ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học Harvard, chuyên gia theo dõi các vụ phóng tên lửa và hoạt động không gian, cho biết ông mong đợi nhất sứ mệnh Chang'e-6 của Trung Quốc trong năm nay.

Sứ mệnh Chang'e-6 dự kiến ​​sẽ được phóng vào tháng 5 để lấy mẫu đá từ vùng tối (vùng không nhìn thấy được từ Trái đất) của Mặt trăng. Ông McDowell cho biết thêm chưa có quốc gia nào - kể cả Mỹ - có thể mang đá về từ vùng tối của Mặt trăng, và việc hạ cánh xuống vùng tối khó hơn nhiều so với vùng sáng.

"Chang'e-6 chắc chắn là thử thách lớn nhất mà Trung Quốc đang lên kế hoạch trong lĩnh vực vũ trụ vào năm 2024", ông nói.

Sứ mệnh lấy đá ở vùng tối Mặt trăng của Trung Quốc 'đáng mong đợi nhất năm'- Ảnh 1.

Sứ mệnh Chang'e-6 là một trong 100 vụ phóng theo kế hoạch của Trung Quốc trong năm 2024, nhằm lấy mẫu đá từ vùng tối của Mặt trăng. (Ảnh: CCTV)

Theo SCMP , Trung Quốc kế hoạch thực hiện 100 vụ phóng để đưa hơn 300 tàu vũ trụ lên quỹ đạo vào năm 2024 – kỷ lục mới của nước này và tăng mạnh so với năm ngoái.

Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu vũ trụ chính của nước này, tiết lộ sẽ thực hiển khoảng 70 vụ phóng. Còn lại sẽ là các vụ phóng thương mại.

Kế hoạch cho thấy mức tăng gần 50% so với tổng số 67 vụ phóng của năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa các lần phóng của chính phủ so với các lần phóng tư nhân vẫn gần như giữ nguyên, mặc dù lĩnh vực vũ trụ thương mại của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.

Theo thông tin trong sách xanh hằng năm của CASC được công bố ngày 26/2, các sứ mệnh lớn trong năm nay sẽ bao gồm 2 chuyến bay có phi hành đoàn và 2 chuyến bay chở hàng tới trạm vũ trụ Tiangong trên quỹ đạo Trái đất thấp.

CASC cũng sẽ phóng vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 và sứ mệnh Chang'e-6 lấy mẫu đá từ vùng tối của Mặt trăng, giúp Trung Quốc thúc đẩy tham vọng chinh phục Mặt Trăng của mình.

Các sứ mệnh khác bao gồm Đài quan sát các vật thể biến thiên thiên văn đa băng tần của Pháp - Trung Quốc, vệ tinh địa chấn điện từ Trung Quốc hợp tác với Italy và vệ tinh khoa học vũ trụ Shijian-19 có thể thu hồi, cùng nhiều sứ mệnh khác.

Chuyên gia McDowell chỉ ra một sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc với Mỹ là tên lửa của chính phủ vẫn đóng một vai trò rất lớn trong các vụ phóng của Trung Quốc, nhưng điều này không diễn ra ở Mỹ nữa.

Trong năm 2024, chỉ riêng công ty SpaceX có trụ sở tại Texas (Mỹ) đã đặt mục tiêu thực hiện 144 nhiệm vụ bay trên quỹ đạo, tiếp tục tăng nhịp độ phóng từ khoảng 4 ngày một vụ phóng lên gần 3 ngày một vụ.

Một điểm khác biệt nữa là khả năng tái sử dụng tên lửa, đặc biệt là việc sử dụng nhiều lần tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 của SpaceX. “Đây là điều mà Trung Quốc chưa làm được”, McDowell nói.

Tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 đã được tái sử dụng lên đến 19 lần, giúp giảm đáng kể chi phí phóng. Ở Trung Quốc, chỉ một số ít công ty khởi nghiệp đã tiến hành cái gọi là thử nghiệm "nhảy" để nâng và hạ cánh các nguyên mẫu tên lửa tái sử dụng ở khoảng cách vài trăm mét trên không.

Thông tin trong sách xanh cho biết, vào năm 2024, CASC sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên của hai mẫu tên lửa mới là March 6C và Long March 12, cả hai mẫu này đều không thể tái sử dụng.

Các công ty tư nhân phóng tên lửa của Trung Quốc như LandSpace, Galactic Energy và Orienspace đang hướng đến mục tiêu thực hiện vụ phóng tên lửa tái sử dụng đầu tiên của họ vào năm 2025.

Theo SCMP, các công ty tư nhân ở Trung Quốc có nhiều động lực để cạnh tranh các đơn đặt hàng từ chính quyền trung ương và địa phương để giúp xây dựng các chòm vệ tinh lớn, bao gồm gần 13.000 vệ tinh trong mạng lưới quốc gia Guo Wang, vốn được coi là đối thủ cạnh tranh với Starlink của SpaceX, một dịch vụ internet trên vũ trụ phục vụ cho cả dân sự và quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại