Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan tại Sân bay Abu Dhabi. Ảnh: POOL
Theo đài Spuntik (Nga), hôm 7/12, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đến thủ đô Moskva của Nga để hội đàm với người đồng cấp Putin về hợp tác song phương và các vấn đề Trung Đông.
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga đã đến thăm UAE và Saudi Arabia. Tại đây, nhà lãnh đạo Nga đã được tiếp đón nồng nhiệt, bất chấp nỗ lực cô lập Moskva trên trường quốc tế kéo dài gần 2 năm của phương Tây.
Phản ứng của truyền thông phương Tây
Chuyến thăm các quốc gia vùng Vịnh của Tổng thống Putin đã thu hút sự chú ý của truyền thông phương Tây. Trong đó, một số tờ báo nhấn mạnh cả UAE và Saudi Arabia đều là đồng minh lâu đời của Mỹ.
Tờ The Hill của Mỹ kết luận những nỗ lực của Washington nhằm cô lập Nga đã thất bại.
Đài Sky News của Anh đặc biệt chú ý đến sự tiếp đón nồng nhiệt với nghi lễ trang trọng mà các nước Trung Đông dành cho ông Putin. Đặc biệt, kênh tin tức này có nhắc đến màn trình diễn choáng ngợp của đội nhào lộn trên không Fursan thuộc Lực lượng Không quân UAE, khi bầu trời Abu Dhabi được tô điểm bằng ba màu sắc của quốc kỳ Nga.
Hãng thông tấn AP đưa tin Tổng thống Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman “đã trao nhau cái bắt tay mạnh mẽ và mỉm cười khi cùng bước tới phòng họp”.
Tờ Financial Times nhấn mạnh Moskva có mối quan hệ nồng ấm với các vương quốc vùng Vịnh và mong muốn chứng minh điều đó “bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm buộc khu vực này phải tuân thủ các hạn chế và lệnh trừng phạt chống Nga”. Tờ báo nhấn mạnh rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan “đã phát triển mối quan hệ cá nhân” với nhà lãnh đạo Nga.
Nội dung đáng chú ý trong các cuộc hội đàm
Tổng thống Putin và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại lễ đón tiếp trước cuộc họp tại Cung điện Qasr Al Watan, Abu Dhabi. Ảnh: Sputnik
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin với nhà lãnh đạo các nước vùng Vịnh tập trung vào vấn đề thương mại, hợp tác năng lượng, cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột Palestine – Israel.
Trong đó, Riyadh và Moskva đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen và Gaza. Ông Putin cũng bày tỏ lòng biết ơn tới Saudi Arabia vì những nỗ lực nhân đạo và chính trị của vương quốc này trong cuộc xung đột Ukraine.
Phóng viên chiến trường kỳ cựu tại Brussels, nhà phân tích rủi ro chính trị cấp cao Elijah Magnier nhận định: “Tổng thống Putin hợp tác chặt chẽ với Saudi Arabia, đặc biệt liên quan đến vấn đề sản xuất dầu và việc OPEC+ đang giảm sản lượng dầu và sửa đổi chính sách này 3 tháng/lần nhằm đảm bảo giá dầu ổn định và mang lại lợi ích cho nước sản xuất dầu”.
Chuyến thăm Riyadh của ông Putin cũng nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga, trong bối cảnh quốc gia vùng Vịnh này sẽ trở thành thành viên của BRICS vào đầu năm 2024. Chuyến thăm này cũng gửi thông điệp tương tự đến Abu Dhabi.
Nhà phân tích Magnier lập luận cuộc khủng hoảng Gaza đã mang lại chiều hướng mới cho các cuộc thảo luận, khi cuộc xung đột thể hiện rõ quyền lực của Washington đã suy yếu trong khu vực. Washington và các quốc gia Arab đang ở hai phía đối lập nhau trong cuộc xung đột. Trong khi các quốc gia Arab kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, Washington vẫn tiếp tục ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Israel bất chấp thương vong dân sự tăng vọt ở Gaza.
Ngoài ra, chuyến thăm UAE và Saudi Arabia của ông Putin cũng diễn ra vào đúng thời điểm cuộc phản công của Ukraine đi vào bế tắc và viện trợ từ phương Tây đang giảm dần. Chuyên gia Magnier lưu ý thất bại của Ukraine cũng được nhiều người coi là “điểm yếu” của Washington, trong khi Nga thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây.
“Điều này vô cùng quan trọng đối với một quốc gia đang thể hiện vai trò của họ trên trường quốc tế như Nga. Họ đang thể hiện sự kiên cường, bất chấp 50 quốc gia tập hợp để hợp lực chống lại Moskva, làm tê liệt nền kinh tế Nga. Tất cả đều thất bại”, ông Magnier nói.
Thông điệp đằng sau chuyến công du Trung Đông của ông Putin
Tổng thống Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud. Ảnh: Sputnik
Ông Jeremy Kuzmarov, Tổng biên tập Tạp chí CovertAction, nhận định chuyến công du Trung Đông của ông Putin xây dựng niềm tin rằng Nga đang duy trì vị thế quốc tế mạnh mẽ và có một nền kinh tế khả thi.
“Ông Putin đang cố gắng cho thế giới thấy rằng Nga là một ‘người chơi’ trên trường thế giới, rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không thể làm suy yếu nền kinh tế Nga. Thương mại Trung Đông rất quan trọng đối với Nga vì họ đã mất một số thị trường ở phương Tây. Vì vậy, Tổng thống Putin đang củng cố những mối quan hệ thương mại đó. Nền kinh tế Nga đang hoạt động khá tốt, ngay cả khi phải đối mặt với rất nhiều biện pháp trừng phạt”, ông Kuzmarov nói.
Gặp gỡ Iran khi xung đột leo thang ở Gaza
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một ngày sau chuyến thăm cấp cao tới UAE và Saudi Arabia, ông Putin đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi để thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại, vận tải và các vấn đề BRICS.
Giống như Nga, Iran cũng đã thể hiện khả năng phục hồi kinh tế và xây dựng các mối quan hệ trong khu vực trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hồi tháng 3, Saudi Arabia và Iran đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ qua một thoả thuận do Trung Quốc làm trung gian.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza đang leo thang, các quốc gia Hồi giáo và Arab đã tập hợp kêu gọi chấm dứt chiến sự và lên án Israel vì chiến dịch ném bom ở dải đất này.
Tháng trước, Iran đã tham gia hội nghị thượng đỉnh chung Hồi giáo – Arab bất thường ở Riyadh để bàn về cuộc xung đột Palestine – Israel.
Ông Foad Izadi, Phó Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Tehran, nhận định các cuộc gặp của Putin với các nhà lãnh đạo UAE, Saudi Arabia và Iran là rất kịp thời. Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hoạt động thù địch ở Dải Gaza được nối lại sau 1 tuần tạm dừng, với nguy cơ xảy ra xung đột rộng lớn hơn và đòi hỏi những nỗ lực chung để ngăn chặn kịch bản tiềm ẩn.
Bằng cách tổ chức các cuộc hội đàm với ba cường quốc Trung Đông, ông Putin không chỉ thể hiện sự tự tin của Nga với tư cách là một chủ thể chính trị, mà còn thể hiện sẵn sàng tăng cường các dự án kinh tế và nhấn mạnh vai trò của Moskva với tư cách là nhà môi giới hòa bình.