Sứ mệnh của tàu vũ trụ ‘chủ đích’ đâm vào tiểu hành tinh

Bảo Hà |

Các nhà khoa học muốn kiểm tra xem liệu họ có thể làm chệch hướng đi của các tiểu hành tinh trong trường hợp nó đe dọa tới sự sống của loài người.

Sứ mệnh của tàu vũ trụ ‘chủ đích’ đâm vào tiểu hành tinh - Ảnh 1.

Vụ va chạm sẽ thử nghiệm khả năng phòng thủ của Trái đất trước một mối đe dọa trong không gian. Ảnh minh họa: NASA

Với hầu hết các sứ mệnh không gian, các nhà khoa học sẽ cảm thấy tiếc nuối khi nghĩ đến việc một tàu vũ trụ bị vỡ vụn thành từng mảnh. Tuy nhiên, đối với sứ mệnh lần này của tàu vũ trụ Dart thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), bất kỳ kết quả nào mà không kèm theo hình ảnh phá hủy cũng sẽ bị coi là thất bại.

Theo báo Anh Guardian, tàu vũ trụ Dart trị giá 330 triệu USD sẽ lao thẳng vào một tiểu hành tinh nằm trên Ấn Độ Dương 11 triệu km trong ngày 26/9. Tác động từ vụ va chạm với vận tốc gần 7 km/s sẽ xóa sổ tàu thăm dò nặng nửa tấn của NASA.

Tàu vũ trụ Dart và tiểu hành tinh Dimorphos đang tham gia một thử nghiệm của NASA. Đây là sứ mệnh đầu tiên được triển khai nhằm giúp các nhà khoa học đánh giá liệu có thể làm chệch hướng các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa tới Trái đất hay không. Một cú va chạm đúng thời điểm và đúng vị trí có thể ngăn thời kỳ tận thế xảy ra.

Giáo sư Alan Fitzsimmons, một nhà thiên văn học đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu Dart của NASA, cho biết: “Đây giống một ván chơi bi-a nhưng phức tạp hơn. Những gì chúng tôi muốn là sử dụng tàu vũ trụ Dart để di chuyển tiểu hành tinh”.

Với sự hỗ trợ từ hệ thống kính thiên văn hiện nay, các nhà khoa học hy vọng sẽ nhận được cảnh báo sớm trong trường hợp có mối đe dọa từ một tiểu hành tinh.

“Nếu chúng ta có thể nhìn thấy trước và biết một tiểu hành tinh sẽ trở thành vấn đề, đẩy chúng ra khỏi hướng bay sẽ an toàn hơn là ý tưởng thổi tung nó”, Catriona McDonald – một nghiên cứu sinh tại Đại học Warwick – giải thích.

Tàu vũ trụ Dart khởi hành từ căn cứ lực lượng vũ trụ Vandenberg vào tháng 11/2021. Trong tối 26/9, các nhà khoa học sẽ điều khiến tàu vũ trụ này đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Vụ va chạm sẽ được máy quay của Dart và hai máy quay khác trên một tàu thăm dò nhỏ của Italy có tên LiciaCube ​​từ khoảng cách an toàn ghi lại.

Sứ mệnh của Dart đã được lên kế hoạch chi tiết và thận trọng để cuộc thử nghiệm không vô tình khiến Dimorphos va chạm với Trái đất. Dự kiến khi Dart va chạm, tác động từ tàu vũ trụ sẽ làm chậm tốc độc của Dimorphos thêm vài phút nữa khi bay quanh quỹ đạo.

“Sẽ không có gì nguy hiểm ở đây. Chúng tôi chỉ thay đổi quỹ đạo của nó xung quanh tiểu hành tinh lớn hơn. Chúng tôi không thay đổi quỹ đạo của nó quanh Mặt trời nên nó có không thể tiến về Trái đất”, Giáo sư Colin Snodgrass – một nhà thiên văn học kiêm thành viên đội nghiên cứu Dart – chia sẻ.

Các nhà thiên văn học sẽ sử dụng kính thiên văn trên mặt đất để quan sát các tiểu hành tinh trước và sau khi bị tàu vũ trụ Dart va phải. Số lượng mảnh vỡ từ vụ va chạm sẽ phụ thuộc vào năng lượng tác động, loại đá hình thành ra Dimorphos và sự liên kết của nó.

“Sứ mệnh chính là kiểm tra khả năng phòng thủ của hành tinh, nhưng đồng thời, chúng ta có thể học được nhiều điều về tiểu hành tinh đó”, Giáo sư Snodgrass cho hay.

Các nhà khoa học hiện theo dõi khoảng 30.000 tiểu hành tinh và sao chổi đi qua gần quỹ đạo của Trái đất. Theo dự báo của các giới chuyên gia, hiện vẫn chưa có thiên thạch nào có kích thước tương đương với tiểu hành tinh khiến loài khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước có khả năng tấn công Trái đất trong vài trăm năm tới.

Tuy nhiên, những thiên thạch nhỏ hơn vẫn gây ra thiệt hại đáng kể. Thiên thạch rơi xuống Chelyabinsk (Nga) vào năm 2013 chỉ rộng chưa đầy 20 m, nhưng đã khiến cho 1.600 người bị thương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại