Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh sắp tới Biển Đông. (Ảnh: Twitter)
Các nhà phân tích quân sự nhận định, sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh và kế hoạch hiện diện thường trực của 2 tàu chiến ở khu vực châu Á cho thấy, Anh có tham vọng muốn nắm giữ vai trò quan trọng trên toàn cầu và thi hành cam kết cùng Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh đang trên đường di chuyển tới Biển Đông trong sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải và tiến hành các cuộc diễn tập quân sự với nhiều nước trong khu vực.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã rời khỏi Anh cách đây 2 tháng để thực hiện hành trình di chuyển 42.000 km kéo dài tới cuối năm nay.
Theo chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh là ông Zhou Chenming, sứ mệnh của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã vượt qua phạm vi phòng thủ ở châu Âu, nơi các lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu đang tìm cách đối phó với quân đội Nga.
Còn theo nhà quan sát quân sự ở Macau, ông Antony Wong Dong, London muốn tận dụng chuyến đi biển đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth để tái xây dựng sự tín nhiệm và nhấn mạnh cam kết cùng Pháp, Đức và Hà Lan về việc ủng hộ những nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
“Những chuyến thăm cấp cao và tập trận chung hải quân dọc hành trình di chuyển từ quân cảng tới Biển Đông của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là dấu hiệu về sự trỗi dậy của hải quân Anh sau hàng thập niên thu mình. Đây cũng là cơ hội huấn luyện tốt cho hải quân Anh. Mỹ hoan nghênh sự ủng hộ của Anh trong việc kiềm chế Trung Quốc”, ông Wong cho biết thêm.
Mang theo hơn 30 máy bay, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh thực hiện chuyến đi biển đầu tiên từ cuối tháng Năm và có kế hoạch tập trận với Pháp, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hy Lạp, Israel, Italy cũng như với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Phát biểu trong hội nghị tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore hôm 27/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay cả Anh và Mỹ là “những quốc gia toàn cầu vì lợi ích toàn cầu”.
“Chúng tôi đang tìm cách cân bằng những nỗ lực ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi không chỉ hỗ trợ các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà còn hỗ trợ các khu vực khác trên thế giới”, ông Austin nhấn mạnh.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho rằng hoạt động triển khai hải quân tới châu Á đã nhấn mạnh tới phương thức tiếp cận mới của chính quyền London thời hậu Brexit nhằm chứng minh Anh tiếp tục là một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới.
Song theo ông Koh, 2 tàu chiến Anh hiện diện thường trực để hỗ trợ hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ không được đánh giá cao. Bởi đây chỉ là các tàu tuần tra ngoài khơi phù hợp với những hoạt động cường độ thấp.
“Anh sẽ tiếp tục tập trung hơn cho các nước láng giềng ở châu Âu. Dù đã rời khỏi EU, nhưng London hiện vẫn là sức mạnh lớn trong NATO”, ông Koh cho biết.
Ông Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan tại thành phố Cao Hùng, cho rằng chuyến đi biển đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh đi qua eo biển Đài Loan sẽ không chọc giận Trung Quốc.
“Chuyến đi của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh tới châu Á mang tính chính trị nhằm thể hiện phản ứng của London trước chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, nhưng hải quân Anh cũng sẽ thận trọng để tránh khiêu khích Bắc Kinh”, ông Lu cho hay.
“Các cuộc tập trận chung của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh chủ yếu với các nước thuộc nhóm Thịnh vượng chung sẽ giúp London tái xây dựng hệ thống điều phối hậu cần và hỗ trợ quân sự với NATO, cũng như với các đồng minh khác”, ông Lu kết luận.