Những tỷ phú phương Tây thường khuyến khích con cái tự lập,
không ỷ vào sự giàu có của cha mẹ; ngược lại những gia đình có điều kiện ở
phương Đông chăm bẵm con cái từng tí một và luôn có tư tưởng làm việc cật lực
cả đời, tích góp tiết kiệm để dành cho con sau này.
Những tỷ phú Phương Tây
Warren Buffett là cổ đông lớn nhất, kiêm Chủ tịch Tập đoàn
Berkshire Hathaway (Mỹ) và đứng trong top 3 những người giàu nhất thế giới do
tạp chí Forbes bình chọn và triết lý dạy con của Warren Buffett là "Đừng
xin tiền bố".
Ngay từ đầu, tỷ phú Warren Buffett đã không để các con trông
chờ vào tài sản thừa kế.
Số tiền 90.000 USD mà ông Warren cho con trai Peter là số tiền thu được từ việc bán một trang trại của gia đình
và chuyển đổi thành cổ phiếu của công ty Berkshire Hathaway (công ty do ông Warren làm Chủ tịch) - một
số tiền quá nhỏ so với khối tài sản khổng lồ của cha mẹ Peter.
Tương tự như Warren Buffett, tỷ phú hàng đầu của thế giới
Bill Gates cũng không dùng sự giàu có để dạy dỗ con cái.
Vợ chồng ông đã cam kết trao tặng hết 95% tài sản khổng lồ
của mình cho quỹ từ thiện do họ sáng lập, khẳng định không để lại toàn bộ tài
sản cho con.
Bill Gates dạy con đạt được thứ mình muốn bằng cách tự bỏ
sức lao động. Ngay từ khi còn nhỏ, những người con của ông là Jennifer, Rory và
Phoebe đã phải làm việc nhà để đổi lấy tiền tiêu vặt.
Ông từng chia sẻ: "Tôi nghĩ đứa trẻ nên lớn lên với
nhận thức rõ ràng rằng mình phải tự tạo ra con đường của chính mình, tự chọn
lấy công việc mình sẽ theo đuổi.
Chúng phải hiểu không phải cứ muốn bao nhiêu
tiền cũng được... Tôi nghĩ việc cho con thừa kế khối tài sản lớn không có lợi
cho bản thân chúng và xã hội."
Gene Simmons, thành viên ban nhạc KISS lừng danh của Mỹ cũng
tự mình làm giàu và ông muốn hai đứa con cũng theo con đường đó.
Ông từng nói
với đài CNBC: "…về chuyện thừa kế, chúng nó (tức hai con Nick và Sophie) sẽ
được quan tâm, nhưng chúng không bao giờ trở nên giàu có nhờ tiền của bố. Bởi
vì tôi luôn bắt chúng dậy sớm, ra ngoài và làm việc để rồi sau này tự lập".
Những tỷ phú phương Tây thay vì luôn chiều theo ý thích của
con thì thường khuyến khích con cái tự làm việc để dành được những thứ mình
muốn.
Nhưng bên cạnh việc khuyến khích và dành cho con không gian
để tự lập, khẳng định mình thì đại gia phương Tây luôn theo sát con, dành thời
gian và lắng xem nghe con muốn gì đồng thời trao cho con nền tảng giáo dục đúng
mực và tiên tiến.
Tuy là một gia đình kinh doanh, nhưng Warren Buffett rất ít
khi nói chuyện với các con về tài chính. Ông thường tập trung vào những triết
lý của cuộc sống và giúp các con tin rằng bản thân đã nhận được sự đầu tư giáo
dục tốt nhất mà bất cứ ai sống trên đời này cũng ước ao.
Trong cuốn hồi ký của mình "Life Is What You Make
It", Peter - con trai của Warren Buffett
giải thích rằng anh vui mừng vì cha đã không để lại tài sản cho anh một cách
dễ dàng.
"Nếu tôi có một đống tiền từ cha tôi thì có lẽ cuộc
sống của tôi đã không có ý nghĩa như ngày hôm nay. Tôi tin rằng những gì cha
tôi làm xuất phát từ tình yêu thương.
Ông đã từng nói với tôi rằng: Cha tin con
vì con là con trai của cha. Con sẽ vẫn thành công mà không cần sự giúp đỡ của
bất kì ai", Peter chia sẻ.
Gia đình tỷ phủ Bill Gates
Trong một cuộc phỏng vấn với Larry King, Bill Gates cho biết
ông đã rất may mắn khi gây dựng được một sự nghiệp mà ông thực sự đam mê và ông
cũng hi vọng con cái ông làm được điều đó.
Bill Gates sẽ giúp con tìm ra đam mê bằng cách cho các con
thử những thứ khác nhau. Ông không ép các con phải làm theo những gì cha mẹ
muốn mà thay vào đó luôn khuyến khích các con tự do đam mê và làm theo những gì
các con yêu thích nhất.
Bên cạnh đó, tỷ phú Bill Gates rất quan tâm đầu tư giáo dục
cho các con. Ba người con của ông đều học tại Lakeside, trường tư thục xuất sắc
tại Seattle .
Từ những triết lý dạy con của mình, Bill Gates tin rằng
thứ tốt nhất cho con chính là một nền tảng giáo dục tốt. Ông muốn con cái hiểu
rằng chỉ có làm việc bằng chính khả năng của bản thân mới có ý nghĩa và quan
trọng.
Các nhà tỷ phú Phương Đông
Trái ngược với các đại gia phương Tây, những gia đình có
điều kiện ở phương Đông lại có xu hướng nuông chiều con cái như "cành vàng
lá ngọc" đồng thời đầu tư không ít của cải, tiền bạc cho việc hưởng thụ
của con.
Cách đây không lâu, triệu phú Ấn Độ Yogesh Mehta, một trong
những nhà phân phối hóa dầu tư nhân lớn nhất khu vực Trung Đông đã tổ chức đám
cưới 500 tỷ đồng cho con trai duy nhất tại thành phố Florence (Ý) trong 3 ngày
3 đêm.
Triệu phú Ấn Độ Yogesh Mehta và đám cưới xa hoa của con trai.
Ở Trung Quốc, hàng ngày người ta đều được chứng kiến cảnh
tượng những người làm cha làm mẹ che ô hay cầm cặp sách cho con cháu mỗi khi
đến trường.
Hay sau mỗi giờ vào lớp hay tan học, những khu vực gần cổng trường
luôn trong tình trạng tắc nghẽn, bởi có hàng đoàn xe của các vị phụ huynh đang
nối đuôi nhau chờ đưa đón con mình.
Theo những vị phụ huynh này, để con cái tự
mình đi đến trường là một việc làm nguy hiểm, đồng thời vì muốn con mình "mưa
không đến mặt, nắng chẳng đến đầu", thế nên họ chỉ có thể yên tâm khi tự mình
đưa đón con đi học.
Đặc biệt, gần đây mạng xã hội nổi lên những khái niệm về các "phú nhị đại", hay còn có
cái tên đơn giản hơn là thế hệ siêu giàu thứ 2 ở Trung Quốc.
Chẳng phải động
tay động chân, chẳng cần "đầu tắt mặt tối" mỗi ngày; công việc chính của các
"phú nhị đại" chỉ là mua xe, mua quần áo, rong chơi ở các câu lạc bộ
xa xỉ, vung từng xấp tiền lên những chai rượu đắt tiền nhất và mọi vấn
đề về tiền bạc thì đã có bố mẹ lo.
Các "phú nhị đại" ở Trung Quốc được cha mẹ chăm sóc từng chút một.
Hội con nhà giàu này đã từng khiến nhiều
người choáng váng vì thường xuyên có những chiêu trò quái đản để khoe khoang
mức độ giàu có của mình như: mua chiếc đồng hồ vàng cho chó cưng; lái siêu xe
gây tai nạn để phá xe hay đốt tiền...
Thừa hưởng số tài sản khổng lồ từ bố mẹ
để lại, chuyện tích cóp tài sản cho một cuộc sống sung túc trong tương lai là
một khái niệm quá xa vời đối với những "đại gia con" này.
Chính sự bao bọc thái quá "nâng như nâng trứng, hứng
như hứng hoa" và lối tư duy "làm cho con hưởng" của 1 bộ phận phụ
huynh phương Đông đã tạo cho con cái họ thói quen sống ỷ lại, dựa dẫm vào người
lớn; thậm chí gây lệch lạc trong suy nghĩ.
Lâu dần, những đứa trẻ được bố mẹ đưa đón mỗi ngày sẽ có sự
so sánh với các bạn khác cùng cảnh ngộ và hình thành thói suy nghĩ "trọng
vật chất": Phải được đưa đón bằng xe đẹp, nếu không sẽ trở thành trò cười
cho những người xung quanh.
Thiếu gia nhà giàu mua đồng hồ vàng cho thú cưng.
Nhắc đến thế hệ siêu giàu thứ 2 ở Trung Quốc; nhiều nhà
phân tích cho rằng gốc rễ của các vấn đề ở thế hệ "phú nhị đại" xuất phát từ
việc họ luôn phải chịu đựng sự cô đơn vì thiếu sự quan tâm chăm sóc và định
hướng đúng đắn từ cha mẹ.
Phần lớn các ông bố bà mẹ chỉ biết "chăm" cấp tiền cho con để chúng
thỏa mãn thú vui xa xỉ của mình và coi rằng cung cấp đầy đủ vật chất, cho một
cuộc sống an nhàn nhung lụa là yêu thương con.
Wang Daqi, tác giả cuốn sách "Con cái của giới nhà giàu"
mới xuất bản cho biết thế hệ "phú nhị đại" phải trải qua một tuổi thơ cô độc…
Họ thường được ra nước ngoài học và do cha mẹ họ cảm thấy có lỗi nên thường bù
đắp bằng cách cho họ thêm thật nhiều tiền".
Đồng quan điểm, tờ Nhật báo Quảng
Châu có đăng một bài báo về "con nhà giàu", trong đó có viết: "Những bậc cha mẹ
giàu có thường quan tâm nhiều đến việc làm giàu hơn là chăm lo cho con cái họ.
Việc thiếu thốn quan hệ cha mẹ - con cái đã ươm mầm cho những hành vi xấu".
Hầu hết các phú nhị đại đều có chung một vấn đề, đó là mối
quan hệ với bố mẹ mình, cũng chính vấn đề này đã tạo ra di chứng tâm lý cho các "cậu ấm cô chiêu" sau này, đẩy họ vào con đường sử dụng tiền bạc để tìm niềm vui
khuây khỏa.
Thế hệ siêu giàu thứ 2 buộc phải tìm đến nguồn tình cảm từ các thú
vui như bar sàn, rượu bia và chất kích thích, cốt để quên đi nỗi đơn côi mình
đang nếm trải. Từ nhiều sự kiện trong đời, họ hình thành cho mình tính đề
phòng, khó tin tưởng bất cứ ai.
Một vài so sánh và những ví dụ thực tế kể trên có lẽ đã phần
nào vẽ nên bức tranh đa sắc màu về cuộc sống và cách giáo dục con cái của giới
nhà giàu trên thế giới.