Sự khác biệt giữa "thiên tài" và những người có IQ cao: 90% mọi người đều đang lầm tưởng

Ánh Lê |

Nhiều người thường mặc định thiên tài là những người siêu thông minh. Tuy nhiên, thiên tài chưa chắc có chỉ số IQ cao và những người có IQ cao ngất cũng chưa chắc sẽ trở thành thiên tài lúc trưởng thành.

Albert Einstein, Wolfgang Amadeus Mozart, Marie Curie, Van Gogh, Isaac Newton, Steve Jobs đều là những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử nhân loại. Những thành tựu của họ thể hiện trí tuệ siêu việt và được thế giới công nhận, thậm chí có người còn được đánh giá là thiên tài.

Năm 2015, Harold Ekeh - một học sinh trung học tại Long Islandm, New York đã gây chấn động nước Mỹ khi được nhận vào 8 trường đại học thuộc liên đoàn Ivy League (nhóm trường Đại học tư thục ưu tú và lâu đời nhất nước Mỹ) và các trường đại học danh tiếng khác như Viện Công nghệ Massachusetts và John Hopkins. Là một người có trí thông minh cực kỳ xuất sắc, liệu điều đó đã đủ để cậu có cơ hội phát triển và đứng ngang hàng với những bậc tiền bối ở trên?

Thông thường, chúng ta đánh giá một người là thiên tài dựa trên những gì họ làm được và những cá nhân có trí thông minh siêu việt thường dễ bị gắn mác là "thiên tài". Tuy nhiên, giáo sư Richard Haier - giáo sư bộ môn thần kinh học khoa nhi Trường đại học Y California cho biết cách đánh giá này và khái niệm "thiên tài" chưa được hiểu đúng.

Chia sẻ với Yahoo Health, ông thừa nhận rằng có một niềm tin phổ biến của xã hội hiện nay cho rằng, trí thông minh của trẻ nhỏ sẽ được tăng cường nếu đời sống lúc bé của trẻ trở nên phong phú hơn. Mặc dù vậy chưa hề có nghiên cứu nào chứng minh điều này.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vấn đề trí tuệ bị ảnh hưởng khá nhiều di truyền. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, di truyền sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định bản chất thiên tài của một đứa trẻ, nhưng tất nhiên đó không phải là yếu tố duy nhất.

Vậy chính xác "thiên tài" là gì ?

Giáo sư Haier cho biết rất khó có thể định nghĩa đúng về thiên tài. Ví dụ, nếu chỉ dựa trên chỉ số IQ thì những người có chỉ số IQ cao đột biến đều sẽ được gọi là thiên tài và họ chỉ chiếm khoảng 0,1%. Tuy nhiên, giáo sư này cũng nhận định rằng việc đánh giá theo cách này chỉ là thước đo "trí tuệ" mà thôi. Thiên tài là một cái gì đó rất khác.

Sự khác biệt giữa thiên tài và những người có IQ cao: 90% mọi người đều đang lầm tưởng - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Chúng ta đều thừa nhận rằng những thiên tài thường có những thành tựu mang tính lịch sử trong lĩnh vực riêng của họ. Theo đó, câu hỏi được giáo sư Haier đặt ra là: "Vậy, Steve Jobs có phải thiên tài không khi ông ấy đã tạo ra những sản phẩm thay đổi thế giới?"

Khi nói đến việc xác định một thiên tài, chúng ta đã vướng phải một phương trình cực kỳ phức tạp. "Bạn là người cực kỳ sáng tạo nhưng lại có trí tuệ trung bình nếu dựa trên chỉ số IQ?"

Giáo sư Haier cho rằng thông thường, nhiều người lầm tưởng khả năng sáng tạo sẽ đi liền với trí tuệ trên mức trung bình, điều này không phải lúc nào cũng đúng với tất cả các lĩnh vực. Đây chính là vấn đề cần giải đáp, ví dụ như khả năng sáng tác âm nhạc thì độc lập hoàn toàn với trí tuệ. Chính vì thế hai chữ "thiên tài" trở nên rất mơ hồ.

Bộ não của thiên tài liệu có lớn hơn và tốt hơn bộ não thông thường?

Có một số cuộc tranh luận về bộ não của những thiên tài rằng: Liệu nó có vượt trội hơn bộ não thông thường hay không? Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được sự khác biệt. Earl Hunt - giáo sư tâm lý học đã nghiên cứu sự khác biệt về trí thông minh nói rằng: "Trở thành thiên tài là một sự kiện cực kỳ khó xảy ra, nhưng về mặt sinh học thì không hề có sự khác biệt nào giữa những thiên tài và người thường."

Rex Jung, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học New Mexico cho biết: "Di truyền và môi trường là một yếu tố đóng góp rất lớn để bộ não phát triển một cách khác thường". Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng mỗi bộ não sẽ hoạt động theo một cách riêng biệt và không cái nào giống cái nào.

Đặc biệt, các nghiên cứu về cấu trúc não đã phần nào lý giải được vì sao có những người lại sở hữu trí tuệ vượt trội so với người khác - nhất là giữa những người làm cùng một lĩnh vực. Những "bộ não thông minh" hoạt động theo nhiều cách khác nhau, cấu trúc não giữa 2 giới tính có cùng chỉ số IQ cũng rất khác biệt dựa trên mô hình của chất xám và chất trắng trong não. Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho định nghĩa 2 chữ "thiên tài".

Sự khác biệt giữa thiên tài và những người có IQ cao: 90% mọi người đều đang lầm tưởng - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Bí mật của thiên tài

Hầu hết mọi người có sự nhầm lẫn giữa những người có trí tuệ siêu việt và thiên tài. Nhà khoa học Rex Jung cho biết điểm khác biệt giữa thông minh và thiên tài là khả năng xử lý những tính huống hiếm gặp như kiểu "ngàn năm có một". Ông nói:

"Có những mạng lưới khác nhau trong não tham gia vào việc suy luận. Những mạng lưới nào lớn hơn, mạnh hơn và nhanh hơn sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua đưa ra những suy luận hợp lý nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, sự sáng tạo mới là mấu chốt của thiên tài nhưng lại thuộc một mạng lưới chậm chạp, cho phép tất cả quá trình suy nghĩ có thể diễn ra cùng một lúc. Nhờ nó, các thiên tài có thể đưa ra những quyết định vượt qua mọi quy chuẩn thông thường, kể cả đối với những người vốn được đánh giá là cực kỳ thông minh".

Ông cũng gọi sự sáng tạo là "bí mật" của thiên tài, là thứ thúc đẩy trí thông minh.

Giới tính và tính cách cũng quyết định ai là thiên tài

Giáo sư David Lubinski cho biết tính cách đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định ai là thiên tài. Ông nói: "Khoảng 15% những người thông minh nhất không muốn làm việc quá 40 tiếng/tuần. Trong khi đó, đam mê và động lực lại là yếu tố quan trọng để những người có trí tuệ tốt trở thành thiên tài vì họ sẽ liên tục tìm kiếm những cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo và trí tuệ của mình."

Sự khác biệt giữa thiên tài và những người có IQ cao: 90% mọi người đều đang lầm tưởng - Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Giỏi về một lĩnh vực nhất định là một chuyện, nhưng để tạo ra một thiên tài, tính cách cũng rất quan trọng. Giáo sư giải thích: "Thiên tài có một số đặc điểm nhất định. Sự sáng tạo là một điều lớn lao, nhưng cũng cần có sự bền bỉ và cố chấp, sau đó là tương tác với những người khác. Tất cả những điều này đều là đòn bẩy của trí thông minh." Nhiều người tưởng rằng thiên tài một mình tạo ra đột phát, trên thực tế, mọi thiên tài đều hỗ trợ cho nhau, chúng ta có nhận ra điều đấy hay không mà thôi.

Ngoài ra, vấn đề giới tính cũng đóng vai trò trong việc quyết định ai là thiên tài. Cụ thể, nam giới thường đạt nhiều thành công trong lĩnh vực STEM ( Science - Technology - Engineering - Math). Trong khi đó, phụ nữ lại tỏ ra thích hợp với những lĩnh vực như luật pháp hay y tế, vì lợi ích của những nghiên cứu liên quan đến 2 ngành này có lợi với số đông hơn.

Một số yếu tố khác

Sự khác biệt giữa thiên tài và những người có IQ cao: 90% mọi người đều đang lầm tưởng - Ảnh 5.

Ảnh: Internet

Trí thông minh và sự sáng tạo là cần thiết nhưng nếu nó không phát huy đúng thời điểm thì mọi chuyện sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác. Giáo sư Hunt nói: " Einstein sẽ chẳng ai biết đến nếu như ông chỉ là một người rửa bát, thay vì cống hiến cho vật lý với tư cách là một nhà giáo". Thậm chí, những tác phẩm của Mozart và Beethoven liệu có trở nên bất hủ nếu sinh ra ở thời đại khác.

Bởi vậy có thể thấy rằng yếu tố thời đại, lịch sử cũng có ảnh hưởng lớn, góp phần tạo nên thiên tài. Thiên tài phải là người đầu tiên thực hiện những ý tưởng của mình bởi lịch sử không tôn vinh người thứ 2 chứng minh được định lý Pytago.

Tóm lại, thông minh, kiên trì, may mắn và sự hỗ trợ xã hội có thể có thể tạo ra thành công của một cá nhân nhưng chưa đủ để quyết định hai chữ "thiên tài". Giáo sư này kết luận rằng khả năng chỉ ra thiên tài thực sự nằm ngoài dự đoán của bất ai.

(Theo Yahoo)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại