Vào nửa sau thế kỷ 20, với sự phát triển của vũ khí chống tăng, nhiều quốc gia đã từ bỏ xe tăng hạng trung để chuyển sang sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) bọc thép tốt.
Tuy nhiên các cuộc xung đột quân sự hiện đại đã cho thấy không phải lúc nào những phương tiện hạng nặng này cũng có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là ở những địa hình khó khăn. Hãy cùng xem tại sao xe tăng hạng trung lại trở nên phù hợp và chúng mang lại những lợi thế gì trên chiến trường hiện đại.
Khối lượng nhiều xe tăng hiện đại của phương Tây vượt quá 60 tấn và có thể tới 75 tấn. Những phương tiện bọc thép hạng nặng như vậy không thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện tan băng mùa thu xuân, đồng thời còn bị hạn chế khi di chuyển qua nhiều cây cầu, địa hình đồi núi.
Ví dụ về các cuộc giao tranh ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở vùng núi Tây Tạng và kinh nghiệm của Mỹ tại Afghanistan đã chỉ ra rằng các MBT hạng nặng như M1 Abrams không thể phát huy hết tiềm năng của chúng trong điều kiện độ cao lớn.
Trung Quốc, nhận thức được nguy cơ tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, đã phát triển xe tăng “miền núi” Type 15 đặc biệt để hoạt động trên cao nguyên Tây Tạng. Cỗ chiến xa này nặng 36 tấn, được trang bị giáp module, pháo 105 mm và bộ nạp đạn tự động, cho phép tổ lái giảm xuống còn 3 người.
Mặc dù có trọng lượng tương đối thấp nhưng Type 15 vẫn có động cơ diesel 1.000 mã lực, cần thiết để hoạt động ở độ cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển. Xe tăng này được bảo vệ khỏi đạn cỡ nòng nhỏ và tích hợp tên lửa chống tăng có điều khiển với tầm bắn lên tới 5 km, giúp nó hoạt động hiệu quả trong điều kiện tầm cao.
Mặc dù Mỹ đã rời Afghanistan và không có kế hoạch tác chiến trên núi nhưng nước này đã phát triển xe tăng hạng trung M10 Booker, được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, đặc biệt là các sư đoàn dù.
Xe tăng nặng 35 tấn, được trang bị pháo 105 mm, hệ thống treo thủy lực và động cơ diesel MTU công suất 800 mã lực, cho phép đạt tốc độ lên tới 72 km/h trên đường cao tốc.
Bất chấp những lời chỉ trích về "vỏ giáp bằng bìa cứng", Lầu Năm Góc có kế hoạch đặt mua hơn 500 chiếc xe tăng loại này khi coi chúng là cần thiết cho những khu vực không thể sử dụng xe tăng hạng nặng M1 Abrams.
Ấn Độ cũng đang phát triển một phương tiện chiến đấu tương tự - xe tăng Zorawar, nặng 25 tấn và được trang bị động cơ diesel 815 mã lực, vũ khí chính là khẩu pháo 105 mm. New Delhi dự kiến đặt hàng 350 chiến xa loại này, nhưng chúng sẽ không được đưa vào sử dụng cho đến năm 2027.
Năm 2016, xe tăng Kaplan MT của Thổ Nhĩ Kỳ - Indonesia do FNSS và Pindad phát triển đã được giới thiệu. Chiến xa này nặng 35 tấn, được trang bị giáp module có khả năng chịu được đạn pháo 30 mm và vũ khí là pháo 105 mm.
Động cơ diesel Caterpillar công suất 710 mã lực cho phép đạt tốc độ lên tới 70 km/h. Điểm đặc biệt của Kaplan MT là khả năng lắp đặt tổ hợp phòng vệ chủ động Pulat do Ankara sản xuất. Bất chấp việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không tỏ ra quan tâm nhiều đến nó, Indonesia vẫn sẵn sàng mua với số lượng lớn và sản xuất trong nước.
Xe tăng hạng trung nặng dưới 40 tấn đang trải qua thời kỳ tái sinh, trong khi xe tăng chiến đấu chủ lực lại gặp khủng hoảng. Các hoạt động đặc biệt và xung đột trong những năm gần đây cho thấy MBT có thể bị hạ gục tương đối dễ dàng bằng vũ khí chống tăng hiện đại. Chúng đắt tiền và ảnh hưởng đối với diễn biến chiến sự ngày càng ít được chú ý.
MBT hạng nặng như M1 Abrams hay Challenger-2 đòi hỏi nguồn lực đáng kể để bảo trì và vận chuyển. Trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là ở địa hình khó khăn, những chiếc xe tăng như vậy kém hiệu quả hơn.
Mặt khác, xe tăng hạng trung mang lại sự linh hoạt và khả năng cơ động cao hơn, khiến chúng phù hợp hơn với nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả hoạt động ở vùng núi và khu vực đô thị đông đúc.
Theo Avia-pro