Sự hiện diện độc đáo của Apple tại Cuba

Bảo Nam |

Một cái nhìn về văn hóa Apple vốn rất nhỏ bé và non trẻ nhưng lại đầy sự nhiệt tình ở đất nước Cuba.

Apple có sự hiện diện chính thức tại hàng chục quốc gia trên thế giới, nhưng Cuba không phải là một trong số đó. Không có Apple Store chính thức nào tại Cuba. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng về Internet của quốc đảo này còn khá mới, chưa trưởng thành, không hoàn toàn miễn phí và cũng chưa phù hợp với hầu hết người dân nước này.

Nếu bạn thấy ai đó ở Cuba sử dụng iPhone, gần như chắc chắn đó là khách du lịch đến từ Mỹ, Canada hoặc Châu Âu. Ở Cuba, chỉ một tỷ lệ dân số rất nhỏ được truy cập vào mạng Internet toàn cầu. Đây là hệ quả của những chính sách cấm vận cả về kinh tế lẫn hàng hóa, bị chính quyền Mỹ áp đặt lên hòn đảo này trong thời gian dài. 

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản những hạt mầm nhỏ của Apple được gieo xuống Cuba trong những năm gần đây, bằng nhiều cách. Với những thay đổi được phát hiện gần đây, sẽ không khó để tưởng tượng trong một tương lai không xa, Apple sẽ hiện hữu và đóng một vai trò lớn trong cuộc sống tại nơi này, ít nhất là so với hiện tại.

iPhone và sự cấm vận

Sự gia tăng và lan rộng trên toàn thế giới của các sản phẩm do Apple sản xuất ban đầu diễn ra vào thời điểm Chiến tranh Lạnh vẫn đang tiếp diễn và lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn tồn tại. Điều này có nghĩa là máy Mac đời đầu và các sản phẩm khác của Apple không có cách tiếp cận thực tế với cư dân trên quốc đảo Cuba.

Thậm chí vào thời điểm đó, việc mang các sản phẩm bị cấm vận tới Cuba bị coi là hành vi phạm pháp. Một người Mỹ tên Alan Gross đã bị bắt vào năm 2009 rồi bị phạt tù gần 5 năm, vì đã đưa công nghệ Internet vào cộng đồng người Do Thái trên đảo. Cụ thể, anh đã cố mang tới đây 12 chiếc iPod và ba chiếc MacBook.

Sự hiện diện độc đáo của Apple tại Cuba - Ảnh 1.

Truy cập Internet ở Cuba khó khăn hơn ở các quốc gia khác.

Vài năm sau, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ bắt đầu rút lại những hạn chế đó, mặc dù không dỡ bỏ lệnh cấm vận, do điều này đòi hỏi phải có một đạo luật của Quốc hội. Chính quyền Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ thương mại với Cuba vào năm 2014, dỡ bỏ các hạn chế khác và ông Obama thậm chí đã đến thăm Cuba vào năm 2016.

Trở lại năm 2015, Apple đã loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia bị hạn chế, vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, chính quyền sau đó của ông Donald Trump đã đảo ngược lại một số thay đổi chính sách từ thời Obama, bao gồm khôi phục một số lệnh cấm đi lại.

Cuba thậm chí không có Internet di động 3G cho đến năm 2018 và nhiều người dân tại đây thậm chí không thể tiếp cận dịch vụ này do giá cả đắt đỏ. Hầu hết, việc đăng nhập vào Internet thông qua Wi-Fi yêu cầu người dùng phải mua thẻ truy cập độc quyền từ công ty viễn thông quốc gia, ETECSA, và đăng nhập bằng mã 12 chữ số.

Dấu hiệu của Apple

Tại Havana (hay thủ đô La Habana) và các thành phố khác của Cuba, một số xe taxi trong số này là những chiếc xe cổ của Mỹ và Liên Xô, đã được dán logo Apple. Đừng lầm tưởng rằng điều này có nghĩa là những chiếc xe được trang bị CarPlay hoặc một số loại công nghệ tân tiến khác cho phép khách du lịch kết nối iPhone của họ với hệ thống âm thanh của xe hơi.

Sự hiện diện độc đáo của Apple tại Cuba - Ảnh 2.

Chiếc xe gắn logo Apple ở Cuba.

Theo một tài xế taxi ở Havana tên Raul, các nhãn dán hình quả táo cắn dở, chỉ đơn thuần là một biểu hiện của sự đánh giá cao về Apple. Ông nói thêm rằng rất ít người Cuba sở hữu iPhone, bởi phần lớn người dùng điện thoại thông minh ở quốc gia này có thiết bị chạy hệ điều hành Android.

"Có thể trong một ngàn năm tới!", Raul nói về việc iPhone sẽ trở nên phổ biến ở quốc gia này, với một niềm khát vọng to lớn. Trong xe của Raul, một chiếc Ford được sản xuất từ những năm 1940, ông chơi nhạc bằng cách cắm một ổ USB vào sau chiếc radio.

Và sự khéo léo mà người Cuba đã sử dụng để sửa chữa những chiếc xe cổ để dùng trong nhiều năm cũng đã được áp dụng, ở một mức độ nào đó, cho iPhone. Theo một câu chuyện của tờ San Francisco Chronicle đăng tải vào năm 2012, thì một cửa hàng điện tử nhỏ ở Havana có thể sửa iPhone mà phóng viên người Mỹ đã vô tình làm rơi xuống nước.

Một loại cửa hàng iPhone ở Cuba

Sự hiện diện độc đáo của Apple tại Cuba - Ảnh 3.

Bên trong cửa hàng Dr.iPhone ở Santa Clara, Cuba

Ở Santa Clara, một thành phố ở trung tâm của đất nước Cuba, bạn có thể tình cờ bắt gặp một cửa hàng nhỏ tên là Dr. iPhone. Nó có một tấm biển nhỏ ở phía trước in hình logo Apple, để làm cho nó trông giống như một Apple Store. Trong cửa hàng này dường như chỉ có sẵn hơn một chục chiếc iPhone.

Sự hiện diện độc đáo của Apple tại Cuba - Ảnh 4.

Cửa hàng Dr.iPhone ở Santa Clara, Cuba

Cửa hàng này cũng có một trang Facebook, trong đó tuyên bố rằng nó cung cấp "gói ứng dụng", bao gồm cả Neuralcam - ứng dụng chụp ảnh ban đêm - với giá 5 CUC (khoảng 5 USD). Làm thế nào mà các cửa hàng có thể cung cấp dịch vụ này, hay cách nó làm sao để vượt qua các rào cản cấm vận? Không ai biết.

photo-3

iPhone được đặt bên trong cửa hàng Dr.iPhone

Năm 2012, tờ Huffington Post cũng đã báo cáo về một cửa hàng tương tự ở Havana và mô tả Apple là "một trong số các thương hiệu được mong muốn nhất, trong lĩnh vực thương mại bất hợp pháp."

Fidel Castro và "Think Different"

Sự hiện diện độc đáo của Apple tại Cuba - Ảnh 6.

Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Jose A. Toirac, đưa Fidel Castro vào các quảng cáo mang tính biểu tượng của Mỹ, trong một triển lãm ở Cuba.

Một bảo tàng nghệ thuật ở Havana, Bảo tàng Nacional de Bellas Artes de La Habana, có tổ chức một triển lãm lớn của nghệ sĩ Jose A. Toirac. Nó bao gồm một dự án của Toirac, trong đó những hình ảnh mang tính biểu tượng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro sẽ được ghép vào các chiến dịch quảng cáo nổi tiếng của Mỹ. Một trong số đó là "Think Different", chiến dịch cùng tên nổi tiếng của Apple.

Theo mô tả của triển lãm thì các tác phẩm nghệ thuật "bao gồm sự kết hợp hình ảnh của Fidel Castro với các quảng cáo cổ điển về các sản phẩm tiêu dùng", với thông điệp "chính trị và quảng cáo có điểm chung là cả hai đều có thứ gì đó để bán". Tiêu đề chung của triển lãm này là: "Chờ đợi thời điểm thích hợp."

Tương lai của Apple tại Cuba

Vậy Apple sẽ đi theo hướng nào ở Cuba? Với tốc độ thay đổi chậm chạp và sự cô lập mới từ Mỹ, không có khả năng chúng ta sẽ thấy một Apple Store mở tại Havana vào thời gian ngắn sắp tới, hoặc việc người dân chấp nhận sự tồn tại của iPhone một cách ồ ạt.

Tuy nhiên, vẫn có cơ hội về một sự đảo ngược chính sách khác của Mỹ và nếu lệnh cấm vận trước đó được dỡ bỏ, cùng với việc truy cập Internet ngày càng tăng, có lẽ iPhone sẽ trở thành hình ảnh thường xuyên được thấy hơn trên hòn đảo này, trong một thập kỷ tới.

Tham khảo appleinsider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại