Sự giày vò khủng khiếp khi một phi tần bị thất sủng khiến mọi nữ nhân trong Tử Cấm Thành phải tranh đấu đến cùng

Nguyễn Phượng |

Ẩn dưới vẻ ngoài xa hoa, hào nhoáng chốn hoàng cung là những âm mưu, thủ đoạn nhằm nhận được sự yêu thích của Thiên tử. Vậy những người bị hoàng đế chán ghét sẽ có kết cục đáng sợ như thế nào?

Vì sao phi tần phải tranh giành sự sủng ái của Hoàng đế?

Một phi tần nếu nhận được sự sủng ái, mang thai hoàng tử sẽ không chỉ củng cố được địa vị của mình trong hậu cung mà còn mang lại lợi ích rất lớn cho cả gia tộc.

Theo đó, "lời nói bên gối" là cách mà mọi người tin rằng những phi tần được sủng ái có thể gây ảnh hưởng dù ít dù nhiều đến Hoàng đế. Nhờ vậy mà người thân thích của phi tần này sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn ở chốn quan trường.

Bên cạnh đó, do chế độ phân cấp rõ ràng nơi hậu cung, những phi tần có cấp bậc cao hơn không chỉ được hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn mà còn có quyền trừng phạt những phi tần cấp thấp hơn mình.

Sự giày vò khủng khiếp khi một phi tần bị thất sủng khiến mọi nữ nhân trong Tử Cấm Thành phải tranh đấu đến cùng - Ảnh 1.

Thậm chí, cùng cấp phi tần nhưng người nào được vua sủng ái hơn thì người đó được coi trọng hơn, nhiều người nịnh bợ hơn, kể cả những phi tần cấp cao cũng không dám tìm cớ xử phạt hay trách tội.

Được sủng ái, thị tẩm nhiều đồng nghĩa với việc có nhiều khả năng mang thai. Nếu sinh được hoàng tử thì sẽ "mẫu bằng tử quý" (mẹ quý nhờ con), phi tần được tăng cấp bậc, được Hoàng gia coi trọng thậm chí có cơ hội trở thành thái hậu nếu con mình cạnh tranh ngai vàng thành công.

Nếu có phạm lỗi, nể mặt hoàng tử, họ cũng sẽ chỉ chịu mức xử phạt nhẹ hơn bình thường.

Kể cả nếu không có tham vọng làm Hoàng đế thì sau khi Hoàng đế băng hà, hoàng tử sẽ được phong làm vương gia, có quyền đón thái phi (mẹ đẻ) ra phủ đệ hay đưa đến đất phong (lãnh địa được chia) để dưỡng lão, hưởng phúc tuổi già con cháu vòng quanh.

Sự giày vò khủng khiếp khi một phi tần bị thất sủng khiến mọi nữ nhân trong Tử Cấm Thành phải tranh đấu đến cùng - Ảnh 3.

Cuộc sống địa ngục chờ đợi một phi tần bị thất sủng

Hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến thường có hàng chục cho đến hàng trăm phi tần nên không ít người bị lãng quên, thậm chí chưa từng có cơ hội gặp mặt hoàng đế. Từ đó, họ không nhận được bất cứ đãi ngộ nào và cuộc sống hàng ngày cũng chẳng hơn cung nữ là bao.

Trường hợp khác, một phi tần thất sủng và bị nhà vua tống vào lãnh cung là do mắc các tội như: Xúc phạm, nổi loạn, chống lại ý hoàng đế, vi phạm cung quy...Nếu tội nhẹ, họ sẽ chỉ bị phạt như cắt bổng lộc, giáng xuống địa vị thấp. Còn nếu thất sủng và bị đẩy vào lãnh cung, cuộc đời các phi tần coi như hết.

Trong hoàng cung, lãnh cung được biết đến là nơi ở của phi tử bị thất sủng. Cho dù không có địa điểm chuyên biệt, nhưng các lãnh cung lại có nhiều điểm tương đồng, một trong số đó là đãi ngộ ở đây vô cùng thấp kém.

Các phi tử bị nhốt vào lãnh cung, chẳng khác nào phải ngồi tù chung thân, cả đời cũng không còn cơ hội được hoàng đế sủng hạnh. Đặc biệt, cuộc sống của họ sẽ là những tháng ngày bị đày đoạ chẳng khác gì "địa ngục trần gian".

Thứ nhất là điều kiện sống tồi tệ. Các gian phòng trong lãnh cung không được tu sửa trong khoảng thời gian dài nên cực kì ẩm thấp, đổ nát, tiềm tàng nhiều yếu tố gây bệnh, làm hại tới sức khỏe con người.

Điều kiện sinh hoạt thì vô cùng thiếu thốn. Từ chăn, quần áo, đồ dùng cá nhân nếu như không nhờ được người khác mang vào thì chỉ có thể nằm chờ chết.

Sự giày vò khủng khiếp khi một phi tần bị thất sủng khiến mọi nữ nhân trong Tử Cấm Thành phải tranh đấu đến cùng - Ảnh 4.

Thức ăn hàng ngày đa số là đồ thừa đã thiu thối nhưng do không ai quan tâm nên các phi tần chỉ có thể chọn lựa giữa ăn và nhịn đói.

Một trong những đãi ngộ tệ bạc khác diễn ra hàng ngày tại lãnh cung đến từ các thái giám và cung nữ. Theo đó, họ vốn đã chịu nhiều uất ức trong thời gian dài nên sẽ nhân cơ hội này để đánh đập, mắng chửi nhầm trút giận, bởi suy cho cùng chủ nhân của họ đã bị hoàng đế ruồng bỏ.

Bên cạnh nỗi đau về thể xác thì nỗi đau tinh thần cũng vô cùng đáng sợ.

Trong lãnh cung thông thường có rất ít người, thậm chí phần lớn thời gian đều chỉ có một mình vị phi tử thất sủng kia. Lâu dần, sự cô đơn, buồn tủi và u uất khiến ít người giữ được tâm trí minh mẫn bình thường.

Cứ như vậy, phần lớn phi tần sống trong lãnh cung nhiều năm sẽ bị trầm cảm, trở nên điên loạn, thậm chí tự sát để giải thoát bản thân khỏi sự thống khổ. Do đó, có thể nói đây chính là điều mà người bị đẩy vào lãnh cung sợ nhất, là sự giày vò khủng khiếp nhất.

Lại nói đến chuyện con cái, những phi tần không có con thì sau khi Hoàng đế băng hà, họ sẽ phải chịu kết cục tàn khốc.

Sự giày vò khủng khiếp khi một phi tần bị thất sủng khiến mọi nữ nhân trong Tử Cấm Thành phải tranh đấu đến cùng - Ảnh 6.

Thứ nhất, phải xuống tóc làm ni cô. Một số bị đuổi ra ngoài, một số bị hạ xuống là nô tài, số khác phải vào ở trong chùa, trong miếu, xuống tóc đi tu, sống cuộc đời cô quạnh dài đằng đẵng, không có chút tương lai.

Thứ hai, phải tuẫn táng theo hoàng đế. Tình huống nảy xảy ra ở một số triều đại. Có hoàng đế chỉ chọn những phi tử mà khi còn sống mình sủng ái để tuẫn táng theo. Tuy nhiên cũng có hoàng đế yêu cầu tuẫn táng hoàn bộ hậu cung, tránh gây nghiệp xấu sau này. Lúc này, các phi tần dù có sợ hãi, kêu khóc cũng không thoát khỏi số kiếp bị ép chết một cách tàn nhẫn nhất.

Điều thứ ba, chính là không được sủng hoặc được sủng rồi lại thất sủng. Có những vị phi tử, mang tiếng là vợ vua nhưng cả đời chưa từng được hoàng đế chạm vào người, thậm chí cũng chưa từng nhìn thấy mặt hoàng đế. Những vị phi tử này, lấy chồng cũng như không lấy, chỉ có thể sống cả đời mòn mỏi trong cung, cô độc, lạnh lẽo. Một ngày hoàng đế băng hà, họ sẽ được triều đình ban cho một khoản bạc rồi thả tự do, muốn đi đâu thì đi. Đáng tiếc, lúc này xuân tàn, nhan sắc phôi phai, họ cũng chỉ có thể sống một kiếp tủi phận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại