Làm cách nào để phục hồi một cuộn giấy đã bị cháy xém, cuộn lại thành một cục cứng nhắc, đã 500 năm tuổi? Bằng khoa học! Các nhà nghiên cứu vừa sử dụng công nghệ cao, đọc được nội dung ẩn giấu trong một cuộn giấy cháy dở tồn tại từ thế kỷ 16.
Đã từ lâu, đội ngũ các nhà khoa học tại Đại học Cardiff, xứ Wales đã cố gắng hoàn thiện kĩ năng sử dụng thiết bị y học để đọc được nội dung những văn tự cổ xưa đã bị hư hại, hoặc quá mỏng manh để có thể mở ra đọc theo cách thông thường.
Đầu tiên, họ dùng máy chụp cắt lớp để có được hàng ngàn hình ảnh nhỏ xíu của cuộn giấy. Đưa những hình ảnh có dược vào một thuật toán, họ có thể giải mã được chữ cái, từ ngữ và hình ảnh có trong từng lớp giấy.
Bằng cách thức trên, họ đọc được cuộn giấy bị lửa làm hư hại hồi thế kỷ 16, tìm thấy trong trang viên Diss Heyword, tại Norwich, nước Anh. Văn tự ghi lại lịch sử của trang viên, bao gồm việc mua bán đất đai, những người xâm nhập bất hợp pháp vào khuôn viên được bảo vệ, …
Phương pháp đọc nội dung văn bản trong những tập giấy, cuộn giấy cổ đã có từ năm 2013, lần đầu được áp dụng lên một cuộn giấy đã bị nước làm hư hại nặng. Nhưng lần này đặc biệt khó: tập giấy bị cháy khiến cho nhiều trang bị dính vào nhau thành những lớp than chồng lên nhau.
"Đọc được cuộn giấy lấy về từ Diss Heyword là một thử thách thực sự, nó gồm 4 tờ giấy da và nhiều lớp giấy khác nữa, dễ khiến cho chữ từ trang này lẫn sang trang khác", giáo sư Paul Rosin từ nhóm nghiên cứu nói.
"Chưa hết, cuộn giấy cổ còn bị mất màu và gấp nếp, bị bồ hóng phủ kín bề ngoài. Thế nhưng chúng tôi đã chứng minh được rằng kể cả với những văn tự khó như vậy, chúng tôi vẫn có thể trích xuất thông tin từ chúng".
Những nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff rất tự hào về những gì mình làm được, họ khuyến khích các học giả, các sử gia trên toàn thế giới hãy gửi văn tự cổ bị hư hại về cho họ. Bằng công nghệ, họ sẽ đọc được những con chữ người ta tưởng đã biến mất theo thời gian.
Tham khảo Motherboard