Những vị HLV lâu năm thường có rất nhiều câu chuyện hay để kể về hành trình chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu của họ. Sir Alex vẫn nhớ như in cảm giác ngắm nhìn Ryan Giggs thi đấu qua cửa sổ phòng làm việc.
Ngay sau khi Giggs hoàn tất cú hat-trick vào lưới U15 Man Utd, Fergie đã bật dậy, yêu cầu Harold Wood tìm hiểu tất cả các thông tin về Giggs. Nửa tháng sau, đích thân Fergie cùng tuyển trạch viên Joe Brown tới tận nhà Giggs thuyết phục anh gia nhập Man Utd.
Sir Alex cũng chính là người đã chạy hộc tốc thốc gan vào phòng làm việc của chủ tịch Martin Edwards, cắt ngang cuộc nói chuyện điện thoại giữa Edwards và người đồng cấp bên phía Leeds United để yêu cầu Man Utd hỏi mua Eric Cantona. Những huyền thoại ngày xưa đã được chiêu mộ như thế. Họ gánh vác trên vai cả niềm tin và sự tâm huyết của những ông thầy vĩ đại.
Bóng đá đang mất đi những màn đãi cát tìm vàng một cách thật sự kỳ công. Sự giàu có của Premier League khiến cho việc mua một tân binh trở nên dễ dãi, hời hợt. Victor Lindelof trước khi đến với Man Utd, mới chỉ thi đấu trọn vẹn 1,5 mùa bóng tại Benfica.
Thế rồi Man Utd xuất hiện như một cơn bão, thả quả bom 31 triệu bảng và lấy anh đi từ tay Benfica. Chính NHM Man Utd cũng ngơ ngác không biết Lindelof là ai mà đáng giá những 31 triệu, cho đến khi anh chơi trận ra mắt trước Real Madrid, đá cực kém cỏi, bị đẩy lên băng ghế dự bị, trở lại trong trận gặp Huddersfield tối qua, lại tiếp tục mắc những sai lầm gây hốt hoảng.
Bỗng dưng cảm thấy tất cả những gì đã trôi qua dưới kỷ nguyên Mourinho là toàn những sự dễ dãi, hời hợt. Một lối chơi hời hợt, những áp lực hời hợt, những tân binh được mua một cách hời hợt.
BLĐ Man Utd đã quá dễ dãi với Jose Mourinho. Họ cho ông toàn quyền biến Quỷ đỏ thành một trong những câu lạc bộ chơi thiếu tính giải trí nhất Premier League và giờ đây thì cũng mong manh bậc nhất giải đấu.
Sự dễ dãi tồn tại ở Chelsea lại trái ngược hoàn toàn so với Man Utd. Trong khi Mourinho được làm mọi điều ông thích tại Old Trafford thì ở Stamford Bridge, người đồng nghiệp Antonio Conte lại rất dễ gặp phải những áp lực. Conte mới đây đã phải kêu trời khi thường xuyên phải làm việc tới 18 tiếng/ngày, nhưng như thế vẫn là chưa đủ với Chelsea.
14 năm qua, Chelsea thay tới… 13 HLV, bao gồm cả chính thức và tạm quyền. Có cả những HLV thậm chí đã vô địch Champions League vẫn bị sa thải. Và trong 13 chiến lược gia bị trảm đó, không ít người bị chính những người mà họ gọi là học trò đâm sau lưng.
Sự dễ dãi ở đây là dễ dãi với nghề HLV. Nếu Abramovich là chủ tịch Man Utd có lẽ huyền thoại Alex Ferguson đã không ra đời. Bởi Fergie mất tới 4 năm mới mang về một chức vô địch cao quý cho Quỷ đỏ. Quãng thời gian đó với Abra là không thể chấp nhận được.
Sự thiếu kiên nhẫn của Abra vô tình đã tạo ra thái độ dễ dãi của nhiều cầu thủ và CĐV Chelsea. Mới đây, chỉ cần Carlo Ancelotti chụp ảnh check-in tại Stamford Bridge là đã râm ran tin đồn về chuyện ông có thể tiếp quản Chelsea thay thế Conte. Tại sao một mối lương duyên mới năm ngoái còn khăng khít mà năm nay có thể dễ dàng lung lay đến như vậy?
Và rồi cũng chỉ cần Chelsea bất ngờ trày da tróc vảy trước Watford, người ta cũng dễ dàng suy luận về một cuộc đảo chính trong phòng thay đồ. Cầu thủ Chelsea đang lật Conte giống như họ từng lật Mourinho.
Lẽ ra, Chelsea không được phép để những tin đồn dễ dàng được tạo ra và lan truyền như thế.
Bóng đá Anh đang bước vào thời kỳ mà mọi thứ trở nên quá mong manh, dễ dàng, thiếu sự ổn định lâu dài. Những mối quan hệ đến dễ và đi cũng dễ. Những HLV cũng vậy - như những lính đánh thuê, đến vì tiền, làm vì tiền và ra đi mang theo một đống tiền.