Đồ họa bên trong khoang tàu vũ trụ hai người lái của Dự án Gemini. Ảnh: PBS
Nắm rõ các quy tắc, nhưng Schirra đã do dự không làm theo. Mặc dù nghe thấy tiếng động cơ bốc cháy, nhưng anh không cảm thấy tên lửa cất cánh. Vì vậy, khi động cơ ngừng hoạt động, Schirra suy luận nhanh rằng anh và Stafford không gặp nguy hiểm gì và quyết định không phóng ra khỏi tàu vũ trụ.
"Ngọn đuốc" ngâm oxy nguyên chất
Một giờ sau, nhóm phụ trách bệ phóng đã đưa tên lửa gặp trục trặc trở lại an toàn và hai phi hành gia trèo ra khỏi tàu vũ trụ, sứ mạng của họ một lần nữa bị đình lại. Chính suy luận nhanh nhạy và sự điềm tĩnh của Schirra trước áp lực khẩn cấp có thể đã cứu mạng họ, như người đồng đội của anh, Tom Stafford giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 1997:
“Hóa ra những gì chúng tôi sẽ thấy, nếu chúng tôi phải phóng ra, sẽ là hai ngọn đuốc sống, bởi vì chúng tôi đang ở mức áp suất 15 hoặc 16 psi, ngâm mình trong oxy nguyên chất suốt một tiếng rưỡi. Chúa ơi, với ngọn lửa đó [từ tên lửa ghế phóng], nó sẽ đốt cháy bộ quần áo. Mọi thứ đã được ngâm trong oxy. Vì vậy, cảm ơn Chúa. NASA chưa bao giờ thử nghiệm chuyện đó. Họ đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm tại China Lake [California] nơi có mô hình khoang tàu Gemini, nhưng những gì họ làm là đổ đầy khí nitơ vào đó. Họ đã không bơm đầy oxy trong cuộc thử nghiệm".
Và ngay cả khi bộ quần áo của các phi hành gia không bốc cháy, gia tốc 20G cần thiết để phóng họ ra cách tàu vũ trụ 250 mét – khoảng cách an toàn tối thiểu để thoát khỏi quả cầu lửa – có thể sẽ gây thương tích nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu khi đó Schirra cảm thấy bất kỳ chuyển động nào, anh đã kéo cần phóng, vì, như sau này anh nói: "Phải chọn giữa cái chết hoặc ghế phóng."
Schirra và Stafford đã thoát chết nhờ suy luận nhanh trí của viên phi công chỉ huy. Ảnh: NASA
Động cơ ngừng hoạt động được cho là do cáp của rốn điều khiển đã bị bung ra sớm và tên lửa Titan II nhanh chóng được đưa trở lại trạng thái sẵn sàng bay.
Kết thúc "có hậu"
Vào ngày 15/12/1965, Schirra và Stafford lại leo lên tàu Gemini 6A để thực hiện lần phóng thứ ba. Lần này, mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, tên lửa Titan II rời bệ lúc 13h37. Bốn tiếng sau, Gemini 6A đã tiếp cận thành công Gemini 7 – thực hiện "cuộc hẹn" trên quỹ đạo của tàu vũ trụ có người lái đầu tiên trong lịch sử.
Trong 5 giờ tiếp theo, hai phi hành đoàn đã thực hành điều động quỹ đạo và bay theo đội hình. Tiếp đó, sau một thời gian nghỉ ngơi, Gemini 6A đã rời đội hình và bắt đầu quay trở lại Trái đất, rơi xuống Thái Bình Dương và 15h28 ngày 16/12 , tức 26 giờ sau khi cất cánh.
Trong khi đó, Lovell và Borman tiếp tục nhiệm vụ của họ, cho đến khi trở lại Trái đất hai ngày sau đó vào 18/12/1965.
Các phi hành gia tàu Gemini 7 nhận thấy nhiệm vụ kéo dài hai tuần thật đơn điệu, trong khi đến cuối hành trình thì không gian chật chội, chỗ lưu trữ túi chất thải bị thu hẹp khiến điều kiện bên trong cabin gần như không thể chịu đựng được. Tuy nhiên, nhiệm vụ đã thành công, chứng minh rằng các phi hành gia có thể sống sót và hoạt động trong không gian trong thời gian dài.
Khoang tàu cháy đen trong thảm kịch Apollo 1 làm 3 phi hành gia thiệt mạng. Ảnh: NASA
Những sự cố liên tiếp
Nỗ lực tiếp theo để ghép nối với phương tiện mục tiêu Agena diễn ra vào ngày 16/3/1966 với sự ra mắt của Gemini 8, do Neil Armstrong và David Scott điều khiển. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng gần như kết thúc trong thảm họa vì ngay sau khi ghép nối với Agena, một động cơ đẩy bị kẹt khiến tàu vũ trụ bắt đầu quay mất kiểm soát.
Chỉ nhờ hành động nhanh chóng của Armstrong, phi hành đoàn mới thoát khỏi bị mất điện và thiệt mạng bởi lực gia tốc đang gia tăng nhanh chóng.
Sứ mạng tiếp theo, Gemini 9, cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Như trên Gemini 6, phương tiện mục tiêu Agena đã thất bại khi phóng, buộc nhiệm vụ ban đầu phải bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, NASA đã lên kế hoạch cho trường hợp dự phòng này và hai tuần sau đó đã tung ra Bộ điều hợp lắp ghép mục tiêu tăng cường (ATDA), là một mục tiêu lắp ghép dự phòng đơn giản hơn, dựa trên nửa trước của khoang tàu Gemini.
Hai ngày sau, Gemini 9A được phóng lên quỹ đạo. Thật không may, khi tàu bắt kịp ATDA, phi công phát hiện ra bộ phận khởi động đã không thể tách rời, khiến việc lắp ghép không thể thực hiện được.
Lần lắp ghép thành công đầu tiên của Gemini và Agena chỉ diễn ra 4 tháng sau đó, vào ngày 19/7/1966 trong sứ mạng Gemini 10, do phi công chỉ huy John Young và phi công Michael Collins điều khiển.
Kể từ đây, NASA nhanh chóng bù đắp được thời gian đã mất. Vào thời điểm Gemini 12 trở về Trái đất vào ngày 15/11/1966, Dự án Gemini đã hoàn thành tất cả các mục tiêu của mình và NASA đã sẵn sàng chuyển sang Dự án Apollo, lần đầu đưa con người lên Mặt trăng. Việc dự án này có thể tiến hành nhanh chóng mà không xảy ra rủi ro chết người phần lớn là do tư duy nhanh nhạy và kỹ năng điều khiển tuyệt vời của các phi hành gia như Wally Schirra và Neil Armstrong.
Sự nguy hiểm của môi trường oxy nguyên chất
Tuy nhiên, quyết định sáng suốt của phi công Schirra với tàu Gemini 6A chỉ trì hoãn điều không thể tránh khỏi, đó là cái chết bi thảm của các phi hành gia Apollo 1 vào tháng 2/1967 - một lần nữa phơi bày những nguy hiểm của việc sử dụng oxy nguyên chất trên tàu vũ trụ.
Các phi hành gia trên khoang tàu vũ trụ. Ảnh: Space
Các báo cáo vẫn khẳng định rằng cho đến thời điểm này NASA hoàn toàn không biết gì về những mối nguy hiểm này, nhưng thực tế không phải vậy.
Một số sự cố suýt chết người liên quan đến hỏa hoạn trong buồng thử nghiệm oxy áp suất cao đã xảy ra trước Apollo 1, trong đó có hai vụ tại Căn cứ Không quân Brooks ở San Antonio và Phòng thí nghiệm Thiết bị Phi hành đoàn Hải quân ở Philadelphia vào năm 1962.
Vào ngày 16/2/1965, chỉ 10 tháng trước vụ phóng Gemini 6A, hai thợ lặn hải quân Fred Jackson và John Youmans đã thiệt mạng khi một đám cháy bùng phát trong buồng giảm áp của họ tại Đơn vị Lặn Thử nghiệm ở Washington, D.C.
Vậy tại sao NASA vẫn tiếp tục sử dụng môi trường oxy tinh khiết trên tàu tàu vũ trụ của họ?
Có một số lý do. Đầu tiên, oxy tinh khiết có thể thở được ở áp suất thấp hơn nhiều so với không khí thông thường, nghĩa là áp suất cabin có thể được giữ thấp hơn và cấu trúc tàu vũ trụ sẽ nhẹ hơn. Thứ hai, hít thở bầu không khí lẫn nitơ-oxy có nguy cơ gây mắc bệnh giảm áp, còn được gọi là “the Bends”. Và cuối cùng, việc duy trì một bầu không khí hỗn hợp đòi hỏi phải có thêm bình xăng, hệ thống ống nước và các thiết bị khác, tất cả đều làm tăng thêm trọng lượng và độ phức tạp cho tàu vũ trụ.
Do đó, NASA đã đánh giá môi trường oxy tinh khiết là lựa chọn nhẹ hơn, đơn giản hơn, và... an toàn hơn.
Tuy nhiên, sau vụ cháy tàu Apollo 1, các kỹ sư buộc phải đánh giá lại quyết định này và cuối cùng đi đến một thỏa hiệp. Trong tất cả các sứ mạng Apollo tiếp theo, bầu không khí hỗn hợp nitơ-oxy sẽ được sử dụng trong quá trình phóng, nhưng được đổi chỗ bằng oxy nguyên chất sau khi tàu vũ trụ đạt đến quỹ đạo.
Hầu hết các vật liệu dễ cháy đã gây ra đám cháy tàu Apollo 1 - như vải velcro và nylon - cũng đã bị loại bỏ khỏi tàu vũ trụ và thay thế bằng các vật liệu thay thế chống cháy.
Ghế phóng có khả năng gây chết người của tàu Gemini được thay thế trên Apollo bằng hệ thống thoát hiểm phóng gắn trên tháp thông thường. Lần duy nhất NASA sử dụng ghế phóng trên tàu vũ trụ là trong hai sứ mạng tàu con thoi đầu tiên vào năm 1981, sau đó chúng bị xóa sổ khỏi thiết kế của tàu vũ trụ.
Vào thời điểm này, bầu không khí trong cabin cũng đã được chuyển sang hỗn hợp oxy-nitơ giống với khí quyển Trái đất hơn. Nhờ những biện pháp này, NASA đã không gặp phải một sự cố nào khác liên quan đến hỏa hoạn trên tàu vũ trụ, và hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra.