Sự cố suýt biến 2 phi hành gia NASA thành ngọn đuốc sống - Kỳ 1

Thu Hằng (Theo Todayifoundout) |

Vào ngày 21/2/1967, thảm kịch đã xảy ra với chương trình đổ bộ lên Mặt trăng của tàu Apollo, khiến 3 phi hành gia thiệt mạng. Nhưng trước đó 2 năm, một sự cố đã báo trước gần như đầy đủ thảm kịch này, và suýt đã khiến 2 phi hành gia NASA biến thành ngọn đuốc sống.

Sự cố suýt biến 2 phi hành gia NASA thành ngọn đuốc sống - Kỳ 1 - Ảnh 1.

Phi hành đoàn Apollo 1 trong khoang tàu vào năm 1967. Ảnh: NASA

Trong buổi tâp dượt cho Apollo 1 – cuộc chạy thử máy đầu tiên theo kế hoạch cho một tàu vũ trụ mới – một sợi dây điện đã phát ra tia lửa và gây cháy trong khoang tàu. Trong môi trường oxy tinh khiết, được điều áp của cabin, ngọn lửa nhanh chóng bùng phát ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến cái chết của ba phi hành gia Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee.

Thảm họa Apollo 1 đã làm rung chuyển chương trình vũ trụ của Mỹ, buộc họ phải đánh giá lại các quy trình an toàn và cảnh báo về những nguy hiểm của việc sử dụng môi trường oxy tinh khiết trên tàu vũ trụ.

Tuy nhiên, thực tế thì bài học này đã được trải qua gần như đầy đủ từ hai năm trước đó, trong một sự cố bị lãng quên, suýt chút nữa đã khiến hai phi hành gia chịu chung bi kịch. Đó là câu chuyện về thảm họa cận kề của sứ mạng Gemini 6A.

Tiếp nối Dự án Mercury - nỗ lực đầu tiên của Mỹ nhằm đưa các phi hành gia vào không gian, Dự án Gemini được thiết kế để thử nghiệm và hoàn thiện tất cả các quy trình và khả năng cần thiết cho chương trình Mặt trăng Apollo sắp tới – bao gồm một chuyến bay vũ trụ dài ngày, lắp ghép trên quỹ đạo, cơ động trên quỹ đạo và hoạt động "đi bộ ngoài không gian".

Sự cố suýt biến 2 phi hành gia NASA thành ngọn đuốc sống - Kỳ 1 - Ảnh 2.

Tàu Gemini 7 nhìn từ Gemini 6A vào ngày 15/12/1965. Ảnh: NASA

Thiết kế tàu Gemini theo sở thích của phi công chiến đấu

Trong khi các phi hành gia đã có ý kiến ​​đóng góp đáng kể về thiết kế của khoang kín tàu Mercury trước đó, tàu Gemini hoàn toàn là một "con thú" khác. Được tùy chỉnh theo sở thích cụ thể của các phi công lái máy bay chiến đấu, cách bố trí cabin, bộ điều khiển và bảng điều khiển đều được mô phỏng theo một máy bay chiến đấu hiệu suất cao. Phi hành gia của Mercury 7, cũng là cựu phi công thử nghiệm của Không quân Gus Grissom đã có ảnh hưởng lớn đến thiết kế của tàu Gemini đến mức con tàu được gọi một cách trìu mến là “Gusmobile”.

Một đặc điểm khác giống máy bay chiến đấu của tàu Gemini là Hệ thống Thoát hiểm khi phóng (LES), được thiết kế để đưa phi hành đoàn đến nơi an toàn trong trường hợp khẩn cấp ở quá trình đếm ngược hoặc cất cánh.

Hệ thống LES trên tàu vũ trụ Mercury trước đó bao gồm một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn gắn trên một tháp phía trên khoang kín, trong trường hợp khẩn cấp sẽ đốt cháy và phóng khoang - cùng với phi hành đoàn bên trong - ra khỏi phương tiện phóng một cách an toàn.

Ngược lại, tàu Gemini được trang bị ghế phóng giống như máy bay chiến đấu, và chính những thiết bị này đã suýt gây ra cái chết thảm khốc cho phi hành đoàn Gemini 6A.

Sự cố suýt biến 2 phi hành gia NASA thành ngọn đuốc sống - Kỳ 1 - Ảnh 3.

Phi công chỉ huy tàu Gemini 6A Walter M. Schirra Jr. (trái) và phi công Thomas P. Stafford.

Hai nhiệm vụ của sứ mệnh Gemini 6

Sứ mệnh Gemini có người lái lần thứ tư, Gemini 6, nhằm thử nghiệm hai trong số những khả năng quan trọng nhất cần thiết cho các sứ mệnh Apollo sắp tới: điểm hẹn trên quỹ đạo và lắp ghép. NASA gần đó đã chọn phương pháp Điểm hẹn quỹ đạo Mặt trăng (LOR) để hạ cánh trên Mặt trăng, liên quan đến việc sử dụng tàu vũ trụ hạng nhẹ được gọi là Mô-đun Mặt trăng (LEM), thứ sẽ tách rời khỏi Mô-đun Chỉ huy (CSM), hạ cánh trên Mặt trăng, rồi cất cánh một lần nữa và lắp ghép lại với Mô-đun Chỉ huy trên quỹ đạo Mặt trăng.

Việc đảm bảo các phi hành gia có thể thực hiện các quy trình này một cách đáng tin cậy và an toàn là yếu tố sống còn đối với sự thành công của toàn bộ chương trình Apollo.

Để đạt được mục tiêu này, sứ mệnh Gemini 6 sẽ tổ chức cho phi hành đoàn của mình tiếp cận và lắp ghép một phương tiện mục tiêu không người lái là Agena, phương tiện này được phóng lên quỹ đạo trước họ.

Những người được chọn thực hiện sứ mạng là phi công chỉ huy Walter M. Schirra Jr. và phi công Thomas P. Stafford. Là thành viên của nhóm phi hành gia tàu Mercury 7, Schirra trước đó đã bay quanh Trái đất trong sứ mệnh Sigma 7 vào ngày 3/10/1962, trở thành người Mỹ thứ năm và người thứ chín trên thế giới bay vào không gian. Ngược lại, Stafford là một tân binh, được NASA lựa chọn vào năm 1962.

Sự cố suýt biến 2 phi hành gia NASA thành ngọn đuốc sống - Kỳ 1 - Ảnh 4.

Một tàu Apollo được phóng lên không gian. Ảnh: NASA

Lần phóng đầu bất thành

Lúc 9h45 sáng ngày 25/10/1965, Schirra và Stafford đi thang máy lên đỉnh giàn phóng LC-19 ở căn cứ Cape Canaveral (bang Florida) và được gắn chặt vào ghế trên tàu vũ trụ của họ.

15 phút sau, phương tiện mục tiêu Agena, vốn được gắn trên tầng đẩy của tên lửa Atlas, gầm rú rời khỏi giàn phóng LC-14 gần đó.

Nhưng trong khi tầng đầu tiên của tên lửa Atlas hoạt động hoàn hảo, thì ngay sau khi tách rời, một lỗ thủng trong động cơ của tầng thứ hai đã khiến Agena phát nổ ở độ cao 240 km.

50 phút sau, khi phương tiện mục tiêu chỉ còn một đám mây mảnh vụn đang trút xuống Đại Tây Dương, tàu Gemini 6 lúc này vẫn ở mặt đất và hai phi hành Schirra - Stafford được đưa ra khỏi con tàu.

Sau sự cố này, các nhà hoạch định của NASA đã tìm mọi cách để cứu vãn sứ mệnh Gemini 6.

Vì phương tiện mục tiêu Agena mới không thể kịp sẵn sàng, NASA đã đề xuất một kế hoạch thay thế: Sứ mệnh mới, được chỉ định là Gemini 6A, sẽ gặp tàu vũ trụ Gemini 7 (thay vì Agena) - phương tiện được phóng vào đầu tháng 12.

Được điều khiển bởi các phi hành gia Jim Lovell và Frank Bormann, mục tiêu chính của Gemini 7 là kiểm tra tính khả thi của chuyến bay vũ trụ trong thời gian dài bằng cách duy trì quỹ đạo trong 14 ngày – thời gian tối đa để bay lên Mặt trăng và quay trở lại.

Vì muốn thu được nhiều kinh nghiệm nhất từ ​​​​nhiệm vụ này, NASA cũng đề xuất rằng phi công Tom Stafford của Gemini 6A sẽ đổi chỗ cho phi công Jim Lovell của Gemini 7 bằng cách thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian. Tuy nhiên, Lovell không chấp nhận kế hoạch này, vì nó đòi hỏi anh phải chịu đựng 14 ngày trong bộ đồ phi hành gia EVA cồng kềnh thay vì bộ đồ quỹ đạo nhẹ nhàng hơn mà anh và Borman đã được cấp.

Sự cố suýt biến 2 phi hành gia NASA thành ngọn đuốc sống - Kỳ 1 - Ảnh 5.

Phần còn lại của thi thể ba phi hành gia tàu Apollo 1 tử nạn. Ảnh: NASA

Gemini 7 được phóng thành công vào ngày 4/12/1965. Tám ngày sau, Schirra và Stafford quay trở lại bệ phóng để thực hiện lần phóng thứ hai của Gemini 6A.

Lúc đầu, tất cả diễn ra đúng như kế hoạch. Quá trình kiểm tra trước chuyến bay diễn ra suôn sẻ, đồng hồ đếm ngược về 0 mà không xảy ra sự cố nào và động cơ khởi động đúng lịch trình.

Nhưng chỉ 1,5 giây sau khi đánh lửa, động cơ đột ngột tắt và tên lửa đẩy Titan II của Gemini 6A quay trở lại bệ đỡ. Vào thời điểm đó, phi công chỉ huy Wally Schirra phải đối mặt với một quyết định quan trọng. Tất cả các tên lửa về cơ bản là những quả bom khổng lồ, Titan II còn đặc biệt nguy hiểm hơn vì nó được cung cấp năng lượng bởi sự kết hợp dễ bay hơi của hydrazine hydrate và nitrogen tetroxide. Những nhiên liệu này là chất đẩy hypergolic, có nghĩa là chúng bốc cháy khi tiếp xúc với nhau.

Nếu Titan II rơi trở lại bệ, các thùng nhiên liệu có thể tách ra và các chất đẩy trộn lẫn với nhau, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ. Do đó, các quy tắc của sứ mạng quy định rằng trong trường hợp động cơ bị hỏng khi cất cánh, phi công chỉ huy Schirra phải ngay lập tức kéo cần phóng để phóng mình và đồng nghiệp Stafford ra khỏi tên lửa đang phát nổ.

Nhưng Schirra đã không làm như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại