1. Có lẽ phần lớn chúng ta đã quên ngày 5/1/2012, ngày xảy ra một sự kiện động trời. 4 chiến sĩ công an và 2 bộ đội bị thương trong một vụ cưỡng chế đất. Đấy là vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Khi đọc những thông tin ban đầu về vụ việc, chắc chắn phần lớn đều thấy phẫn nộ vì sự manh động và liều lĩnh của gia đình ông Vươn. Họ dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn thẳng vào lực lượng cưỡng chế. Nhưng khi cơn cuồng nộ ấy qua đi. Người ta buộc phải đặt dấu hỏi: điều gì đã đẩy những người nông dân có hành động nguy hiểm?
Rồi mọi thứ dần được sáng tỏ. Hóa ra nguồn cơn xuất phát từ những sai phạm nghiệm trọng, kéo dài của huyện Tiên Lãng. Đấy là nguyên nhân đẩy ông Vươn và gia đình vào thế đường cùng, làm liều.
Tất nhiên, hành động của gia đình ông Vươn là vi phạm pháp luật. Họ đã phải nhận những bản án xứng đáng. Nhưng cũng từ sự phản kháng của người nông dân này mà những góc khuất của vụ việc mới có cơ hội được phơi bày. Nhiều cán bộ đã phải trả giá cho những sai phạm của mình.
2. Ở khía cạnh nào đó, vở bi hài kịch của các cầu thủ Long An trên sân Thống Nhất rất giống với đại án Đoàn Văn Vươn. Chứng kiến những hình ảnh xấu xí, chưa từng có tiền lệ của các cầu thủ Long An, người ta rất dễ nổi giận. Những thước phim ấy làm hoen ố hình ảnh thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng khán giả.
Chỉ có điều cũng như vụ Đoàn Văn Vươn, bên cạnh búa rìu nhắm vào Long An, thì cũng còn 1 câu hỏi đau đáu khác: "Tại sao Quang Thanh, Minh Nhựt lại hành động như "ma làm" như vậy?".
Tình huống quay lưng khi đối thủ sút phạt đền của thủ môn Long An
Các cầu thủ chưa được giáo dục đầy đủ? Ban Lãnh đạo, Ban huấn luyện CLB Long An không có được sự chỉ đạo kịp thời? Tất cả đều đúng. Nhưng có lẽ sau tất cả thì điểm mấu chốt vẫn là sự uẩn ức của các cầu thủ với cách cầm còi của các trọng tài.
Giống như gia đình ông Vươn đã mất niềm tin khi có quá nhiều điều khuất tất trong cách xử lý của huyện Tiên Lãng. Họ chọn một giải pháp luật rừng, theo đúng kiểu tức nước vỡ bờ. Các cầu thủ Long An cũng vậy. Cả giận mất khôn, thày trò HLV Ngô Quang Sang đã không còn kiểm soát được lý trí của mình.
Đương nhiên, nếu chỉ 1 tình huống oan ức thì rất khó để đẩy người ta (ở đây còn là cả 1 tập thể) vào trạng thái kích động mạnh đến như vậy. Hành động của các cầu thủ Long An chỉ có thể giải thích rằng: họ đã không còn tin vào sự minh bạch trong các phán quyết của trọng tài, cũng như sự điều hành của BTC. Thế nên, họ đã không ứng xử theo cách thông thường, mà hò nhau nổi loạn.
3. Không thể chối cãi rằng việc làm của các cầu thủ Long An là khó tha thứ. Những án phạt dành cho đội bóng này là điều bắt buộc. Nó tương tự như việc những thành viên trong gia đình ông Vươn cũng đã bị pháp luật trừng phạt. Nhưng vấn đề là sau những án phạt rất nặng của Quang Thanh hay Minh Nhựt sẽ là gì?
Nếu như ở vụ Đoàn Văn Vươn, nhiều cán bộ cũng đã phải ra tòa hoặc kỷ luật, thì trong vụ scandal trên sân Thống Nhất có cảm giác như VFF chỉ định xử CLB Long An…và chấm hết! Cho đến lúc này chưa có quan chức VFF nào lên tiếng về tiếng còi của trọng tài Thư. BTC cũng chưa có động thái nào về việc chấn chỉnh công tác trọng tài.
Trên thực tế, ở V-League, tiếng còi của các trọng tài vốn là thứ gây ra nhiều bức xúc cho cầu thủ và các đội bóng. Nên nhớ rằng, ngay cả 1 cầu thủ nổi tiếng là khôn ngoan và chỉn chu như Công Vinh còn có lúc không giữ được bình tĩnh, vái lạy trọng tài và phải lĩnh án treo giò nặng.
Công bằng mà nói thì sai sót của các trọng tài là thứ khó tránh khỏi. Ở đâu cũng có. Ngay cả ở sân chơi đỉnh cao như World Cup, Euro, Champions League hay giải Ngoại hạng Anh các ông vua áo đen vẫn mắc những lỗi nghiêm trọng, đến khó tin.
BTC V-League chưa có động thái nào liên quan đến trọng tài Trọng Thư (ảnh: VTC).
Nhưng những sai sót ấy không tạo ra sự bức xúc ghê gớm như tại V-League. Thậm chí, các trọng tài còn luôn được BTC bảo vệ, bênh vực trong mọi hoàn cảnh. Sở dĩ như vậy vì các lỗi lầm ấy đều được nhìn nhận là những tình huống sai sót rất người. Nó không hề bị phủ bóng nghi ngờ là xuất phát từ những mối quan hệ chằng chịt, những động cơ phức tạp nơi hậu trường như tại V-League.
4. Quyết định phạt nặng một số cầu thủ Long An chắc chắn không phải là giải pháp đủ để dập tắt những mâu thuẫn, những bức xúc vẫn âm ỉ nơi các đội bóng. Và khi một chiếc lò xo bị dồn nén cực đại, thì nó sẽ phải bung ra với một lực kinh hoàng. Vấn đề chỉ là lúc nào điều ấy xảy ra mà thôi.
Sự cố Long An thực sự là hồi chuông báo động về sự mất niềm tin vào công tác trọng tài, vào sự minh bạch. Có lẽ đã đến lúc cần có một cuộc cách mạng từ các ông vua áo đen.
Trước mắt có thể là thuê trọng tài ngoại. Họ chưa chắc đã sở hữu chuyên môn tốt hơn những người đồng nghiệp Việt Nam. Nhưng ít nhất các bên liên quan sẽ không còn phải lăn tăn sau mỗi phán quyết gây tranh cãi của trọng tài như hiện nay. Đơn giản bởi người ta có niềm tin rằng đấy là những tiếng còi sạch!