Sự cố 'cười ra nước mắt' khi dùng tiếng Anh

Thoại Giang |

Nếu không nắm vững sắc thái của từ ngữ, phát âm sai hoặc nhấn trọng âm không chuẩn... bạn có thể biến mình thành trò cười khi sử dụng tiếng Anh.

Chị Thoại Giang - tốt nghiệp cử nhân kế toán và thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Victoria University, hiện sống và làm việc tại Melbourne, Australia - chia sẻ những lỗi mà người chưa thành thạo tiếng Anh có thể gặp phải khi trao đổi với người bản xứ.

Nói một đường nghe một nẻo

Khi mới chân ướt chân ráo tới Australia, ban ngày tôi học, buổi tối chạy bàn ở nhà hàng. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên khi một ông khách yêu cầu: "Can I have a cork please?", tôi mang ra một lon nước ngọt Cocacola. Ông khách chưa kịp phản ứng thì tôi đã khui rồi. Sau đó tôi mới biết ông ấy uống chưa hết chai rượu vang nên xin cái nút để mang chai rượu về. Hai từ này thật ra phát âm khác nhau cork [kɔːk] (cái nút chai) và Coke [kəʊk] nhưng do chưa nghe qua nên tôi đã nhầm lẫn.

Em tôi cuối tuần đi làm thêm ở tiệm bánh mì. Một hôm có khách hỏi: "Has the bread been baked today?" (Bánh mì nướng hôm nay phải không?). Giờ cao điểm tiệm rất đông khách, em tôi trả lời vội vàng "Yes, today" (Vâng, hôm nay) nhưng do nói nhanh, hai chữ mắc vào nhau thành "Yesterday". Bà khách liền hỏi lại "Yesterday?". Em tôi phải từ tốn đáp đầy đủ "No. It’s been baked today not yesterday" (Bánh mới nướng hôm nay, không phải hôm qua).

Phát âm sai

Có lần từ Việt Nam về, ngồi tán gẫu với đồng nghiệp, họ hỏi qua lại ngày nào, tôi trả lời "23rd (twenty third) of January", cả hội cười cười, tôi biết mình phát âm sai, nhưng không ai chịu chỉ mà kêu tự tìm hiểu đi. Về nhà tôi đem ra hỏi hai đứa con thì chúng nói mẹ phát âm third /θəːd/ nghe giống như turd /təːd/ (phân, chất thải). Khi phát âm /θ/ phải thè lưỡi ra giữa hai hàm răng, nhưng do tiếng Việt không có âm này nên đôi khi tôi vẫn phát âm như /t/.

Phát âm không chính xác

Gọi không chính xác tên người có thể bị hiểu lầm từ người này qua người khác. Có lần tôi nói với một chị đồng nghiệp là "Chad said that" (Chad nói vậy đó) nhưng chị hỏi "Jack? Who's Jack"(Jack? Jack nào?). Tôi nói "Not Jack. Chad!" (Không phải Jack /dʒak/, mà là Chad /tʃæd/), chị vẫn ngơ ngác. Tôi phải đánh vần C-H-A-D. Chị đồng nghiệp cười ngất. Từ đó mỗi khi gọi tên Chad tôi phải kéo dài ra CH... AD chậm và rõ ràng.

Một lần, tôi được nhiều người hỏi vừa đi chơi ở đâu về, tôi nói "Gold Coast" (thành phố ở Queensland) nhưng hầu như không ai hiểu. Họ hỏi lại "Where is it?". Tôi nhờ một anh bạn nghe cho kỹ, thì anh ta nghe thành "low cost". Vấn đề là tôi không phân biệt được khác nhau khi người bản xứ phát âm và khi tôi phát âm cùng một từ.

Nhấn trọng âm không rõ ràng

Con số tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy. Một lần mới chuyển nhà, con tôi hỏi trước số nhà mới để mời bạn tới chơi, tôi nói "60", cháu nghe thành "16". Sai một ly đi một dặm, bạn cháu gõ lộn cửa nhà ông Tây đầu đường. "60" /'sɪksti/ nhấn trọng âm vần đầu còn "16" /sɪksˈtiːn/ nhấn vần sau. Cho nên đối với những cuộc đàm thoại quan trọng sau khi trả lời "60" tôi vẫn thường hay nói thêm kiểu như "6-0" (đọc là /sɪks/ - /ˈzɪərəʊ/) cho rõ.

Dùng từ gây tranh cãi

Mỗi từ dùng sai là một bài học, mà đôi khi phải trả giá đắt vì không phải người bản xứ nào cũng hiểu và thông cảm rằng tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của những người nhập cư như tôi. Lúc con tôi còn nhỏ, trong trường có một vụ lùm xùm, tôi vui miệng hỏi một phụ huynh khác là "Have you heard about the scandal?" (Chị có biết vụ xì căng đan đó không?). Không ngờ chị ta nổi giận, nghiêm mặt nói: "There is some rumour but I don't think it's a scandal" (Tôi biết có vài tin đồn nhưng tôi không nghĩ đó là một vụ bê bối). Trước đây ở Việt Nam tôi hay dùng từ "xì căng đan" và thấy nghĩa của nó cũng nhẹ nhàng. Nhưng trong tiếng Anh "scandal" lại có nghĩa xấu và nặng nề.

Tương tự, hồi mới đi làm, có lần nói chuyện với chị thư ký về con một người đồng nghiệp, tôi dùng chữ "retard" (chậm phát triển) khiến chị phật ý sửa lại là "intellectual disability" (thiểu năng trí tuệ). Từ đó tôi mới biết "retard" có hàm ý khinh miệt, thiếu tôn trọng, "interlectual disability" là lựa chọn tốt hơn.

Nói chuyện với robot

Gần đây, các công ty tư nhân như bảo hiểm, ngân hàng, cơ quan chính phủ đều sử dụng robot để trả lời điện thoại. Khi gọi tới máy sẽ yêu cầu nói mã số thành viên thường bao gồm cả số lẫn chữ, có khi máy hỏi lý do cuộc gọi để chuyển qua bộ phận chuyên môn. Nghe qua thì tưởng đơn giản, vì bạn chỉ cần biết đọc số, chữ cái và vài từ chuyên ngành. Thực tế là tôi phát âm không chuẩn nên máy không nghe ra, và sau khi tôi lặp lại ba lần thì máy mất kiên nhẫn.

Bây giờ thì Siri đã hiểu khi tôi yêu cầu "screenshot" (chụp màn hình) nhưng trước đây khi tôi ra lệnh này Siri không đoán được, phải hỏi lại "I didn't get that. Could you try again?" (Tôi không hiểu. Xin bạn vui lòng nói lại"). Sau đó Siri nghe thành "Spencer" /ˈspɛnsə/ (tên riêng). Do trong danh bạ điện thoại của tôi có hai Spencer khác nhau nên Siri hỏi lại "Which one? Pete Spencer or Spencer Taylor?" (Spencer nào? Pete Spencer hay Spencer Taylor?). Vấn đề ở đây là, vì trong tiếng Việt không có âm /iː/ (i kéo dài) và âm /ʃ/, nên thay vì nói "screenshot" /ˈskriːnʃɒt/ tôi nói thành /ˈskrinsɒt/.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại