HLV Park Hang-seo thường giữ sự lạnh lùng và khiêm tốn sau mỗi chiến thắng với các đội tuyển Việt Nam trong suốt gần hai năm qua. Nó xuất phát từ những bài học kinh nghiệm xương máu ông từng trải khi nhìn rõ ranh giới rất mong manh giữa người hùng và tội đồ.
Ông Nishino chỉ vài ngày trước còn bị nhiều giới ở Thái Lan hoài nghi sau trận hòa không bàn thắng trước tuyển Việt Nam trên sân Thammasat. Người ta nói ông sai lầm chiến thuật vì không bố trí tiền đạo thực thụ nào và thiếu hiểu biết về đối phương.
Giới chuyên môn Thái Lan có vẻ thương hại ông thầy người Nhật hơn ở khía cạnh Nishino mới có 10 ngày gần gũi với học trò và cần có thời gian để kiểm chứng tài năng hơn nữa.
Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu trận thứ hai vòng loại Wolrd Cup 2022, ông Nishino không thể thắng chủ nhà Indonesia. Bởi tham vọng của người Thái rất rõ ràng như hồi bốn năm trước Kiatisak đã giúp đội tuyển nhẹ nhàng vượt qua sân chơi này, còn bây giờ HLV Nishino đẳng cấp hơn, có lương tháng cao hơn, sao lại khó khăn hơn để tìm chiến thắng?
Niềm vui và nỗi buồn trong bóng đá không quá cách xa nhau. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Đã dấn thân vào cuộc chơi bóng đá, ông thầy nào cũng phải sẵn sàng chấp nhận sự bạc bẽo và đón nhận tình huống xấu nhất xảy đến cho mình. Chẳng ai đủ sức thắng mãi nhưng chỉ cần một trận thua là sóng gió nổi lên ầm ào.
Chuyện của người Thái có dáng dấp như ở… Việt Nam và đấy cũng là đặc thù của làng bóng thế giới, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.
Nhìn sang Indonesia với ông thầy Simon McMenemy sau trận thua ngược Malaysia 2-3 và nhất là cú ngã nặng trước Thái Lan, giới hâm mộ gào thét đòi ông nghỉ việc rầm rộ. Cuộc chơi vẫn còn dài nhưng rất khó cho HLV McMenemy có thêm cơ hội sửa sai và điều này cho thấy tính rủi ro lẫn sự bạc bẽo trong bóng đá là không thể lường trước.
Cách đây hơn ba năm, HLV Toshiya Miura thất bại ở SEA Games 2015 (U-23 Việt Nam chỉ đoạt HCĐ) thì ngay lập tức đối diện với làn sóng chê bai thậm tệ.
Người ta rất nhanh chóng quên đi ông Miura đã giúp đội tuyển Olympic Việt Nam vào tứ kết Asiad 2014, lấy vé chơi vòng chung kết U-23 châu Á và thậm chí hạng ba SEA Games 2015 cũng không phải tồi, sau hai mùa trắng tay.
Các đời thầy ngoại tiền nhiệm như Calisto, Riedl không khác gì HLV Miura, luôn chông chênh và bất an giữa thiên đàng với địa ngục, có khi chỉ qua một trận đấu. Nhắc lại nỗi đau khổ của các nhà cầm quân từng gặp sai số khiến họ phải tự nguyện từ chức hoặc chịu sa thải để thấy sự phũ phàng của bóng đá không chừa bất kỳ ai.
HLV Park Hang-seo rất hay và cũng gặp nhiều may mắn trong thời gian qua với làng bóng Việt Nam. Ông không rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo bởi đã mang về nhiều chiến tích mới.
Chỉ hy vọng những ánh hào quang ấy sáng mãi...
Bài học từ HLV Park Hang-seo
Ông thầy người Hàn Quốc đã từng nếm trải nhiều vinh quang và cay đắng với làng bóng quê hương ông cách đây 17 năm. Hồi đó, ông Park làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink giúp tuyển Hàn Quốc vào bán kết cúp thế giới 2002.
Giới hâm mộ quê nhà ca tụng ông Park như người hùng. Nhưng chỉ sau đấy ít lâu, thầy Park không thể đưa đội Olympic vào chung kết Asiad và buộc phải chia tay thì gần như ngay lập tức ông bị lãng quên rất lâu.
Bài học đắt giá về sự bạc bẽo ấy ông Park đã thuộc lòng và thường rất khiêm nhường với mọi chiến thắng của các đội tuyển Việt Nam hiện tại. Điều quan trọng hơn, ông Park luôn nỗ lực làm hết sức trong mọi hoàn cảnh để kết cục có ra sao ông không quá hối tiếc và thanh thản với lòng mình.