Những quả pháo sáng phá hoại
Tôi từng có mặt tại sân Thiên Trường của Nam Định để chứng kiến trận đấu đông kỷ lục khi đội bóng thành Nam tiếp đón Hoàng Anh Gia Lai. Cả trận đấu đó chỉ có những tiếng reo hò, cổ vũ cùng cờ, băngrôn và không có bất kỳ quả pháo sáng nào được đốt lên.
Gần 3 vạn cổ động viên Nam Định có mặt tại Thiên Trường trong buổi chiều cuồng nhiệt ấy xứng đáng được gọi là những thiên thần. Sự thân thiện mà cổ động viên Nam Định tạo ra đã khiến Ban tổ chức V.League trực tiếp có những động viên và khen thưởng cho tập thể, cá nhân làm nhiệm vụ ở trận đấu đó.
Pháo sáng được ném xuống cả sân thi đấu. Ảnh: Trần Tiến
Còn ở sự cố sân Thiên Trường mất điện trong trận Nam Định tiếp Quảng Nam, những ánh đèn điện thoại trên khắp các khán đài có lẽ là tượng trưng cho cái đẹp mà cổ động viên Nam Định tạo ra cho bóng đá tỉnh nhà. Những hình ảnh khiến bất cứ đội bóng nào ở V.League cũng phải ghen tị. Những cổ động viên trở thành niềm tự hào của bóng đá Nam Định.
HLV Nguyễn Văn Sỹ từng không ít lần xúc động nói lời tri ân người hâm mộ, bởi Nam Định mới trở lại V.League mùa thứ 2, với vô vàn những khó khăn thì cổ động viên chính là điểm tựa tinh thần cho đội bóng thành Nam.
Thế nhưng sự cố diễn ra trên sân Hàng Đẫy tối 11.9, trong trận đấu bù vòng 21 V.League 2019 giữa Nam Định và Hà Nội đã khiến tất cả những điều đẹp đẽ của cổ động viên thành Nam bị xoá nhoà.
Những quả pháo sáng được ném liên tục xuống sân gây gián đoạn trận đấu. Hàng Đẫy thất thủ với đỉnh điểm là sự việc một phụ nữ phải nhập viện. Cổ động viên này nhiều khả năng phải phẫu thuật 2 lần vì vết thương của pháo cứu hộ. Một cảnh sát cơ động trong khi làm nhiệm vụ đã bị đám đông cuồng nộ đánh dẫn đến trọng thương và phải đi cấp cứu.
Những cổ động viên tạo ra sự cố này đã quá sai và cần phải lên án. Thế nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, đó chỉ là một bộ phận quá khích. Trong số hàng nghìn cổ động viên Nam Định có mặt tại Hàng Đẫy, nhiều người chỉ muốn theo dõi bóng đá đẹp. Câu chuyện nằm ở chỗ ý thức của một bộ phận cổ động viên quá kém đã khiến cho hình ảnh của cổ động viên Nam Định bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trách nhiệm của Ban tổ chức sân Hàng Đẫy
Trong sự việc này vấn đề cốt lõi cần nhìn thẳng là trách nhiệm lớn thuộc về Ban tổ chức sân Hàng Đẫy. Thêm một lần nữa, những phản ứng yếu ớt với tình trạng pháo sáng đã cho thấy sự yếu kém trong công tác tổ chức của sân.
Hồi đầu mùa giải, sân Hàng Đẫy từng "thất thủ" vì pháo sáng, thế nhưng dường như những người có trách nhiệm vẫn không lấy đó làm bài học. Ban Kỷ luật VFF từng ra án kỷ luật "treo" sân Hàng Đẫy 1 trận nhưng sau đó đã bị Ban Giải quyết khiếu nại bác bỏ. Phải chăng, đó là điều khiến cho Ban tổ chức sân Hàng Đẫy chưa nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình?
Đêm 11.9, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) cho biết việc để xảy ra sự cố là do Ban tổ chức trận đấu sân Hàng Đẫy đã không thực hiện phương án an ninh như đã thống nhất với Ban điều hành giải.
Ông Tú cho biết: "Cách đây 1 tuần, trong cuộc họp Ban tổ chức trận đấu Hà Nội - Nam Định, Ban điều hành giải đã yêu cầu Ban tổ chức trận đấu là Hà Nội phải thực hiện phương án an ninh chặt chẽ.
Cụ thể phải lập hàng rào kiểm soát an ninh bên ngoài sân vận động để kiểm tra, không cho cổ động viên mang pháo vào sân; tuy nhiên, Ban tổ chức trận đấu của CLB Hà Nội đã không thực hiện, khiến xảy ra sự cố nghiêm trọng".
Cách đây 1 tuần, chúng ta từng lên án cuộc ẩu đả man rợ trên sân Bung Karno trong trận đấu giữa Indonesia và Malaysia khiến một cổ động viên qua đời. Thử tưởng tượng những quả pháo sáng kia trúng những người già, trẻ em có mặt tại Hàng Đẫy, án mạng xảy ra, liệu rằng Ban tổ chức sân Hàng Đẫy có gánh nổi trách nhiệm?