Hiện tại Nga đang tích cực tìm cách xuất khẩu vũ khí tới các quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh, nơi vẫn được xem là sân sau của trang bị quốc phòng do Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây sản xuất.
Nga đã đề nghị cung cấp chiến đấu cơ Su-35S và hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 cho Brazil mà không qua đấu thầu, bù lại quốc gia Nam Mỹ này sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về công nghệ.
Thậm chí Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport còn khẳng định Nga sẵn sàng chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất tiêm kích Su-35S cho Brazil.
Mặc dù điều khoản Nga đưa ra khá hấp dẫn nhưng Brazil phàn nàn rằng Su-35S có kích thước quá lớn, chi phí vận hành cao và đặc biệt là tính năng không thực sự nổi trội so với chiến đấu cơ phương Tây.
Thay vào đó, Brazil quyết định đặt niềm tin vào tiêm kích hạng nhẹ tối tân JAS-39 Gripen-E do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Saab của Thụy Điển chế tạo.
Hôm 26/8, chiếc tiêm kích JAS-39 Gripen đầu tiên được tập đoàn Saab chế tạo cho không quân Brazil đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm và thu về kết quả rất tốt.
Thời gian của chuyến bay là 65 phút, bao gồm các bài kiểm tra xác minh khả năng xử lý cơ bản và chất lượng phi cơ khi hoạt động ở các dải độ cao và tốc độ khác nhau. Mục đích chính nhằm khẳng định chất lượng của sản phẩm.
Chiếc Gripen E trên là máy bay sản xuất đầu tiên cho Brazil và sẽ được sử dụng trong chương trình thử nghiệm chung, nó đang mang số đuôi tạm thời là 39-6001.
Thay đổi lớn nhất giữa Gripen-E và phiên bản cũ là máy bay có buồng lái hoàn toàn mới, với màn hình diện rộng (WAD) lớn, hai màn hình hiển thị phía sau - Head Down (sHDD) nhỏ và trước mặt - Head Up lớn (HUD).
Một thay đổi đáng kể nữa chính là hệ thống điều khiển bay được cập nhật với gói phần mềm dành riêng cho Gripen E để tương thích với các thiết bị phần cứng mang trong mình công nghệ vô cùng cao cấp.
JAS-39 Gripen-E được xem như chiếc tiêm kích hạng nhẹ số 1 thế giới hiện nay, nó có khả năng vận động cực kỳ linh hoạt và mang trong mình nhiều thiết bị điện tử hàng không cực kỳ tiên tiến.
Lợi thế nữa của JAS-39 Gripen đó là nó có chi phí hoạt động cực kỳ ấn tượng, chỉ yêu cầu con số 4.700 USD cho mỗi giờ bay, bằng 1/10 Su-35S trong khi tuổi khung lên tới 10.000 giờ hoạt động.
Do vậy mặc dù giá thành ban đầu tương đối cao nhưng rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt niềm tin vào chiếc chiến đấu cơ có kích thước "bé hạt tiêu" này.
Nhiều khả năng trong tương lai Brazil sẽ được Thụy Điển cấp phép để lắp ráp tiêm kích JAS-39 ngay tại lãnh thổ nước mình, đây cũng là hướng đi mà nhiều đối tác khác của Saab theo đuổi, lợi thế cạnh tranh của Gripen-E vì vậy là rất lớn.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su35s-that-bai-nang-truoc-jas39-gripene-bat-chap-nga-hua-chuyen-giao-cong-nghe/823189.antd#p-14