Nữ sinh bỏ thi vì chứng rối loạn lo âu, cách vị giáo sư phản ứng khiến cô òa khóc
Đối với bất kỳ ai, ở độ tuổi, giới tính, vị trí xã hội nào, cũng có thể phải đối diện với áp lực cuộc sống. Bởi đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, cuộc sống không phải khi nào cũng ngập tràn màu hồng.
Những khi mệt mỏi, chán nản và cảm thấy lạc lõng giữa dòng đời, đôi khi thứ người ta cần chỉ là một người ở cạnh lắng nghe, sẻ chia, hay đơn giản là một lời quan tâm, động viên.
Với N.X, một cô gái 20 tuổi người Việt Nam, hiện đang sinh sống và học tập ở trời Âu thì cách mà vị giáo sư lớp tiếng Tây Ban Nha phản ứng khi cô chia sẻ về vấn đề tâm lý của mình đã khiến nữ sinh vô cùng cảm kích.
Được biết, từ nhỏ N.X đã được bố mẹ cho đi học xa nhà, do đó cô sớm quen với cuộc sống tự lập, chủ động. Năm 16 tuổi, nữ sinh người Việt ra nước ngoài sinh sống và học tập xa xứ.
Thế nhưng thời gian gần đây, N.X bắt đầu cảm nhận được sức khỏe tinh thần của mình có dấu hiệu sa sút. Đi khám tâm lý, cô phát hiện ra mình bị chứng rối loạn lo âu.
Thời gian gần đây, nữ sinh viên Việt bị rối loạn lo ấu (Ảnh minh họa)
"Từ nhỏ đến lớn, 20 năm ba mẹ cho học xa nhà, đi học một mình, nên mình tự lập sớm. Học hành cũng không thua kém ai, lên đại học thì theo học ngành 72% là nam còn 18% là nữ (thống kê năm 2019).
Tính ra mình thuộc vào type những cô gái mạnh mẽ, nhưng gần đây mình lại hay bị hoảng loạn, đặc biệt là trước giờ thi cử vì áp lực.
Hôm qua có một bài thi khá quan trọng cho lớp tiếng Tây Ban Nha lúc 9 giờ 30 sáng. Không hiểu sao dù đã thức từ lúc 7 giờ và đây là lớp mình thích, nhưng mình vì bài thi môn Vật lý không tốt vào tuần trước nên đã bị khủng hoảng và khóc rất nhiều. Và thế là mình đã nghỉ thi." - N.X tâm sự.
Không thể tham gia làm bài thi vì lý do sức khỏe, nữ sinh viên người Việt không quên viết email trình bày lý do với giáo sư của mình và xin phép được thi lại.
Nhận được thư hồi đáp của giáo sư, cô gái trẻ vô cùng xúc động và cảm kích trước cách mà thầy đã lắng nghe một cách đầy quan tâm, lo lắng khi biết sinh viên của mình gặp vấn đề về tâm lý.
N.X rơi nước mắt vì hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm từ thầy giáo
Theo cô, đi học không gì vui bằng là gặp được các giáo sư và giảng viên hiểu, chịu lắng nghe sinh viên:
"Mình viết mail gửi thầy với nội dung: “Kính gửi Giáo sư, tôi là Nguyễn, hiện đang theo học lớp tiếng Tây Ban Nha.
Hôm qua tôi không làm bài thi được vì tôi chật vật với sức khoẻ tâm lý. Tôi sẽ học chăm chỉ hơn cho bài thi cuối cùng và bài kiểm tra miệng.
Tôi viết email để xin phép sự đồng ý của giáo sư cho tôi thi lại bài thi đã bỏ lỡ. Tôi đang điều trị tâm lý ở Trung tâm của trường và tôi muốn hỏi liệu ghi chú từ bác sĩ tâm lý có thể cho phép tôi thi lại không?
Nếu có gì tôi cần biết về trường hợp này, hãy cho tôi biết. Tôi chờ đợi câu trả lời từ giáo sư.”
Giáo sư trả lời: “Xin chào, tôi hy vọng em đã ổn hơn. Tất nhiên em có thể thi lại vào ngày mai hoặc vào lúc nào em thấy ổn. Sức khoẻ là điều quan trọng nhất ở đây. Hãy cho tôi biết tôi có giúp em được gì không. Xin chào”.
Vì mình bất ổn tâm lý và chưa cởi mở với gia đình về chuyện này nên nhận được sự quan tâm từ giáo sư thì mình chỉ biết oà khóc vì hạnh phúc".
Ai cũng cần được lắng nghe...
Bên dưới câu chuyện mà nữ sinh người Việt chia sẻ, nhiều người gửi lời sẻ chia, đồng cảm với chủ nhân bài đăng. Dân mạng cũng đánh giá cao và dành nhiều lời khen ngợi trước sự tâm lý, bao dung của vị giáo sư với sinh viên.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng, việc quan trọng là phải tìm ra giải pháp hay những bí quyết sống khi chúng ta bỗng vướng phải tâm trạng mệt mỏi, chán nản. (Ảnh minh họa)
Quả thực, bên cạnh những nhu cầu cơ bản, ai cũng có một tâm hồn mong manh với những nghĩ suy cần được hỏi thăm, lắng nghe, đặc biệt là với những người trẻ.
Điều họ cần chia sẻ, với bố mẹ, thầy cô hay bè bạn có thể nhỏ thôi, nhưng với các bạn trẻ đang lớn, đó là cả một “lý tưởng” để hướng đến, để không cảm thấy chơi vơi, lạc lõng mỗi khi gặp khó khăn, thử thách, hay chỉ đơn giản là giúp xoa dịu tâm hồn.
Đồng thời, việc cha mẹ, thầy cô kiên nhẫn lắng nghe bằng cả trái tim, làm bạn với con cái, với học sinh của mình để thấu hiểu, bao dung, tôn trọng sở thích, suy nghĩ của con trẻ… không phải là điều dễ dàng, nhưng đâu phải là không làm được.