Startup muốn "giáo dục khách hàng" bị Shark Hưng phũ: "Em phải tự giáo dục lại mình!"

Hoàng Linh |

Mặc dù ý tưởng được đánh giá cao, song Shark Hưng đánh giá mô hình kinh doanh của Treant Protector Việt Nam và quan điểm muốn "giáo dục" khách hàng của startup này là chưa hợp lý.

Một trong những màn gọi vốn gây chú ý tại Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ mùa 3 (ngày 9/10) là của Phạm Anh Tuấn, người sáng lập công ty Treant Protector Việt Nam, với đề nghị 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Thuyết trình tại Shark Tank, Phạm Anh Tuấn cho biết, sau khi tai nạn và tỉnh dậy, Anh Tuấn có khả năng cảm nhận được năng lượng của cỏ cây, nên quyết định tìm tòi nghiên cứu lĩnh vực nuôi trồng và làm máy trồng rau. Máy T-farm với công nghệ khí canh ra đời từ đó, giúp người dùng có thể trồng được các loại cây cỏ ở trong nhà.

"Công nghệ khí canh khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy vẫn sử dụng nước, dinh dưỡng để nuôi cây trồng, nhưng nó thu các không khí cho rễ cây để tiết kiệm nước và tăng không khí cho rễ cây", Tuấn Anh cho biết.

Hiện tại, T-farm có giá 25 triệu đồng/máy và đã bán được 100 máy cho đối tác. Mỗi máy chiếm 0,5-0,6m2 diện tích đặt trong nhà. Khách hàng chỉ cần lên ứng dụng (cài trên điện thoại), chọn loại thực vật muốn trồng và cắm điện cho hệ thống chạy.

Startup muốn giáo dục khách hàng bị Shark Hưng phũ: Em phải tự giáo dục lại mình! - Ảnh 1.

Phạm Anh Tuấn, người sáng lập công ty Treant Protector Việt Nam gọi vốn tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 3.

Shark Đỗ Liên đánh giá, các giàn trồng cây T-mart của Treant Protector khá cồng kềnh và thiếu thẩm mỹ khi đặt trong nhà vì thế "bà ngoại U60" quyết định không đầu tư cho dự án.

Trước ý kiến của Shark Liên, Phạm Anh Tuấn cho rằng, đây chính là vấn đề mà công ty đang muốn giải quyết, đó là "giáo dục cho khách hàng" chấp nhận bộ sản phẩm.

"Có bao nhiêu mảnh vườn có thể trồng được các loại rau châu Âu, hay các loại gia vị, dược liệu mà chị mong muốn?", Tuấn Anh phản biện.

Ngay lập tức, quan điểm cần phải "giáo dục khách hàng" của startup không nhận được sự đồng tình của Shark Phạm Thanh Hưng. Vị cá mập cho rằng, chính nhà sáng lập Treant Protector phải tự giáo dục lại mình để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách dễ chịu hơn.

Khá đồng tình với ý kiến của Shark Hưng, Shark Việt cho rằng "giáo dục khách hàng" là việc khó nhất.

"Phải để khách hàng giáo dục mình. Kể cả Shark có đầu tư cho em thì Shark cũng không phải là ông chủ. Người chủ là người trả tiền cho mình", vị cá mập nói.

Tiếp tục thuyết phục các nhà đầu tư, trước câu hỏi về việc làm sao T-mart có thể đảm bảo… chất lượng của loại cây trồng từ máy T-mart với loại trồng bên ngoài ngang nhau.

"Ánh sáng đèn led được sử dụng gần với ánh sáng của mặt trời nhất", Anh Tuấn thuyết phục.

Đánh giá ý tưởng của Anh Tuấn là thiên tài, tuy nhiên, Shark Thanh Hưng phân tích, với số tiền 25 triệu đồng/máy T-farm, đặt trong diện tích 0,5m2 thì mức đầu tư của 1ha phải lên quá cao, tới 500 tỷ đồng, hiệu quả kinh tế không cao.

"Trong kinh doanh có một đối thủ nguy hiểm, đối thủ không phải là đối thủ mà là sản phẩm thay thế. Người ta có thể không làm giỏi cái này như em, nhưng người ta có giải pháp thay thế", Shark Hưng phân tích.

Đây cũng là lời khuyên mà Shark Đỗ Liên dành cho nhà sáng lập Treant Protector. "Bà ngoại U60" cho rằng, với chi phí 25 triệu đồng, máy chỉ dành để trồng các loại rau hoặc gia vị, trong khi chúng có thể mua với giá khá rẻ tại các địa chỉ uy tín. Vị "cá mập" vẫn từ chối đầu tư.

Shark Thái Vân Linh phân tích T-farm chưa thuyết phục Shark về các loại dinh dưỡng, nước nuôi cây có đảm bảo an toàn hay không, sản phẩm còn quá mới, vì thế Shark không rót vốn. Đây cũng là quyết định của Shark Việt.

"Bản lĩnh của em quá khủng khiếp, em đòi giáo dục lại khách hàng nên anh không đầu tư được", Shark Việt chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại