Sau gần 10 năm, anh đã có thành công bước đầu khi sở hữu doanh nghiệp được định giá chục triệu đô la.
Chàng trai vàng Olympic Toán quốc tế
Năm 2004, Phạm Kim Hùng là thí sinh duy nhất trong đoàn Việt Nam đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế khi mới học lớp 11. Một năm sau, nam sinh khối phổ thông chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) tiếp tục giành Huy chương Bạc tại kỳ thi này.
Kể về học trò, thầy Nguyễn Vũ Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - cho biết: Kim Hùng là người nổi tiếng từ lúc còn là học sinh khối chuyên Toán. Cậu đã hoàn thành cuốn sách “Sáng tạo bất đẳng thức” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Cuốn sách này được học sinh sử dụng đến tận bây giờ.
Cũng trong khoảng thời gian này, Phạm Kim Hùng còn giành 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế, trở thành một trong những học sinh đạt thành tích cao nhất trong lịch sử kỳ thi. Ngoài Toán, Hùng còn giỏi nhiều môn học và lĩnh vực khác. Đặc biệt, em hiện là chủ một doanh nghiệp lớn được định giá hàng chục triêu đô. Hùng luôn là niềm tự hào của các thế hệ học sinh nhà trường.
Sau khi tốt nghiệp THPT, với hai tấm huy chương Toán học, Phạm Kim Hùng trúng tuyển lớp cử nhân tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, thời điểm đó, Hùng lại đưa ra quyết định không học đại học trong nước, bỏ ra 1 năm nghỉ ở nhà tập trung chuẩn bị cho các kỳ thi cần thiết để du học. Mong muốn của Hùng là học Công nghệ Thông tin tại Trường ĐH Stanford, Mỹ và anh đã đạt được mục tiêu này.
Năm 2007, Phạm Kim Hùng giành học bổng toàn phần và theo học tại Đại học Stanford, Mỹ. Vì du học theo diện học bổng, anh từng băn khoăn về việc Stanford hay nước Mỹ có yêu cầu mình ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp hay không? Mình có cần “hoàn thành trách nhiệm” này hay không?
Khi nêu câu hỏi đó, Giáo sư hướng dẫn Hùng là Rafe Mazzeo, Trưởng khoa Toán Đại học Stanford, nói rằng: “Sau này, em đi đâu, làm gì cũng được miễn là cảm thấy tự hào về nó và xứng đáng với những gì Stanford trao cho em”. Câu nói đó đã tạo thêm động lực cho Phạm Kim Hùng trở về nước sau khi tốt nghiệp.
Năm 2013, Phạm Kim Hùng về Việt Nam cùng khát vọng áp dụng những điều học được tại nền giáo dục hàng đầu thế giới để phát triển đất nước. Hùng cho biết muốn nhìn thấy sản phẩm mình làm ra giúp mọi người, tạo ra được giá trị cho người khác trong cuộc sống, công việc.
Với chủ nhân hai tấm huy chương Olympic Toán quốc tế (IMO), điều quan trọng nhất là Stanford đã dạy Kim Hùng nhận thức đúng đắn về giá trị: Đó là thứ mình tạo ra và cho đi chứ không phải thứ mình được người khác ghi nhận. Thực chất, Huy chương Vàng IMO chỉ là thành tích bề ngoài. Nếu chỉ là sự ghi nhận cho cá nhân mình mà không tạo ra giá trị cho những người xung quanh thì không phải thứ có giá trị thực sự.
Phạm Kim Hùng năm 2004 khi giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.
Khởi nghiệp để thành công
Năm 2013, Phạm Kim Hùng về Việt Nam và khởi nghiệp với dự án TechElite nhằm mục tiêu xây dựng giải pháp phần mềm dịch vụ giúp các doanh nghiệp, tổ chức vận hành hiệu quả, thông minh hơn. Thời gian khởi nghiệp với TechElite, Hùng nhận ra các doanh nghiệp ở Việt Nam đang rất cần phần mềm đủ tốt để hỗ trợ công việc. Đó là lý do anh tiếp tục thành lập Base.vn.
Base được thành lập vào tháng 8/2016 và chính thức ra mắt thị trường vào năm 2017. Công ty hiện cung cấp hàng chục ứng dụng cho hơn 7.000 khách hàng trải dài trên nhiều lĩnh vực. Từ nửa cuối năm 2018 tới nay, startup này đã trải qua 3 vòng gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam cũng như Indonesia, Singapore và Hàn Quốc. Định giá Base.vn lên tới hàng chục triệu USD.
Chia sẻ bí quyết đạt được thành công, Phạm Kim Hùng cho hay: Với chiến lược của một công ty công nghệ, Base.vn chú trọng vào hoạt động học tập và phát triển cho nhân viên để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và những thay đổi về công nghệ của thời đại số.
Nhắn nhủ tới các bạn trẻ bước đầu khởi nghiệp, Phạm Kim Hùng cho rằng, đam mê và dám chấp nhận rủi ro sẽ là 2 yếu tố giúp vượt qua những khó khăn trên con đường khởi nghiệp phía trước. Nếu không có đam mê thì trước sau cũng sẽ từ bỏ vì quá nhiều khó khăn chờ đợi.
“Để có được đam mê thì phải thuyết phục được bản thân về những giá trị sản phẩm mình tạo ra. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng điều này quả thật không đơn giản. Trước vô số những khó khăn và rủi ro, điều duy nhất giữ được sự nhiệt huyết và đam mê là niềm tin rằng ta đang làm những sản phẩm tốt, rất tốt cho tương lai”, Phạm Kim Hùng chia sẻ.