Ofo - startup chia sẻ xe đạp Trung Quốc được Alibaba đầu tư, đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền và đang cân nhắc nộp đơn xin phá sản, tờ Financial Times dẫn thông tin từ người sáng lập công ty cho biết.
Trong 2 năm qua, các startup chia sẻ xe đạp qua ứng dụng, gồm Ofo và đối thủ chính Mobike, đã tung ra hơn 20 triệu xe đạp tại Trung Quốc và nước ngoài.
Kể từ khi thành lập vào năm 2014, Ofo đã huy động được hơn 2,2 tỷ USD, là ví dụ điển hình của mô hình startup tăng trưởng nhanh chóng qua huy động vốn và "đốt" tiền để mở rộng hoạt động trong khi không có lãi.
Đầu năm nay, theo một nguồn tin thân cận trong ngành, Mobike chi mỗi tháng khoảng 50 triệu USD, còn Ofo tiêu gần 25 triệu USD.
Ofo đã phải đầu tư mạnh để cạnh tranh với hàng loạt startup tương tự ra đời, mở rộng ra hàng chục thành phố khắp Trung Quốc và các thành phố tại Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, theo Financial Times, sự mở rộng đáng kinh ngạc này đã che lấp sự thật rằng hãng này chưa bao giờ nhận ra rằng ý tưởng ban đầu của mình có thực sự khả thi về mặt thương mại hay không.
"Đã xảy ra rất nhiều sai lầm bởi họ có quá nhiều vốn đầu tư", nhà phân tích công nghệ Horace Dediu cho biết. "Tiền đầu tư đó được dùng để mua tăng trưởng. Và kết quả là họ đã không dừng lại để học".
Vấn đề dòng tiền của Ofo đã ngày càng nghiêm trọng, người sáng lập Dai Wei của Ofo viết trong thư gửi nhân viên vào ngày 19/12.
"Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc giải thể công ty và xin phá sản", Dai viết. "Trong cả năm nay, chúng ta đã phải chịu áp lực lớn về dòng tiền. Hoàn trả tiền trả trước cho người dùng, trả nợ cho các nhà cung cấp, để duy trì công ty hoạt động, chúng ta phải biến mỗi Nhân dân tệ sinh lời 3 đồng".
Hàng triệu người dùng Ofo đã yêu cầu hoàn số tiền trả trước 99 Nhân dân tệ (14 USD) qua ứng dụng. Tới hôm qua (19/12), đã có hơn 10 triệu người dùng đang chờ được hoàn tiền trên ứng dụng này.
Dai cho rằng tình trạng tài chính của công ty rơi vào tình cảnh hiện tại là do "không thể đánh giá chính xác những thay đổi từ môi trường bên ngoài từ cuối năm ngoái".
Nguy cơ sụp đổ của Ofo là điều khó tránh khỏi khi tại khắp các thành phố tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, xe đạp màu vàng của hãng này bị phá hoại, đánh cắp hay chỉ đơn giản là không được sử dụng hết công suất.
Bao Jun, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu thị trường iResearch, nói rằng: "Toàn ngành chia sẻ xe đạp đã suy yếu. Khắp nền kinh tế, các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn".
Hồi tháng 4 năm nay, đối thủ của Ofo - Mobike được hãng giao đồ ăn khổng lồ Meituan mua lại với định giá công ty gần 7,3 tỷ USD, trong khi đó, đối thủ mới Bluegogo trở lại từ bờ vực phá sản sau khi được Didi Chuxing đầu tư hồi tháng 1. Hồi tháng 8, Didi được cho là đang đàm phán để mua lại Ofo.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ernan Cui của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, giờ đây Ofo khó có thể tìm được công ty nào giải cứu.
"Cấu trúc cổ đông của công ty này rất phức tạp", Ernan nói. "Họ có các nhà đầu tư gồm cả Alibaba và Didi, và Didi được đầu tư bởi Tencent - đối thủ của Alibaba... Vì vậy, Ofo không được ủng hộ đặc biệt bởi công ty nào".
Alibaba dẫn đầu vòng gọi vốn 886 triệu USD vào Ofo hồi tháng 3, cũng như vài vòng gọi vốn trước đó. Trong khi đó, Didi cũng liên tiếp rót vốn vào Ofo, bao gồm một vòng gọi vốn 700 triệu USD vào công ty này hồi năm ngoái.
Startup chia sẻ xe đạp này cũng đang chịu áp lực từ các nhà cung cấp. Hồi tháng 9, một nhà sản xuất xe đạp đã kiện Ofo do chưa thanh toán 10 triệu USD.
Trước đó, một nhà sản xuất khóa xe đạp cũng dọa "đóng băng" khóa của 3 triệu xe đạp Ofo do tranh chấp đối với các khoản nợ chưa trả. Ofo sau đó cho biết tranh chấp này đã được giải quyết.
Ở nước ngoài, Ofo đã thu hẹp hoạt động tại Anh bằng việc rút khỏi nhiều thành phố và sa thải hàng loạt nhân viên. Trong khi đó, Mobike cũng chuẩn bị bán chi nhánh tại châu Âu với giá 100 triệu USD.