Tờ Daily Mail (Anh) nhận định, tỷ phú Elon Musk được các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đối xử như một nhà ngoại giao và rằng ông đã có một "cuộc nói chuyện tuyệt vời" với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tỷ phú Musk nói chuyện với Tổng thống Putin
Theo tờ New Yorker, tỷ phú Elon Musk cho biết, ông đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Nga trong một cuộc gọi vào mùa thu năm ngoái với các nhân viên quốc phòng Mỹ vì ảnh hưởng của ông đối với những gì đang diễn ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Quân đội Ukraine đang dựa vào Starlink - một dịch vụ internet và truyền thông do công ty SpaceX của ông Musk cung cấp. Tuy nhiên, vài tháng sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine diễn ra, tỷ phú đã bắt đầu phàn nàn về chi phí cung cấp Starlink.
Các quan chức quốc phòng đã e ngại trước viễn cảnh dịch vụ này bị dừng ở Ukraine và Colin Kahl, thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Chính sách tại Lầu Năm Góc, đã thảo luận vấn đề này với Musk (vào tháng 10 năm ngoái).
Một quan chức quốc phòng cấp cao nói với tờ New Yorker rằng, đã có một số cuộc trò chuyện diễn ra với các nhân viên Mỹ và ông Musk tiết lộ: "Chà, tôi đã có cuộc trò chuyện tuyệt vời với ông Putin. Chủ đề của cuộc nói chuyện là về không gian".
Báo cáo cho biết, các cuộc tham vấn của ông Musk với Điện Kremlin là khá thường xuyên, tuy nhiên không tiết lộ thêm các thông tin hai bên trao đổi. Các tin tức về việc ông Musk đã nói chuyện với Tổng thống Putin lần đầu xuất hiện vào tháng 10 năm ngoái và khi đó ông chủ SpaceX đã bác bỏ những tuyên bố này.
Ông Elon Musk
SpaceX hiện vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ Starlink và vào tháng 6, Lầu Năm Góc cho biết họ đã đạt được thỏa thuận tài trợ cho dịch vụ này. Ông Musk đã tuyên bố rằng Starlink sẽ tiêu tốn 400 triệu USD mỗi năm để tiếp tục tài trợ cho dịch vụ.
Sức ảnh hưởng của Starlink
Ukraine được cho là đã buộc phải hủy bỏ một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được lên kế hoạch vào các mục tiêu của Nga sau khi ông Elon Musk từ chối quyền truy cập vào mạng vệ tinh Starlink cho các cuộc đổ bộ.
Báo cáo của New Yorker cũng chỉ ra, Ukraine Kiev gần đây cũng đã lên kế hoạch điều khiển từ xa một máy bay không người lái để thực hiện cuộc tấn công vào một tàu hải quân Nga tại căn cứ ở biển Đen thuộc bán đảo Crimea. Tuy nhiên, ông chủ SpaceX đã từ chối để Ukraine sử dụng mạng Starlink của mình, khiến các chỉ huy quân sự phải dừng cuộc tấn công.
Valeriy Zaluzhnyi, tướng hàng đầu của Ukraine, cho biết, thành công của quân đội ông phụ thuộc vào việc được tiếp tục truy cập vào hệ thống.
Tỷ phú Musk - người đã đề nghị sử dụng mạng lưới internet vệ tinh của mình để hỗ trợ liên lạc cho vùng chiến sự trong những tháng sau sự kiện hồi tháng 2/2022, khẳng định ngay từ đầu rằng công nghệ của ông "chỉ dành cho mục đích sử dụng vì hòa bình",
Ông Musk cho biết Starlink chỉ được sử dụng vì mục đích hòa bình
Dịch vụ Starlink của SpaceX đã cho phép người Ukraine được hưởng lợi từ việc truy cập internet không bị gián đoạn, độc lập và an toàn trong khi cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi trên đất nước này bị hư hại. Trong nhiều trường hợp, vệ tinh Starlink trở thành phương tiện liên lạc duy nhất ở tiền tuyến.
Tờ Telegraph (Anh) cho biết, ông Musk nói rằng ông có thể nhìn thấy "toàn bộ cuộc chiến đang diễn ra" thông qua bản đồ hoạt động của Starlink.
Starlink thống trị không gian
Tỷ phú Elon Musk - ông chủ của SpaceX, Tesla và Twitter đã trở thành người thống trị trong không gian khi là ông lớn trong những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đó là internet vệ tinh. Và điều này khiến các nhà lãnh đạo trên thế giới lo lắng.
Kể từ năm 2019, gần như mỗi tuần, ông Musk đều gửi tên lửa SpaceX vào không gian để đưa hàng chục vệ tinh vào quỹ đạo. Các vệ tinh liên lạc với các thiết bị trên trái đất, vì vậy, chúng có thể truyền internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh.
Ngày nay, hơn 4.500 vệ tinh Starlink đang ở trên bầu trời, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động. Họ đã bắt đầu thay đổi màu sắc của bầu trời đêm, ngay cả trước khi tính đến kế hoạch của ông Musk là có tới 42.000 vệ tinh trên quỹ đạo trong những năm tới.