Sốt ruột với dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Nhóm phóng viên |

Không chỉ nhà đầu tư mà người dân TP HCM cũng đang mong ngóng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sớm hoàn thành sau nghị quyết gỡ vướng của Chính phủ.

"Chỉ còn đúng một tháng nữa là TP HCM bắt đầu vào mùa mưa và triều cường xuất hiện cường độ cao. Điều này khiến hàng triệu người dân ở TP, nhất là khu Nam, lo lắng. Vậy mà, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng vẫn cứ trong cảnh nằm chờ" - ông Đỗ Hồng Quân (ngụ thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP HCM) mở đầu câu chuyện với chúng tôi sau hơn nửa năm gặp lại.

Niềm vui chẳng tày gang

Ông Quân nói hồi tháng 8-2020, khi chính quyền TP HCM và nhà đầu tư thông báo dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, thường gọi là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) sẽ về đích vào cuối năm, không chỉ riêng ông mà cả xóm mừng hơn bắt được vàng. Bởi cứ mỗi lần đường sá, nhà cửa ngập trong nước triều là bản thân ông lại ngóng ngày công trình hoàn thành. Chỉ vào đống bao cát chất đầy sân nhà, ông Quân kể đó là "thế trận" chống triều cường của nhà ông hàng chục năm qua và năm nay ngỡ thoát được, nào ngờ lại tiếp tục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành (gần nhà ông Quân) thì khẳng định hồi nghe thông tin dự án về đích vào cuối năm 2020, nhà đầu tư mừng một thì ông mừng mười bởi mấy chục năm qua bị ám ảnh cảnh ngập do triều cường. "Sau nghị quyết gỡ vướng của Chính phủ ngày 1-4 vừa qua, hy vọng lần này các vướng mắc được gỡ để dự án về đích, chứ cứ "nhùng nhằng" như bây giờ thì khổ cả đôi đường" - ông Thành mong ngóng.

Sốt ruột với dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Công trình cống ngăn triều Tân Thuận phải dừng thi công, dù tổng thể dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã hoàn thành 96% khối lượng công việc Ảnh: LÊ PHONG.

Tương tự, hàng trăm hộ dân sống bên kia sông thuộc phường Phú Mỹ, quận 7 cũng mong lần này những vướng mắc liên quan đến dự án được giải quyết dứt điểm. Hơn 10 năm sống và kinh doanh quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), bà Bích Liên gần như thuộc lòng những ngày triều cường gây ngập. Thứ được bà coi như "bảo vật" là cuốn sổ ghi chép thời điểm triều cường dâng cao.

Bà Liên cho biết năm 2020, bà nhớ như in 12 lần nước dâng lên cao vào đúng giờ cao điểm khiến cuộc sống gia đình vô cùng khốn khổ. "Năm nay chắc cũng chẳng khá hơn. Giờ tôi không ao ước gì ngoài việc các bên gút lại ngày dự án hoàn thành để bản thân tôi và nhiều hộ gia đình khác còn tính toán mở rộng làm ăn, kinh doanh, chứ cứ cảnh ngập lụt kéo dài thì thua" - bà Liên nói.

Cùng cảnh ngộ, hàng trăm hộ dân sống ở đường Mễ Cốc (quận 8) - nơi gần công trình thi công cống Phú Định, thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng - những ngày này đang ráo riết chuẩn bị chống ngập. Bởi trong năm 2020, sự cố vỡ bờ bao xảy ra liên tục 3 lần khiến nhiều tài sản bị hư hỏng. "Tháng 12-2020, đợt triều cường xảy ra khiến nước từ dưới cống trào lên. Mùi hôi thối nồng nặc từ bên ngoài kênh đổ vào nhà phải dọn mất một tuần mới sạch" - ông Trà (61 tuổi) nói. Ông mong lần này vướng mắc được gỡ để người dân hưởng lợi từ dự án.

GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường, cho biết TP HCM là đô thị chịu tác động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Vì vậy, hệ thống cống ngăn triều chống ngập giai đoạn 1 đã phê duyệt từ 14 năm trước và đến nay chưa đưa vào vận hành thì quá trễ.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Theo ghi nhận, hiện tại 6 công trình cống ngăn triều lớn của dự án trên - gồm Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận - gần như đã dừng hẳn việc thi công dù các cống này cơ bản đã sắp hoàn thành. Điển hình tại cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), quan sát từ hệ thống flycam cho thấy chỉ có 3 công nhân vận hành, bảo đảm an toàn công trình. Mọi hoạt động thi công hoàn thiện dường như chưa có dấu hiệu sẵn sàng.

Báo cáo mới nhất từ UBND TP HCM thể hiện khối lượng công việc của dự án đã đạt đến 96%. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay khiến dự án chưa thể tiếp tục thi công hoàn thành là việc lựa chọn quỹ đất nhằm ký phụ lục hợp đồng BT với nhà đầu tư.

Trước thực tế này, Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 40 nhằm "cởi trói" khó khăn. Theo đó, Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của UBND TP HCM và các bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, UBND TP được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng đồng ý tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20-8-2015, các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Chính phủ tháo gỡ nhưng phải thực hiện thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện việc thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án theo quy định của pháp luật và quy định tại hợp đồng dự án được ký kết đúng pháp luật.

Đặc biệt, UBND TP chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, trao đổi, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp về giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định; thống nhất giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và nội dung cần thiết khác làm cơ sở để ký phụ lục hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, không được thất thoát ngân sách nhà nước...

Phản hồi việc này, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (nhà đầu tư dự án), cho biết không chỉ chính quyền mà người dân lẫn đơn vị thi công đang rất nóng lòng để dự án đưa vào sử dụng.

"Tôi tin nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành sẽ giúp UBND TP có những giải pháp mới" - ông Nguyễn Tâm Tiến nói, đồng thời nhận định: Nếu mọi việc thuận lợi, 4% khối lượng công việc còn lại sẽ sớm thực hiện xong và dự kiến 6 cống ngăn triều sẽ phục vụ hiệu quả vào năm 2022. "Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, đây là tin rất vui cho chúng tôi. Mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền TP để triển khai đúng tinh thần nghị quyết, sớm đưa dự án về đích" - ông Nguyễn Tâm Tiến kỳ vọng.

Liên quan đến việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ, đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết đang xác định các khu đất để hoán đổi và đáp ứng những yêu cầu theo phụ lục hợp đồng BT.

"Trong những ngày tới, các sở, ngành, trong đó có Sở Tài chính, sẽ đề xuất các giải pháp để đưa đến thống nhất giải quyết khó khăn hiện tại" - đại diện Sở Xây dựng thông tin.

Càng chậm càng đội vốn, giảm niềm tin!

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết dự án trên được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vào tháng 6-2016. Công trình dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2018. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do vướng nhiều vấn đề phát sinh nên hai bên đã ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian hoàn thành dự án (hết hạn từ ngày 26-6-2020). Tổ đàm phán hai bên đã thống nhất một số nội dung của phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 24-9-2020 nhưng từ đó đến nay, phụ lục này vẫn chưa được ký nên trên các công trường, công nhân không thể thi công theo kế hoạch.

Trước khi Nghị quyết số 40 được Chính phủ ban hành, liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, Thủ tướng đã cùng Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đưa ra những kết luận và thông báo rõ ràng trước đó.

Cụ thể, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP vào ngày 21-8-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận giao UBND TP và Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, xử lý gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không để ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Hay mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM có thông báo gửi đến Ban Cán sự Đảng UBND TP, các sở, ngành chức năng với nội dung: Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự án này tại buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 21-8-2020.

Đại biểu HĐND TP HCM Trần Quang Thắng khẳng định nếu dự án được giải ngân tốt thì ngày về đích càng gần. Còn nếu cứ để dự án kéo dài sẽ càng kéo theo nhiều hệ lụy, có thể bị đội vốn, sút giảm niềm tin từ người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại