Sống trên biển bạc vẫn CHƯA THOÁT nghèo (*): Phát triển bền vững, có trách nhiệm

Nhóm Phóng viên |

Việt Nam muốn trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm thì cần chú trọng giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại thực trạng "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" của ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực khai thác thủy sản. PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng muốn nghề cá ở nước ta phát triển bền vững và có trách nhiệm thì phải giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường trong quá trình phát triển kinh tế thủy sản.

Cần tổ chức lại hệ sinh thái khai thác

Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, trước hết phải tổ chức lại sản xuất. Chúng ta đã có Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn. Có tàu lớn nhưng đi "đơn lẻ" thì cũng không giải quyết được vấn đề. Đóng tàu ra khơi phải có đội hình để xử lý từ thiên tai đến "nhân tai", vì lĩnh vực thủy sản phải đối mặt những rủi ro rất lớn của tự nhiên. Do đó, phải tổ chức đánh bắt để hỗ trợ nhau.

Sống trên biển bạc vẫn CHƯA THOÁT nghèo (*): Phát triển bền vững, có trách nhiệm - Ảnh 1.

Đội tàu công suất lớn của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vươn khơi bám biển .Ảnh: TRẦN THƯỜNG

"Rõ ràng, chúng ta chưa giải quyết được vấn đề ngư nghiệp, ngư trường, ngư dân. Đóng tàu lớn để ra biển đánh cá nhưng đánh chỗ nào? Chỗ đó có nhiều cá như mong muốn hay không... thì lại chưa thấy đánh giá. Bản thân ngư dân chuyển từ tàu nhỏ sang tàu lớn, trước đây sử dụng ngư cụ thô sơ, nay được trang bị ngư cụ hiện đại thì đã được đào tạo qua trường lớp nào chưa? Tàu lớn chỉ là khâu sản xuất, mấu chốt là đánh bắt đến đâu, có hiệu quả không hay lại chạy lòng vòng, trong khi giá nhiên liệu lại cao? Đây là những vấn đề cần phải được nghiên cứu thấu đáo" - PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nhận xét.

Theo thống kê, nước ta hiện có hơn 91.000 tàu cá với gần 600.000 ngư dân và khoảng 4 triệu người tham gia làm dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến trên bờ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đến nay, với các thiết chế liên kết sản xuất như hợp tác xã, nghiệp đoàn của ngư dân, dịch vụ hậu cần - nơi thì hầu như vắng bóng, nơi thì dù có nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Điều mà người đứng đầu ngành NN-PTNT mong muốn là ngư dân phải có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác thủy sản trên biển, vừa có nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa tham gia khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng về dài hạn, cần có cách tiếp cận tổng thể vấn đề ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường; hướng đến mục tiêu năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Do đó, phải tổ chức lại hệ sinh thái ngành khai thác; tổ chức lại các thiết chế hợp tác, liên kết từ hậu cần đến đánh bắt, thu mua, chế biến.

"Nếu không giải quyết đồng bộ ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường; không tổ chức lại sản xuất thành một đội hình; ra biển không phải là công nhân đánh cá mà vẫn là nông dân đánh cá thì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn rất xa" - ông Hồi nhìn nhận.

Hiện thực hóa các chiến lược

Bộ NN-PTNT đang triển khai xây dựng và thực hiện 2 quy hoạch ngành. Đó là quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, theo hướng tổ chức lại sản xuất khai thác thủy sản, tích hợp đa chức năng, đa giá trị trong sản xuất, kết hợp xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác.

Bộ NN-PTNT cũng đang khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ đề án chuyển đổi nghề khai thác với các chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân trong diện không tham gia đánh bắt hải sản; đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2022 đã khái quát hóa quan điểm phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, hiện đại hóa quản lý nguồn lợi thủy sản và hoạt động của đội tàu, hoàn chỉnh đầu tư dịch vụ hạ tầng cơ sở nghề cá tại các vùng tập trung ngư trường, hải đảo. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2021 đã đặt ngành thủy sản trong hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp với không gian rộng mở hơn.

Để hiện thực hóa các chiến lược nêu trên, Tổng cục Thủy sản đã và đang tham mưu xây dựng các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống. Theo đó, chuyển từ tư duy sản xuất nghề cá nhân dân sang tư duy nghề cá bền vững, có trách nhiệm bằng cách tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả; đa dạng các chuỗi giá trị cho phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; từng bước chuyển từ phát triển nghề cá thuần túy sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị theo phương châm tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật.

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đang được Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - sẽ tạo điều kiện để ngư trường khai thác trù phú, các biện pháp kiểm soát áp lực của hoạt động khai thác thủy sản không làm suy giảm nguồn lợi và suy thoái môi trường. Cùng với đó, Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đang được xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - sẽ tạo ra một hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đồng bộ, liên thông, kết nối với các ngư trường, cộng đồng ngư dân và hạ tầng giao thông, công nghiệp ở các vùng kinh tế ven biển.

"Mỗi cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là trung tâm kết nối các giá trị kinh tế - xã hội, môi trường giữa biển và bờ; là một trung tâm dịch vụ đa mục tiêu phục vụ tàu cá, du lịch, thương mại, giải trí và các dịch vụ xã hội khác" - ông Trần Đình Luân khẳng định.

Khắc phục những tồn tại

"Việt Nam đang chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ, thủ công, tự phát sang nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Vì thế, cần phải khắc phục triệt để những tồn tại của cơ chế quản lý cũ: khai thác quá mức, suy giảm nguồn lợi, suy thoái môi trường, khai thác chưa gắn với bảo vệ nguồn lợi, hệ thống quản lý yếu kém, hạ tầng dịch vụ nghèo nàn" - ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản lần này đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa diện tích vùng ven biển, ven đảo được bảo vệ, bảo tồn đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia theo Nghị quyết 36-NQ/TW. Đối với khu vực nội địa, mục tiêu là 3%-4% diện tích mặt nước là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 4%-5% diện tích là khu vực cấm khai thác thủy sản. Dự thảo còn đặt ra mục tiêu đến năm 2030, giảm tổng số tàu cá còn 86.300 chiếc, giảm tổng sản lượng khai thác thủy sản còn 2,8 triệu tấn, cùng với đó sẽ cơ cấu lại ngành nghề khai thác.

Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững và đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi, môi trường sinh thái sẽ tái cơ cấu, chuyển đổi đội tàu theo hướng thích ứng phù hợp điều kiện nguồn lợi và ngư trường, ứng dụng công nghệ cao để tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế thủy sản - đơn vị tư vấn chính cho dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, giai đoạn tới sẽ đặt trọng tâm vào bảo tồn, nhất là định hướng việc phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế. "Trước tiên sẽ giảm dần các tàu khai thác ven bờ, tiếp đến là các nghề gây nguy hại môi trường như lưới kéo. Dựa vào nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi trên các ngư trường để định hướng cho các địa phương về số tàu, ngư cụ và đặc biệt là sản lượng khai thác phù hợp với nguồn lợi" - ông Tùng cho biết.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8

Kỳ tới: Nuôi công nghiệp - giải pháp bền lâu

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65% - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.

Theo Nghị quyết 36, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; nghiêm cấm hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại