Ngày 10/11, người Hindu tụ tập bên bờ sông Hằng, cùng nhau tắm để chào mừng lễ hội tôn giáo linh thiêng của họ. Nhưng lễ hội của họ chẳng hề suôn sẻ, khi nước sông lúc này bỗng nổi bọt trắng xóa, kèm theo mùi hôi thối.
Số bọt ấy không tự nhiên mà có, và cũng chẳng phải điều gì tốt đẹp. Đó là hỗn hợp của nước thải và rác công nghiệp, hình thành từ tuần trước trên sông Yamuna - một nhánh của sông Hằng, dài 1376km về phía nam bắt nguồn từ dãy Himalaya.
Qua phân tích thành phần, số bọt này có chứa hàm lượng ammonia và phosphate rất lớn, có thể gây kích ứng da và hệ hô hấp. Nó xuất hiện trùng với thời điểm diễn ra lễ hội Chhath Puja của người Ấn Độ. Đầu tuần qua, đã có những người Hindu lội qua số bọt này để tắm và cầu nguyện.
Gunjan Devi - một tín đồ cho biết cô không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tắm trên con sông ô nhiễm như vậy.
"Nước sông rất bẩn nhưng chúng tôi không có nhiều lựa chọn," - Devi chia sẻ. "Tín ngưỡng yêu cầu chúng tôi phải tắm trên sông, nên chúng tôi đến đây."
Theo trang Press Trust, đã có 15 chiếc thuyền được chính phủ Ấn Độ điều đến để vớt bọt, nhưng các chuyên gia sợ rằng chúng đã kịp gây ra những tổn hại không thể đong đếm.
"Con sông tại Delhi về cơ bản là một con sông chết về hệ sinh thái," - trích lời chuyên gia Bhim Singh Rawat từ Mạng lưới Đập, Sông và Con người tại Nam Á (SANDRP). "Ở đó không có cá, không có chim, và đã như thế trong nhiều năm qua."
Những con sông ô nhiễm khủng khiếp
Trong nhiều thập kỷ, đoạn sông Yamuna đã bị vấy bẩn bởi các hóa chất độc hại và nước thải không qua xử lý. Ở vài khu vực, nước sông đen ngòm, nhớp nháp, với rác thải nổi lềnh bềnh dạt cả vào bờ.
Đây cũng là con sông ô nhiễm nhất xung quanh thủ đô Delhi - nơi có đông cư dân và thải rác rất nhiều. Chỉ 2% đoạn sông chảy qua Delhi, nhưng thành phố này "đóng góp" tới 76% lượng rác thải và độc chất ô nhiễm.
Rawat cho biết con sông ô nhiễm đã gây ảnh hưởng nặng nề tới người dân sống ở các thành phố dưới hạ lưu - như Faridabad, Noida và Agra. "Hàng ngàn người đang phụ thuộc vào con sông này. Họ dẫn nước tưới, múc từng xô để tắm, thậm chí là uống."
Năm 2017, hồ Varthur tại thành phố Bangalore cũng có hiện tượng sủi bọt trắng tương tự như vậy. Khi đó, gió lốc mạnh thậm chí đã cuốn lớp bọt này tràn cả ra đường phố.
Cũng trong năm đó, một chiếc hồ khác tại Bangalore bỗng dưng bốc cháy. Nguyên nhân sau đó được cho là đã có xăng dầu chảy vào hồ.
Nguồn: CNN