Sông băng tan trên núi tan tiềm ẩn nguy hiểm
Đây là vùng đất hoang sơ, phần lớn chưa chịu sự tác động của con người. Những đỉnh núi cao nhất nơi đây vẫn chưa bị con người chinh phục, các hồ nước đẹp như tranh cũng chưa từng bị làm xáo trộn. Người dân địa phương tin rằng những ngọn núi, những khu hồ và những dòng sông băng đều là hiện thân của những vị thần, cần được tôn thờ và kính trọng.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu do con người tạo ra đang dần phá hủy những cảnh quan kì vĩ này. Nhiệt độ trái đất tăng đã đẩy nhanh tốc độ băng tan ở các vùng cao nguyên Bhutan.
Đằng sau sự im lặng của những ngọn núi, giờ đây, là nguy hiểm rình rập. Những thảm họa chực chờ trên trời giống như một sát thủ có thể hành động bất cứ lúc nào.
Ảnh: NCHM
Mực nước tại một số sông băng giảm tới 35m mỗi năm, lượng nước khổng lồ này được đổ vào những hồ lân cận. Nguy cơ vỡ bờ tại các hồ đặt toàn bộ Bhutan vào tình trạng báo động.
"Với sự nóng lên toàn cầu, các sông băng đang tan và nguồn nước dự trữ của chúng tôi chảy nhanh hơn về phía hạ nguồn. Chúng tôi gọi hiện tượng đó là 'sóng thần trên trời', và hiểm họa có thể đến bất cứ lúc nào," Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Bhutan (NCHM) Karma Drupchu chia sẻ.
"Chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng đủ tạo ra trận đại hồng thủy dội xuống hạ lưu. Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng bởi hơn 70% khu dân cư ở Bhutan nằm dọc các thung lũng sông... Bhutan sẽ phải chịu thiệt hại không chỉ về của mà còn về người," ông Karma Drupchu nói.
NCHM xác định được 2674 hồ băng, trong đó có 17 hồ được xếp vào loại tiềm tàng nhiều nguy cơ vỡ bờ. Sự tan chảy ngày càng nhanh hơn của 700 hồ băng ở Bhutan hình thành nên vô số hồ nước và mối nguy hiểm tới người dân cũng như cơ sở hạ tầng của quốc gia ngày càng tăng.
17 hồ băng tại Bhutan được xếp vào loại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: NCHM
Kí ức lũ hồ băng kinh hoàng
Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có mức khí thải carbon âm. Nước này cũng đề cao vai trò của mình trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Hiến pháp quốc gia yêu cầu bảo vệ môi trường, chính vì thế các ngành công nghiệp sinh lời nhưng tàn phá môi trường đã bị từ chối triển khai. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu vẫn đến, bất chấp những cố gắng của quốc gia Nam Á nhỏ bé.
Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering chia sẻ, việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên các sông băng là gánh nặng lớn mà quốc gia của ông phải đối mặt.
"Gánh nặng lên chúng tôi là rất lớn bởi theo quan niệm tâm linh, đó không chỉ là hồ băng. Chúng tôi tin rằng trong đó có sự sống và chúng tôi đang đánh rơi những dòng sông băng 'vào tay' biến đổi khí hậu," ông trả lời Channel News (CNA).
Thủ tướng Bhutan bổ sung, "Những dòng sông băng đã mất, sẽ mất mãi mãi. Biết bao nhiêu sự sống, không của riêng loài người, đang phụ thuộc vào đó? Không chỉ là vấn đề của quốc gia hay vấn đề kinh tế, mà toàn bộ vòng đời sẽ bị đe dọa. Nhưng sớm thôi, những thế hệ tiếp theo của chúng tôi thậm chí có thể sông băng sẽ không còn để mà tan nữa. Lúc đó sẽ là thảm họa thực sự."
Lũ do băng tan đã từng xảy ra trước đây và trở thành điều không thể quên trong kí ức những người chứng kiến.
"Con sông biến thành một dòng chảy đen kịt và lầy lội. Cây cối bị bật gốc và cuốn trôi theo dòng nước. Tôi vô cùng sợ hãi rằng nó sẽ hủy hoại tính mạng và tài sản mình mà bản thân không thể làm gì được," CNA dẫn lời một nhân chứng.
26 năm trước, cư dân sống ven sông đã không được cảnh báo về lũ. Trận lũ lụt năm 1994 làm 21 người thiệt mạng và gây thiệt hại trên diện rộng lên đất nông nghiệp, phá hủy nhà cửa và xóa sổ nguồn cá trên sông.
Ngôi làng bị lũ quét qua năm 1994. Ảnh: CNA
Hệ thống cảnh báo sớm
Kể từ đó, các nhà khoa học nỗ lực để kiểm soát tốt hơn các hồ và tác động của nhiệt độ dẫn đến sự ổn định của chúng. Hiện nay, hệ thống cảnh báo sớm thông minh đã được lắp trên khắp hệ thống sông giúp người dân hành động tốt nhất trong trường hợp có lũ.
"Dân chúng lo sợ. Họ biết rằng các hồ băng có thể vỡ bất cứ lúc nào do biến đổi khí hậu," Tshewang Phuntsho, quan chức tại Cục Quản lý Thảm họa ở Punakha, cho biết.
"Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng có chuẩn bị," ông Tshewang Phuntsho bổ sung, giải thích rằng các cuộc diễn tập mô phỏng lũ quét và những chiến dịch nâng cao nhận thức đã được triển khai để xây dựng khả năng phản ứng cho các nhóm dân số dễ tổn thương. Các nhà băng học tại NCHM cũng đã kiểm tra thực tế các khu vực hồ nguy hiểm hàng năm.
Người dân vẫn sống trong lo lắng nhưng sự chuẩn bị đã tốt hơn trong quá khứ. Ảnh: CNA
Một số khu vực thậm chí còn được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Ví dụ như Hồ Thorthormi, nằm tại khu vực Lunana. Đây được đánh giá là hồ băng dễ bay hơi nhất ở Bhutan.
Có hai nhân viên luôn thường trực gần mép hồ để theo dõi trực quan bất cứ thay đổi hay rủi ro có thể xảy ra. Khu dân cư gần đó sẽ chỉ có khoảng 30 phút để sơ tán trong trường hợp lũ đến.
Nếu Thorthormi bị vỡ, dự báo sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với vùng hạ lưu và các thung lũng nhỏ nhưng màu mỡ - nơi 70% dân số của Bhutan phụ thuộc vào. Các khu vực rừng có thể bị xóa sổ và các công trình tôn giáo quan trọng như Punakha Dzong có thể sẽ bị tàn phá.
Rủi ro ngành thủy điện và những chuẩn bị của Bhutan
Thủy điện là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Bhutan. Ảnh: CNA
Có lẽ điều quan trọng hơn nữa là rủi ro đối với ngành thủy điện của Bhutan, lĩnh vực mà kinh tế quốc gia đang hoàn toàn phụ thuộc vào thông qua xuất khẩu sang nước láng giềng Ấn Độ. Tuy nhiên, chỉ cần một cơn lũ từ hồ băng cũng đủ để tàn phá cơ sở hạ tầng quan trọng của ngành thủy điện Bhutan.
"Doanh thu lớn nhất của chúng tôi cho đến nay là từ thủy điện và thủy điện chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu," Thủ tướng Bhutan nói.
Hai trong số các dự án lớn và quan trọng nhất đang được xây dựng trên cùng một hệ thống từ hồ Thorthormi đó là Punatsangchu-I công suất 1200 megawatt và Punatsangchu-II công suất 1020 megawatt.
Nguồn thủy năng của hai dự án trên đều phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên. Các chuyên gia dự đoán dòng chảy tự nhiên sẽ thay đổi rất nhiều tính đến năm 2050, chính vì vậy, cách tiếp cận này cần thay đổi.
Dự án thủy điện tham vọng nhất trong lịch sử của Bhutan - lớn hơn gấp đôi so với bất kì dự án nào trước đây, dự kiến sẽ khác. Đập Sankosh sẽ được xây dựng như một hồ chứa quy mô lớn, có khả năng chống chịu tốt hơn trước biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi sẽ theo dõi dự án xây dựng đập Sankosh trong thập kỉ tới hoặc lâu hơn. Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ dựa vào đó để tiến hành triển khai những dự án tiếp theo. Chúng tôi phải thật cẩn thận với dự án này," ông Lotay Tshering chia sẻ với CNA.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: