Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 9/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ USA Today, Mỹ đã vượt qua mốc 900.000 ca tử vong vào cuối tuần vừa rồi và con số này có thể lên 1 triệu người vào tháng 4. Hiện nay, Mỹ có khoảng 2.400 ca tử vong mỗi ngày.
Các chuyên gia y tế cho biết biến thể Omicron lây lan mạnh có thể một phần là nguyên nhân dẫn đến gia tăng số ca tử vong. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỷ lệ tử vong ở Mỹ là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới và cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở đó.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 (tỷ lệ giữa số ca tử vong được xác nhận và số ca mắc được xác nhận) ở Mỹ đã giảm từ 1,63% kể từ đỉnh làn sóng Delta vào ngày 1/9/2021 xuống 1,18% vào ngày 6/2.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở Mỹ trong làn sóng Delta thấp hơn các quốc gia có thu nhập cao khác, nhưng tỷ lệ tử vong hiện nay lại nằm trong nhóm cao nhất. Các chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể đang tụt lại so với tiến bộ trong cuộc chiến chống COVID-19 của các nước khác.
Các chuyên gia y tế cho biết tỷ lệ tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường thấp, thiếu xét nghiệm và hệ thống y tế không hoàn hảo đã cản trở Mỹ thoát khỏi đại dịch, dẫn đến nhiều ca tử vong do COVID-19 hơn và gây tỷ lệ tử vong cao hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết mới khoảng 64% người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine COVID-19, xếp sau Canada - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng gần 80%.
Ông Chris Dickey, Giám đốc Y tế toàn cầu và môi trường tại Khoa Y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học New York, cho biết vaccine không phải là để ngăn ngừa tất cả các ca mắc, nhưng có tác dụng tuyệt vời trong ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong. Ông nói: “Đúng là các quốc gia khác dường như có tỷ lệ tử vong thấp hơn, và phần lớn điều đó là do khác biệt về tiêm chủng và quan trọng nhất là mũi tiêm tăng cường”.
Tính đến ngày 7/2, 42% người Mỹ đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường, chiếm khoảng 27% tổng dân số. Con số này thấp hơn so với Đan Mạch và Anh - hai nước có tỷ lệ tiêm mũi tăng cường lần lượt là hơn 61% và 54%.
Những người Mỹ được tiêm phòng đầy đủ có nguy cơ tử vong vì COVID-19 thấp hơn 14 lần so với những người chưa tiêm phòng.
Các chuyên gia y tế cho biết tỷ lệ tử vong cao hơn có thể do thiếu xét nghiệm ở Mỹ. Chính quyền Mỹ đã mua 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh để gửi thẳng đến nhà người dân, nhưng có nhiều kết quả dương tính không được báo cáo.
Hồi tháng 11/2021, các quan chức CDC thừa nhận rằng cơ quan này không thể theo dõi kết quả xét nghiệm tại nhà và đã làm việc với các công ty xét nghiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự nguyện báo cáo kết quả thông qua ứng dụng hoặc trang web. Nhưng số ca dương tính được báo cáo qua đây chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tất cả dữ liệu xét nghiệm COVID-19.
Có trên 227.000 ca mắc ngày 9/2 ở Mỹ, nhưng các chuyên gia y tế cho biết có thể còn nhiều xét nghiệm dương tính tại nhà chưa được thống kê và sẽ tác động tới tỷ lệ tử vong.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng các nước khác xét nghiệm COVID-19 tốt hơn Mỹ, thường xuyên và chính xác hơn nhiều. Tiếp cận xét nghiệm là điều quan trọng để đảm bảo điều trị sớm cho những người có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Ngay cả khi mọi người phát hiện sớm bệnh nhưng một số người vẫn miễn cưỡng tới bệnh viện cho đến khi bệnh trở nên nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến nhiều ca tử vong mà lẽ ra có thể phòng tránh được.
Người Mỹ sợ viện phí tốn kém nên ngại tới bệnh viện khi mắc COVID-19, trong khi ở các quốc gia khác, người dân có thể sẵn sàng tiếp cận hệ thống y tế nhiều hơn.
Mặc dù tốc độ gia tăng ca mắc COVID-19 mới đã giảm hơn 2/3 so với mức cao nhất của tuần trước, nhưng dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy Mỹ vẫn có 3 ca mắc mới mỗi giây.
Các chuyên gia y tế kêu gọi người Mỹ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh mắc COVID-19 và bệnh chuyển nặng, như đeo khẩu trang, xét nghiệm sớm và thường xuyên, quan trọng nhất là tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường.