Sóng lớn Sing - Trung phá vỡ thế cân bằng bấp bênh châu Á

An Bình |

Trong nhiều thập kỷ, Singapore đã “đi dây” cẩn trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bây giờ, đảo quốc này đang tìm cách định hình bản thân trong sự chỉ trích từ Bắc Kinh.

Trung Quốc đã công khai những căng thẳng gần đây với Singapore do lập trường tương đồng của nước này với Mỹ trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Đối với Singapore, - nơi Hải quân Mỹ coi là một điểm khởi đầu cho các hoạt động tuần tra eo biển chiến lược Malacca, những căng thẳng trong khu vực đã phủ bóng chiến lược lâu dài của nước này, nhằm làm loại bỏ những tranh cãi chính trị, đồng thời tập trung vào thương mại và đầu tư.

Và sự gay gắt gần đây nhất giữa hai bên có thêm sự xuất hiện của Đài Loan – hòn đảo nơi Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình. Chín xe bọc thép của Singapore đã bị thu giữ bởi hải quan Hồng Kông hồi tuần trước khi từ Đài Loan về Singapore trên một con tàu thương mại sau các cuộc huấn luyện.

Chỉ huy quân đội Singapore Thiếu Tướng Melvyn Ong cho biết quân đội vẫn đang tìm kiếm để xác định nguyên nhân chính xác việc những chiếc xe này đã bị tịch thu.

Đi dây khó khăn

Singapore có quan hệ lịch sử và văn hóa gần gũi với Trung Quốc kể từ khi tổ tiên của nhiều người dân Singapore là các thương nhân đến từ Trung Quốc đại lục. Nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu - cựu Thủ tướng và là cha của nhà lãnh đạo hiện tại - được coi như một liên kết giữa Trung Quốc với các nước còn lại trong khu vực. Singapore năm ngoái đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc và người đứng đầu Đài Loan kể từ cuộc nội chiến.

"Trong một thời gian khá lâu, Singapore luôn muốn tìm kiếm một sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên, trên thực tế, đã đứng về phía của Washington ", tờ Global Times của Trung Quốc cho biết trong một bài xã luận ngày 28/11. "Điều này đã biến Singapore trở thành một căn cứ của Washington để đối trọng và ngăn chặn Bắc Kinh."

Singapore đã tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ trong năm qua, cho phép máy bay giám sát Poseidon của Mỹ và các tàu chiến hoạt động tại duyên hải nước này.

The Global Times đã cảnh báo rằng hành động của Singapore có thể tạo nên một "cú sốc lớn cho mối quan hệ song phương, dẫn đến việc Bắc Kinh có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại và điều này sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế của Singapore." Singapore đã cho biết họ muốn một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp hàng hải, và Hiệp hội các nước Đông Nam Á cũng có quan điểm tương tự.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore (Mỹ đứng thứ 2) với hơn 1/5 GDP của Singapore gắn kết với Trung Quốc, theo Natixis SA. Singapore hiện có một vai trò ngày càng tăng như cửa ngõ vào Đông Nam Á đối với sáng kiến "Nhất đới, nhất lộ" của Chủ tịch Tập Cận Bình -nhằm làm sống lại các tuyến đường thương mại cổ xưa đến châu Âu.

"Vấn đề giữa Singapore và Trung Quốc cần phải được xử lý giữa hai Chính phủ theo thông lệ quốc tế và trong bối cảnh của một mối quan hệ sâu sắc và rộng lớn,'' Simon Tay - Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) cho biết trong bản tường trình.

Các xe quân sự bị thu giữ tại Hồng Kông thiếu giấy phép thích hợp, và không được công bố cụ thể về biểu hiện của tàu, tờ South China Morning Post đưa tin tuần trước, trích dẫn một nguồn tin giấu tên thân cận với vấn đề này. Nhập khẩu hàng hóa không khai báo là hành vi vi phạm Pháp lệnh Nhập khẩu và xuất khẩu của Hồng Kông.

Trung Quốc tìm kiếm lợi thế

Trong khi ông Ong cho biết Hồng Kông là một hải cảng thường cho phép quân đội nước ngoài ra vào, đồng thời, " không có vấn đề (trong các lần quá cảnh) trước đây," chuyến hàng lần này đã dấy lên sự phản đối chính thức từ Bắc Kinh, trong đó cảnh báo Singapore đã bỏ qua pháp luật Hồng Kông và nguyên tắc một Trung Quốc.

"Đây không phải là lần đầu tiên các con tàu Singapore chở thiết bị quân sự từ Đài Loan đi qua Hồng Kông," Bilahari Kausikan, đại sứ lưu động, cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapore cho biết. Thực tế lô hàng đặc biệt này đã được chọn để “bắt giữ”cho thấy rằng Trung Quốc muốn "gửi đi một tín hiệu không chỉ tới chúng ta, mà tới tất cả" các quốc gia Đông Nam Á. Chiến lược lâu dài của Trung Quốc là biến Singapore trở thành một đồng minh và "phát ngôn" cho lập trường của họ, ông nói.

Trung Quốc có thể đang tìm kiếm lợi thế trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ bằng việc thúc giục các nước như Singapore đứng ngoài các tranh chấp chính trị như Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang được đặt ra về tương lai của chính sách xoay trục về kinh tế và quân sự của ông Obama tới châu Á.

Sự cân bằng bấp bênh

Oh Ei Sun, một thành viên cao cấp của trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Singapore cho biết hành động thu giữ trên "giết chết hai con chim với chỉ một hòn đá bằng cách chứng minh sự không hài lòng của Trung Quốc đối với sự liên kết quân sự của Đài Loan với các nước khác."

Hiện nay, Singapore đang phản ứng hết sức thận trọng. Không một vấn đề đơn nhất nào có thể thống trị "mối quan hệ có từ lâu đời, rộng khắp với Trung Quốc" của Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan cho biết tại một diễn đàn trong tuần này tại Singapore, theo Straits Times.

Singapore không cho biết liệu họ có kế hoạch để cảnh báo hoặc ngừng đào tạo quân sự tại Đài Loan hay không. Quốc đảo sư tử đã đến Đài Loan trong nhiều thập kỷ, một phần là do diện tích hạn chế của mình. Trong khi đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan đã xấu đi kể từ tháng 1, khi Đảng Dân tiến DPP ủng hộ sự độc lập của Đài Loan lên nắm quyền.

Nguy cơ hiện nay là những hành vi (được công nhận trước đây) thì lúc này lại trở thành một vấn đề, Jia Xiudong, cựu cố vấn về các vấn đề chính trị của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói.

"Ngày càng thực sự khó khăn cho các quốc gia châu Á để cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ khi hai cường quốc đã có dấu hiệu xung đột ngày càng gia tăng," Jia, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thuộc bộ ngoại giao nước này nói. "Người ta có thể phải chọn một bên, hoặc ít nhất họ cũng phải rất cẩn thận để không làm tổn hại lợi ích cốt lõi của bất kỳ bên nào.", ông Jia nhận định.

Những tranh cãi trên hiện nêu bật những khó  khăn của các quốc gia nhỏ tại châu Á trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung tại khu vực này.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo nhiều lần rằng các quốc gia trong khu vực không muốn chọn lựa bên nào. Trong khi nhiều quốc gia đang xây dựng các liên kết kinh tế với Trung Quốc, một số cũng đã tìm cách tạo dựng mối quan hệ chiến lược với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại