"Vỡ mộng" vì ô nhiễm
Đang gặp các vấn đề về hô hấp ông Tô Văn Nam (75 tuổi, sống tại toà nhà N02 – chung cư New Horizon City, số 87 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khu chung cư mà ông sinh sống nằm cách nhà máy dệt (Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội, địa chỉ 91-93 Lĩnh Nam - PV) không xa.
Thời gian gần đây, khói nhà máy xả thường xuyên cả ngày và đêm khiến ông Nam ho nhiều và ông dự định sẽ đi khám kiểm tra chức năng phổi.
Ông Nam cho hay, cách đây gần chục năm, ông để dành được chút tiền mua một căn chung cư để sinh sống. Về chung cư mới ở ông rất phấn khởi, hạnh phúc vì bao năm đi làm có căn nhà mới để yên tâm “an cư lập nghiệp”. Tuy nhiên, khi chuyển vào ở thì ông mới "vỡ mộng" khi ban đêm thường gửi thấy mùi khét lẹt.

Ông Nam cho biết nhà máy xả thải vào ban đêm gần đây có tăng cường vào giờ nghỉ trưa (Ảnh: N.M)
“Lúc đầu, các cư dân cũng cứ hỏi nhau có ngửi thấy mùi khét gì vào ban đêm không? Sau mới phát hiện ra là do khói xả từ nhà máy dệt may. Vào ban đêm nhà máy thường xả thải và rất khó thở”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, cách đây gần chục năm, cư dân sống gần khu vực đặt nhà máy cũng có kiến nghị chuyển nhà máy đi nơi khác nhưng chỉ là “muối bỏ bể”.
Cũng giống như ông Nam, ông Hà Quang Tấn (63 tuổi, sống tại toà nhà N02 – chung cư New Horizon City) cho biết gia, đình ông không dám mở cửa vì bụi nhiều vô cùng.
“Bụi bé lắm, nếu quét thì không thấy nhưng dùng máy hút thì nhiều vô cùng”, ông Tấn nói.
Ông Tấn cũng chia sẻ, khi mua nhà năm 2019, ông không nghĩ tới việc chung cư nằm ở gần nhà máy dệt. Chỉ tới khi có đêm không ngủ được ra ban công hút thuốc, ông mới thấy những cột khói của nhà máy dệt xả thải.
Nhận thấy vấn đề như vậy, ông Tấn đã mua máy hút bụi, khi sử dụng thì phát hiện các loại bụi mịn và bụi sợi rất nhiều.
“Giờ vợ chồng tôi về hưu ngày nào cũng chỉ ăn với hút bụi và lau chùi. Tôi không dám mở cửa vì mở cửa ra thì hút bụi 'ốm người'”, ông Tấn nói.

Ông Tấn phản ánh nhà có rất nhiều bụi mịn (Ảnh: N.M)
Dù biết đang sống trong môi trường ô nhiễm nhưng ông Tấn cũng không mơ tới việc chuyển nhà. Ông tâm sự, giờ vợ chồng già đã về hưu chuyển đi nơi khác cũng phải có tiền bạc dư giả. Ông Tấn chấp nhận “sống chung với lũ”, chỉ mong nhà máy sớm chuyển đi để thành phố có bầu không khí trong lành hơn.
Sinh sống phía sau của nhà máy dệt, chị Phạm Thị Nga (trú tại ngõ 13 Lĩnh Nam) cho hay, chị cũng mới chuyển về đây được một thời gian. Từ khi sinh sống tại đây, con chị thường xuyên gặp các vấn đề về đường hô hấp phải đi viện. Không khí ô nhiễm, khói mùi khét nên gia đình chị phải đóng cửa kéo rèm cả ngày. Chị cũng mong nhà máy sớm có phương án di dời.

Chị Nga rất mong nhà máy di rời (Ảnh: N.M)
Ô nhiễm tác động tới sức khoẻ ra sao?
Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Mạch Máu Việt Nam cho hay, những ngày qua không khí Hà Nội có sự ô nhiễm cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt, thời tiết nồm ẩm cao lại càng lắng đọng lượng khí thải ô nhiễm xuống thấp. Trong đô thị đông dân, mật độ dày đặc không khí ô nhiễm nặng gây ra các vấn về sức khỏe.
Bác sĩ Mạnh cho biết, gần đây gặp nhiều bệnh nhân ho kéo dài. Có người tới 2-3 tháng và nghĩ là do mắc cúm, nhưng nếu ho ho cúm thì chỉ 1-2 tuần, trong khi những bệnh nhân này ho cả tháng, không sốt, có viêm xoang, khó thở… Nguyên nhân là do vấn đề ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí khiến cho người mắc bệnh phổi mạn tính, trẻ nhỏ người già bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Khói bụi bùa vây cư dân (Ảnh: Ngọc Minh).
Bác sĩ Mạnh cho biết thêm, việc sống trong không khí ô nhiễm cạnh nhà máy dệt kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi mạn tính, thậm chí là ung thư phổi sau này.
Bác sĩ Mạnh cho hay: “Chưa năm nào tôi thấy tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội lại nặng nề như hiện nay. Buổi tối đi bộ ra đường không khí lờ mờ như bụi xây dựng, nhưng là do ô nhiễm”.
Trong hoàn cảnh không khí Hà Nội ô nhiễm, bác sĩ Mạnh khuyến cáo người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nên hạn chế ra ngoài đường kể cả vào buổi tối và sáng sớm.
Vị chuyên gia mong các nhà chức trách vào cuộc di dời các nhà máy ra khỏi nội thành khu dân cư để giảm tải ô nhiễm không khí.