Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ: Nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải và mùi hôi vùi lấp cả tuổi xuân!

PV |

Khi lỡ sa chân vào một phòng trọ hay ở chung một nhà với người ở bẩn, cuộc đời bạn sẽ ngoặt sang một trang mới. Một là bạn không chịu được và phải dứt áo ra đi sớm, hai là bạn có nguy cơ bị "lây" tính bẩn và hai người sống hòa hợp với nhau.

Sống chung với người ở bẩn quả thật không bao giờ dễ dàng

Thu Hoài (24 tuổi, Hà Nội) kể lại câu chuyện ở chung với một người bạn cùng quê từ cách đây một năm với giọng điệu ngao ngán. Hôm đó, Hoài dẫn bạn về phòng trọ ngủ nhờ vì nhà cô bạn mất nước. Tuy nhiên, bước chân vào căn phòng rộng cũng tới 20m2, hai người đã chùn bước trước cảnh tượng trước mắt.

Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ: Nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải và mùi hôi vùi lấp cả tuổi xuân! - Ảnh 1.

"Hôm đó mình cũng không ở nhà cả ngày, đến lúc về nhà thì choáng quá. Phòng cũng rộng rãi đấy mà đồ đạc quăng khắp phòng, thức ăn thừa lưu cữu, mùi thoang thoảng từ nhà vệ sinh tới bếp. 

Sàn nhà ngổn ngang những thứ linh tinh, đồ lót còn vứt trên giường treo cửa sổ. Mình quay qua nhìn đứa bạn mà muốn ái ngại; vừa giận con bạn cùng phòng, vừa không biết kiếm cái lỗ nào mà chui. Cô bạn kia cũng nhanh miệng nói to: "Mày vào lấy đồ cho tao đi rồi tao cũng về luôn". Mình ậm ừ cho nhanh rồi hai đứa ra khỏi phòng luôn".

Kể từ đó, Hoài không bao giờ dẫn bạn về nhà nữa. Một vài tháng sau cô cũng chuyển đi khỏi căn phòng trọ đó cùng với sự ác cảm dành cho những người ở bẩn. Tuy nhiên để cho chắc, Hoài không bao giờ thuê nhà ở chung với người khác nữa.

Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ: Nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải và mùi hôi vùi lấp cả tuổi xuân! - Ảnh 2.

Chuyện của những người như cô bạn Hoài không phải hiếm gặp, ở càng đông thì càng dễ rơi vào những cái "chuồng lợn" - không phải nói ngoa khi nhiều căn phòng trọ thực sự quá đỗi hỗn độn, bẩn thỉu và thậm chí là bốc mùi. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, số lượng sinh viên và người đi làm thuê trọ rất đông. 

Theo ước tính thực tế, Sài Gòn có số dân khoảng 13 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư. Không phải ai cũng có điều kiện mua nhà hay ở một mình nên ở ghép là lựa chọn duy nhất.

"Ở chung với người lạ một lần là em đủ sợ tới già. Cái chuồng lợn như nào thì phòng em không khác gì như vậy. Có những người thích tích trữ quần áo bẩn, bảo để cả tuần giặt một thể cho đỡ mất công. Ở chung với người bẩn, mình có muốn sạch cũng không được. Một là mình sẽ bị "đồng hóa", hai là quen với cái bẩn rồi mùi hôi của họ cũng bám dính lấy mình cả ngày. 

Nhiều khi ở trong phòng lâu, ra đường mình vẫn thấy cái mùi hôi thoang thoảng đâu đó", Hoàng Linh (26 tuổi, giáo viên) cạch mặt ở chung kể từ đó, dù lương thấp hay cao cũng cố gắng ở một mình.

Sống chung với người khác đã là một thách thức, sống chung với người ở bẩn thì mọi thứ không khác gì thảm họa. Có nhiều người do thói quen ở bẩn, "bẩn đã ăn vào máu rồi", có người quen ở với bố mẹ có người chăm sóc dọn dẹp, ra ở riêng cái thì chẳng thể nào xoay sở được. 

Nhiều bạn trẻ vin vào cuộc sống bận rộn nên chẳng bao giờ để ý tới nhà cửa. Bẩn thì có nhiều lý lẽ để biện minh nhưng có chung một kết cục: Chẳng ai muốn ở cùng.

Khổ như người ở bẩn: Mất bạn thân, người yêu cũng ngán, vô vàn chuyện cười ra nước mắt

Những người ở bẩn có nỗi khổ riêng và ai ở cùng họ cũng rơi vào nhiều tình huống oái oăm, chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Huy Nam và Minh. T từng là bạn chung hồi cấp ba. Lên đại học cùng trường, hai người quyết định ở chung vì "chỗ anh em thân thiết". Tưởng đâu cuộc sống sẽ mãi là anh em tốt nhưng ở được 6 tháng, Nam cũng không chịu nổi.

"Chỉ vì ở bẩn mà mất bạn thân đó anh ạ. Ở với nhau được vui vẻ mấy ngày đầu rồi lại lòi ra đủ thứ chuyện. Cậu bạn T. em có một thói quen giữ từ hồi ở quê cho tới khi ra thành phố là vài ngày mới tắm một lần. Hai đứa dọn vào đại học cũng là mùa thu, mùa đông lạnh nên cậu bạn em càng lười tắm. 

Nhắc nhiều rồi cũng không sửa, trong phòng lúc nào cũng có mùi mồ hôi lưu cữu. Sợ quá thôi đành tạm biệt người bạn thân". Nam kể rằng sau đó, hai người cũng không gặp nhau nhiều nữa.

Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ: Nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải và mùi hôi vùi lấp cả tuổi xuân! - Ảnh 3.

Không có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ mất người yêu, lại còn là vì ở bẩn. Ở bẩn thì không kể nam hay nữ nhưng đáng buồn thay, các cô nàng thường vấp phải sự phản đối và chỉ trích nhiều hơn. Giữa câu chuyện về người bạn ở bẩn, Thu Hoài cũng có chút ái ngại khi biết cũng vì một lần bạn trai tới nhà như thế mà hai người chia tay.

"Sau khi mình chuyển đi, nghe nói có lần người yêu cô bạn L. tới nhà cũng thấy cảnh tượng như vậy. Mỗi lần đi ra ngoài đường, cô bạn mình ăn mặc rất đẹp, trang điểm và quần áo xịn xò. Anh người yêu chắc hẳn cũng rất sốc khi về phòng trọ của L. và nhìn thấy cái phòng không khác gì cái chuồng lợn. 

Hai người chia tay sau đó không lâu, lý do thì bạn mình cũng không nói, nhưng ai cũng đoán là từ sau lần tới nhà định mệnh ấy".

Các căn phòng của những người ở bẩn dù khác nhau về kích thước, hình dáng nhưng luôn có điểm chung: Mùi hôi đã trở thành mùi đặc trưng của căn phòng, rác thải ngập ngụa đủ loại, giường thường là chỗ sạch nhất vì các chỗ khác vơ thành một đống. Cá biệt hơn cả, có những căn phòng còn để nước bồn rửa bát, toilet lâu ngày tới mức có muỗi. Mai Linh từng bị sốt xuất huyết vì nghi ở trong căn phòng quá bẩn.

"Mình cứ ra sức dọn dẹp thì cô bạn thân lại bày bừa ra từ phòng ngủ tới phòng khách. Tuy mỗi đứa một phòng nhưng khu vực phòng bếp và toilet dùng chung. Đi làm suốt ngày nên mình không bao giờ nấu ăn, về nhà thấy bếp núc bẩn thỉu, nước trong thau để tới có muỗi là thấy kinh rồi. Không hiểu có phải vì thế mà một đợt mình sốt xuất huyết tới cả tuần liền. Ở trong không gian bẩn thỉu như vậy, người có khỏe cũng thành người ốm".

Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ: Nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải và mùi hôi vùi lấp cả tuổi xuân! - Ảnh 4.

Sống chung với người bẩn có rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt như vậy. Hài cũng lắm mà bi cũng nhiều. Chỉ vì chuyện ở bẩn mà các cuộc xung đột xem ai rửa bát, ai đi đổ rác, giày dép sao không sắp xếp lên giá, thức ăn thừa để bàn phòng ăn từ ngày này qua ngày khác… diễn ra như cơm bữa. 

Khi các câu chuyện không có lời giải đáp, một trong hai người sẽ tự động chuyển đi. Dù vậy, lý do đưa ra cũng không bao giờ nói thẳng "vì mày ở bẩn quá". Chẳng ai muốn bị góp ý là ở bẩn quá, nhất là từ bạn bè. Vì vậy, mọi người cứ lặng lẳng mà đi, cánh cửa đóng lại đôi khi cũng kết thúc luôn một tình bạn thanh xuân. Lý do nghe mà buồn: Chỉ vì ở bẩn.

Ở bẩn nhưng không bao giờ nghĩ mình bẩn

Người ở bẩn, ngoài chuyện họ ở bẩn ra thì còn một điểm chung nữa: Đa phần họ không nghĩ rằng mình ở bẩn, hoặc biết điều đó nhưng cũng chẳng sửa được. Nam nhớ lại những ngày tháng "đấu tranh" với cậu bạn T nhưng hoài công vô ích. 

"Người như T bạn em, cậu ta ngửi mùi cơ thể mình quen rồi và coi đó là điều hết sức bình thường. Ai bảo cậu ấy hôi thì cũng chẳng biết giải thích sao, cậu ta ngửi vẫn cho là mình… thơm tho".

Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ: Nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải và mùi hôi vùi lấp cả tuổi xuân! - Ảnh 5.

Người ở bẩn cũng thường quên sự hiện diện của những người bạn ở cùng, coi phòng trọ như nhà riêng. Sống chung với nhau nhưng họ cứ vô tư bày bừa như thể đang sống một mình. Thủy Vân (27 tuổi, Sài Gòn) từng thuê chung một căn phòng với bạn bên Gò Vấp hồi còn học chung trường đại học. 

Chuyện cô bạn cứ dẫn người yêu về nhà đã khiến Vân khó chịu nhưng bức xúc hơn là chuyện ăn uống vô ý trong phòng.

"Hai đứa ở với nhau, phòng cũng không rộng rãi gì và bí nên mình biết ý hạn chế ăn trong phòng. Bạn mình thì vô tư hết nấc, như thể sống một mình vậy. Hôm thì ôm một quả sầu riêng về ăn, lúc thì cùng bạn trai ngồi ăn bún mắm, bánh xèo… 

Nói chung là thức ăn nào cũng có mùi, trộn lẫn với những thứ mùi quần áo lâu ngày không giặt của cô bạn thì mình cũng chẳng hiểu ý thức của bạn mình ra sao nữa", Thủy Vân ngán ngẩm.

Điều trớ trêu nhất với việc ở cùng những người ở bẩn là họ sẽ không bao giờ thay đổi. Phải chăng vì không ai dám nói thẳng vào mặt họ "mày ở bẩn quá nên thôi đừng ở cùng nhau nữa" nên không bao giờ họ có thể thay đổi được? Người ở bẩn không biến mất, họ chỉ chuyển từ ở với người này sang ở với một người bạn khác. 

Tuy nhiên, tuổi đời của những "mối quan hệ cùng phòng" đó chẳng bao giờ kéo dài được quá vài tháng. Lâu thì một năm, nhanh thì vài ba tháng cũng chia tay.

Sống chung với người ở bẩn cứ như một cơn lũ, nếu ở quá lâu bạn sẽ bị nhấn chìm trong rác thải ngập ngụa và mùi hôi vùi lấp cả tuổi thanh xuân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại