Cà phê Arabica từ trước đến nay luôn có giá trị nhất trong các loại cà phê và được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Tại Việt Nam loại cà phê này chưa được trồng phổ biến. Những nơi trồng nhiều cà phê Arabica phải kể đến Đà Lạt, Điện Biên, Quảng Trị và Sơn La. Trong đó, Sơn La được coi là thủ phủ trồng cà phê Arabica của cả nước với sản lượng 30.000 tấn mỗi năm. Toàn tỉnh có trên 20.000ha, chiếm 2/3 diện tích cà phê Arabica của cả nước.
Sơn La được coi là thủ phủ trồng cà phê Arabica của cả nước với sản lượng 30.000 tấn mỗi năm.
Khẳng định trên bản đồ thế giới nhưng thiếu chỗ đứng ở nội địa
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La với 3 loại sản phẩm cà phê là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Cà phê Sơn La hiện cũng là sản phẩm cà phê rang xay duy nhất có chỉ dẫn địa lý.
Từ đây, cà phê Sơn La bắt đầu hành trình xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Nhật, EU, UAE và một số thị trường khác. Với hương vị của giống cà phê ngon nhất thế giới, cà phê Arabica Sơn La ngày càng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới.
Ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La.
Thế nhưng, ngay tại thị trường nội địa, cà phê Sơn La hầu như không được nhiều người yêu thích cà phê biết đến, thậm chí doanh nghiệp sản xuất cà phê Sơn La rất khó để có tiêu thụ trong nước.
Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê Arabica Sơn La nhưng mỗi khi nhắc đến hành trình mang loại cà phê này đi chinh phục người dân Việt, ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La vẫn đau đáu một nỗi buồn. Ông chia sẻ: “Mang sản phẩm đi giới thiệu tại hội chợ trong nước, thật đáng buồn khi khách Tây thốt lên “Ở đây có bán Cà phê Sơn La này” trong khi khách Việt lại tròn mắt ngạc nhiên với câu hỏi: “”.
Theo ông Đặng Văn Thịnh, hiện trên thị trường, “cà phê bẩn” rất nhiều. Mong muốn của ông khi lựa chọn cà phê làm con đường dấn thân là sẽ đem đến cho nhiều người dùng Việt ly cà phê sạch, thơm ngon.
“Nếu tìm hiểu về cà phê sản xuất không từ cà phê sẽ thấy đây là một thị trường nhiễu loạn. Loại cà phê không làm từ cà phê rất nguy hiểm cho sức khỏe, mà hiện có đến 70% người Việt không được uống cà phê thật mà làm từ nhiều loại hóa chất pha với cà phê. Trong khi cà phê trong nước rất nhiều, giá không cao, nhưng người dùng lại chỉ được uống thứ nước giống cà phê là khá phổ biến”, ông Thịnh cho hay.
Ông Mai Văn Dũng, Cục Sở hữu Trí tuệ
“Cà phê nguyên chất có vị chua thanh, đắng nhẹ. Những loại cà phê đắng sâu thực chất không phải là vị đắng của cà phê. Cà phê bắt buộc phải có vị chua nhẹ vì trong cà phê có nhóm axit hữu cơ. Cái này mới đem lại sức khỏe cho người dùng”, ông Thịnh nói.
Ông Mai Văn Dũng, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN cho biết, Tây Nguyên hiện vẫn là “thủ phủ” cà phê với diện tích trồng rất lớn, nhưng sản phẩm cà phê rang xay Buôn Mê Thuột chưa được bảo hộ do mỗi gia đình, doanh nghiệp có cách rang xay khác nhau, khó tìm được tiêu chuẩn chung để bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Do vậy đối với cà phê Buôn Mê Thuột mới chỉ có bảo hộ chỉ dẫn cho cà phê hạt. Muốn sản phẩm bảo hộ được phát triển phải có cách nhìn tổng thể, bảo hộ bản quyền bằng các tiêu chí khác nhau. Xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ như thế nào.
“Sản phẩm cà phê rang xay Sơn La là một trong số ít được bảo hộ chỉ dẫn địa lý do có các bí quyết riêng. Cùng với đó, Sơn La là một trong số ít địa phương xác định ngay từ chủ trương, mục tiêu phát triển là ứng dụng KH&CN cũng tận dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý… để nâng tầm giá trị các sản phẩm nông sản địa phương”, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN Sơn La
Theo ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN Sơn La, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Arabica cũng được chọn là một trong những sản phẩm chủ lực của chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP, đem lại giá trị kinh tế cao và từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ cà phê thế giới.
Ngoài tận dụng thế mạnh giống cà phê Arabica ngon nhất thế giới, các cơ sở sản xuất của Sơn La còn có cách chế biến riêng để tăng sức cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như cà phê mật ong, trà siro vỏ cà phê…
“Sự nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất và chế biến ra các sản phẩm đặc sắc từ quả cà phê đang góp phần nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La, giúp nông dân địa phương vững tâm phát triển cây cà phê và làm giàu từ cây cà phê”, ông An nhấn mạnh./.