Bất ngờ “lấn sân” sang thiết bị y tế
HĐQT CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI) mới đây đã họp và thông qua việc thực hiện mua hơn 2,4 triệu cổ phần Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed) trong tổng số hơn 3,55 triệu cổ phần được đem đấu giá tại HNX.
Với giá mua bình quân 10.200 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền mà SHI bỏ ra để mua lại số cổ phần trên là hơn 24 tỷ đồng, số tiền gần tương đương với khoản lợi nhuận gộp doanh nghiệp này bán 42.782 chiếc bồn nhựa trong năm 2015 (26,7 tỷ đồng).
Với số lượng cổ phần mua được, SHI đang nắm giữ 27,27% vốn Vinamed, không đủ giúp Sơn Hà nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho biết, quyết định mua cổ phần này là những bước đầu thâm nhập vào lĩnh vực thiết bị y tế của SHI.
Lần đăng ký thay đổi thứ 13 ngày 9/3/2015 vừa qua tại Sở kế hoạch và đầu tư TP.Hà Nội, hoạt động kinh doanh của Sơn Hà theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm: sản xuất các sản phẩm thiết bị nhà bếp, sản xuất các loại thiết bị lọc nước, bán buôn phân bón, mua bán các sản phẩm năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Ngoài ra, Sơn Hà sản xuất đồ dùng bằng kim loại cho nhà bếp, nhà vệ sinh và ăn; sản xuất đồ điện dân dụng, sản xuất lò nướng, lò luyện và lò nung; sản xuất linh kiện điện tử; xử lý và tiêu huỷ rác thải không độc hại, xử lý và tiêu huỷ rác thải độc hại; kinh doanh bất động sản…
Báo cáo tài chính của Sơn Hà năm 2015 cho thấy, trong tổng doanh thu thuần đạt được năm 2015 (2.217 tỷ đồng), ống thép inox, gia công cuộn cán inox, bồn nước inox là 3 sản phẩm có doanh thu lớn nhất chiếm lần lượt 31%, 27%, 23%.
Chiếm lợi nhuận cao nhất trong cơ cấu lợi nhuận theo sản phẩm năm 2015 thuộc về các sản phẩm bồn nước inox (46%), ống thép inox (19%), Thái Dương năng (15%).
Mức doanh thu bán hàng kể trên tăng 11% so với mức 1.994 tỷ đồng trong năm 2014, đạt 92% so với kế hoạch đã đặt ra.
Với khoản lợi nhuận đạt 80,3 tỷ đồng cũng vượt 23,5% so với mức kế hoạch (65 tỷ đồng) và bằng 224% so với thực hiện (35,8 tỷ đồng) năm 2014.
Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận theo sản phẩm năm 2015 của Sơn Hà
Cũng tại báo cáo tài chính này, Sơn Hà cho biết kế hoạch năm 2016, ngoài việc mở rộng và đổi mới hệ thống phân phối, tăng cường vốn chủ sở hữu thông qua tích luỹ nội bộ, huy động vốn để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng quy mô…
Sơn Hà cũng cho biết sẽ mở rộng quy mô thông qua đầu tư năng cao năng lực sản xuất hiện tại, đầu tư mới hoặc có thể mua chi phối các công ty có tiềm năng định hướng phát triển, cải tiến danh mục sản phẩm hiện thời, phát triển sản phẩm mới dưới nhiều hình thức…
Vinamed có hấp dẫn?
Việc Sơn Hà, doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất và cung cấp thiết bị dân dụng bất ngờ lấn sân sang lĩnh vực thiết bị y tế cũng đặt ra nhiều dấu hỏi mặc dù số tiền mà Sơn Hà chi trả không lớn.
Đặc biệt, xét ở 2 khía cạnh kết quả kinh doanh và bất động sản mà Vinamed đang nắm giữ đều cho thấy Vinamed không mấy hấp dẫn.
Cụ thể, lô đất duy nhất mà Vinamed đang quản lý chính là trụ sở của công ty tạu số 1, ngõ 135 Núi Trúc (Hà Nội) với diện tích chỉ 612 m2.
Năm 2015 vừa qua, doanh thu mặc dù tăng gấp đôi so với năm trước cũng chỉ đạt 57 tỷ đồng, lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 4,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2014 (4,3 tỷ đồng).
Năm 2015, doanh thu tăng mạnh gấp gần 2 lần nhưng lợi nhuận của Vinamed chỉ tăng nhẹ so với 2014
Đây không phải lần đầu tiên Sơn Hà đầu tư trái ngành, năm 2011 Sơn Hà từng thành lập CTCP Hiway Việt Nam để hoạt động kinh doanh siêu thị.
Thời điểm này nhiều phân tích cho rằng, động thái đầu tư của Sơn Hà vào Hiway vừa có dáng dấp của việc mở rộng kinh doanh siêu thị nhưng cũng có hình bóng của việc bước chân vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc mua lại Trung tâm thương mại Hà Đông.
Sơn Hà đã từng đầu tư tới 75% cổ phần, đầu tư vốn mua và cải tạo lại toà nhà cũ của Trung tâm thương mại Hà Đông, sau này là siêu thị Hiway.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 năm, Sơn Hà bất ngờ thông báo thoái vốn khỏi CTCP Hiway Việt Nam, với chuỗi siêu thị Hiway tại Hà Nội để tập trung cho mảng kinh doanh cốt lõi.
Sau một thời gian tạm đóng cửa, các siêu thị của Hiway đã chính thức đổi tên và nhận diện thương hiệu từ Hiway sang SapoMart và khai trương, mở cửa trở lại vào tháng 1/2015.
Tuy nhiên, đầu năm 2016, SapoMart cũng bất ngờ đóng cửa, hiện tại mặt bằng kinh doanh của SapoMart Hà Đông đang được Aeon Fivimart thuộc CTCP Nhất Nam khai thác.