Soi tiềm lực của Ngôi Sao Việt, thành viên chủ chốt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh chi gần 1,1 tỷ USD cho lô đất vàng Thủ Thiêm

Đông A |

1 tỷ USD tiền mặt không phải con số đơn sản, trên sàn chứng khoán Việt Nam dự kiến chỉ có hai doanh nghiệp phi ngân hàng đạt mức lợi nhuận sau thuế trên 1 tỷ đô trong năm nay.

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt), một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa gây chú ý trong ngành bất động sản khi là đơn vị trúng đấu giá lô đất mang ký hiệu 3-12 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (trước là phường An Khánh, Quận 2), là tài sản của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP HCM.

Ngôi Sao Việt chấp nhận bỏ ra số tiền tới 24.500 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD) cho lô đất diện tích 10.060 m2, tức 2,44 tỷ đồng cho mỗi m2. Không quá khi nói đây chính là "đất vàng" theo đúng nghĩa đen.

Đích thân ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trực tiếp tham gia phiên đấu giá này. Sau buổi đấu giá, ông Dũng cho biết Tân Hoàng Minh sẽ xây dựng một dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại với tham vọng tạo ra một "công trình kiệt tác" tại TP HCM.

Soi tiềm lực của Ngôi Sao Việt, thành viên chủ chốt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh chi gần 1,1 tỷ USD cho lô đất vàng Thủ Thiêm  - Ảnh 1.

Ông Đỗ Anh Dũng tại phiên đấu giá đất

Đầu tiên về số tiền 24.500 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD) trúng đấu giá, phải nói đây là con số rất lớn. Năm 2021, ước tính chỉ có hai doanh nghiệp phi ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt được mức lợi nhuận trên 1 tỷ USD, đó là Vinhomes và Hoà Phát.

Xét trên bình diện toàn bộ doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (FDI, DNNN, DNTN), chỉ có dưới 10 công ty đạt mức lợi nhuận tỷ đô. Việt Nam hiện mới chỉ có 3 công ty công nghệ đạt mức vốn hoá "kỳ lân", đó là VNG, VNLIFE và M-Service (chủ quản ví điện tử MoMo).

Những con số trên để thấy rằng, 1 tỷ USD là con số không hề đơn giản; mà ở đây lại còn là 1 tỷ USD tiền mặt.

Soi tiềm lực của Ngôi Sao Việt, thành viên chủ chốt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh chi gần 1,1 tỷ USD cho lô đất vàng Thủ Thiêm  - Ảnh 2.

Theo quy chế cuộc đấu giá tài sản được Trung tâm Dịch vụ Đấu giá TP HCM ban hành: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá sẽ phải thanh toán cho ngân sách nhà nước 50% số tiền mua tài sản.

60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại. Điều này có nghĩa đến giữa tháng 3/2022, Ngôi Sao Việt (hay Tân Hoàng Minh) sẽ phải chồng đủ gần 1,1 tỷ USD.

Thực tế tại thời điểm kết thúc năm 2020, tổng tài sản trên sổ sách của Tân Hoàng Minh còn không đủ 1 tỷ USD, cụ thể là 20.052 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty 10.000 tỷ đồng. Phía Ngôi Sao Việt, tổng tài sản ghi nhận 7.605 tỷ đồng cùng thời điểm; vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, hệ sinh thái doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh còn ghi nhận một số đơn vị bất động sản như CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (chủ đầu tư dự án D’. Le Roi Soleil) tài sản 6.255 tỷ đồng; Công ty Thời Đại Mới (dự án 22 – 24 Hàng Bài nay kết hợp cùng Masterise) 1.212 tỷ đồng; Nam Đại Cồ Việt (đầu tư Dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt) 3.096 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020.

Quay trở lại với Ngôi Sao Việt, công ty này được biết là đơn vị thực hiện dự án D’. Capitale – Trần Duy Hưng – Hà Nội cùng Tập đoàn Vingroup. Theo số liệu gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2019 Ngôi Sao Việt đạt mức lợi nhuận sau thuế 271 tỷ đồng.

Trong năm nay, Ngôi Sao Việt phát hành hai lô trái phiếu theo hình thức riêng lẻ tổng giá trị 2.700 tỷ đồng với thời gian đáo hạn vào 2025 – 2026. Giữa năm 2018, Ngôi Sao Việt cũng đã phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu nhưng đã đáo hạn vào cuối năm 2019.

Ngoài Ngôi Sao Việt, các thành viên khác thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khá tích cực trong năm nay như: CTCP Cung Điện Mùa Đông (450 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (1.750 tỷ đồng).

Nhắc đến Tân Hoàng Minh, một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn này gây chú ý kể từ khi bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 8 năm nay. Cổ phiếu CTCP Tổng Bách Hoá chào sàn ở mức giá 5.700 đồng hiện đã đạt mức 71.100 đồng, tức tăng 12,5 lần sau 4 tháng. Trong các phiên có giao dịch, cổ phiếu TBH đều tăng trần, dù cho khối lượng khớp lệnh chỉ đạt từ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.

Tổng Bách Hoá là đơn vị nổi tiếng với "đất vàng" còn hoạt động kinh doanh chính không có gì đáng chú ý. Cụ thể, công ty quản lý và sử dụng khu đất gần 36.000 m2 tại 486 Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội; khu đất 3.735 m2 tại 15 Bích Câu – Đống Đa – Hà Nội; khu đất nhà kho 608 m2 tại 352 Giải Phóng – Thanh Xuân – Hà Nội; khu đất 2.866 m2 tại 23 Điện Biên Phủ - Ngô Quyền – Hải Phòng…

Công ty này đầu năm đã phát hành riêng lẻ tăng vốn thêm 900 tỷ, trong đó 868 tỷ đồng dành cho đầu tư dự án khu nhà ở 486 Ngọc Hồi, một trong những dự án chủ chốt thời gian tới.

Cuối tháng 10 vừa qua, Tổng Bách Hoá đã ký hợp đồng chuyển nhượng gần 20,6 triệu cổ phần (tương ứng 95% vốn điều lệ) của CTCP Cung Điện Mùa Đông với giá 463 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng Bách Hoá ký chuyển nhượng 33,84 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư BĐS Ngọc Viễn Đông (tương ứng 47% vốn điều lệ) với giá 744,48 tỷ đồng. Bên nhận chuyển nhượng là các cá nhân. Hai giao dịch giúp Tổng Bách Hoá thu về 1.207 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại