Chuỗi ngày ảm đạm của chứng khoán Việt Nam vẫn chưa kết thúc, VN-Index tiếp tục giảm mạnh 29,14 điểm (-3,1%) xuống 911 điểm. HNX-Index giảm 7,66 điểm xuống 175,78 điểm và UPCoM-Index giảm 3,51 điểm xuống 63 điểm. Thanh khoản trên HOSE đạt giá trị 9.797 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi tiếp tục mua ròng mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.206 tỷ đồng. Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường. Lực mua của nhà đầu tư ngoại trong hôm nay tập trung giải ngân vào STB, HPG, KBC.
Trong đó, cổ phiếu ngân hàng STB được mua ròng nhiều nhất với giá trị 146 tỷ đồng, HPG được mua ròng 127 tỷ đồng và KBC được mua ròng 73 tỷ đồng.
Phiên hôm qua (15/11) STB, HPG, KBC cũng là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng tích cực nhất giá trị hơn 100 tỷ đồng, đặc biệt, giá trị mua ròng ngày hôm qua của STB còn hơn 337 tỷ đồng.
Khối ngoại đã mua ròng 7 phiên liên tiếp
Sau 1 thời gian giá cổ phiếu giảm sâu, hiện tại định giá của các cổ phiếu trên đều đang ở mức thấp, P/B nhỏ hơn 1.
Như P/E của cổ phiếu STB hiện tại đang ở mức 6,9 và P/B nhỏ hơn 1 là 0,8. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý 3 của ngân hàng đạt mức độ tăng trưởng cao. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, STB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, tăng 36,6% so với 9 tháng đầu năm 2021.
Về phía Hòa Phát (HPG), theo báo cáo gần đây của VNDIRECT, trong 9 tháng đầu năm 2022, thị phần thép xây dựng tại Việt Nam của HPG tăng từ mức 32,6% trong năm 2021 lên 35,8%. Đáng chú ý, khoảng cách giữa HPG với công ty có thị phần lớn thứ 2 đã tăng lên 24,5%. VNDIRECT dự phóng sản lượng của HPG vẫn sẽ tăng trưởng dương so với năm 2022.
HPG sẽ được hưởng lợi trong xu hướng tập trung hơn của thị phần ngành đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung nhiều thách thức. Lợi thế của HPG đến từ mô hình sản xuất quy mô lớn, mạng lưới phân phối rộng khắp và hiệu quả vận hành.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia nhận thấy một số tín hiệu có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện bao gồm: Giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-24 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại, Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.
Hiện nay, P/E của HPG là 4,1 và P/B chỉ 0,7.
Còn Kinh Bắc (KBC) mới đây thông báo HĐQT dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 năm 2022 hoặc lần 1 năm 2021 để xin ý kiến ĐHĐCĐ thực hiện chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp. Với hơn 767,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy nếu thực hiện chia cổ tức, dự kiến KBC sẽ chi 1.535 tỷ đồng để trả cổ tức.
Trước đó, KBC cũng đón nhận tin tốt khi đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng tỉnh Bắc Giang, quy mô diện tích dự án là 90ha với vốn đầu tư 996 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tập đoàn Foxconn – một vệ tinh lớn của Tập đoàn Apple đã ký Biên bản ghi nhớ thuê lại 50,5 ha đất trong 90 ha đó để triển khai dự án đầu tư tập trung chủ yếu sản xuất các sản phẩm của Apple với quy mô vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.
Trong quý 3, KBC ghi nhận khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng đến từ thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh trong giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát sinh trong quý 2/2022. Theo đó, LNST thu về đột biến 1.936 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng. P/E hiện tại của KBC là 5,1 và P/B là 0,7.