Kết quả nghiên cứu nói trên đã phá vỡ giả thuyết lâu đời rằng bộ não loại người ngày một tăng về kích thước và khối lượng theo quá trình tiến hóa.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Darmouth (Mỹ), dẫn đầu bởi tiến sĩ Jeremy DeSilva, đã tìm hiểu mô hình lịch sử tiến hóa não người thông qua 985 mẩu hóa thạch con người thuộc về nhiều thời kỳ, đem đi đối chiếu với những con người ngày nay.
Hộp sọ của các loài người khác nhau đã tồn tại trên Trái Đất từ thế Canh Tân của kỷ Tân Cận đến nay, với kích thước hầu hết là tăng theo thời gian để chứa bộ não to hơn, nhưng vẫn có ngoại lệ - Ảnh: Bill O’Leary/The Washington Post
Theo EurekAlert, họ đã nhận ra một giai đoạn mà não bộ loài người tăng kích thước vượt trội, đó là khoảng 2,1 đến 1,5 triệu năm về trước, tức kéo dài từ cuối thế Canh Tân (Pliocen) của kỷ Tân Cận, sang đến thế Canh Tân của kỷ Đệ Tứ (là kỷ nguyên chúng ta đang thuộc về).
Thế Canh Tân (khoảng 1,8 triệu năm về trước cho đến 11.700 năm về trước) cũng là giai đoạn loài người có những bước tiến hóa vượt trội trong sử dụng công cụ và tổ chức xã hội, mà điển hình là sự phát triển của một loài đông đảo và thông minh thuộc chi Người - loài Homo erectus, với bộ não to hơn nhiều các loài tiền thân.
Tuy nhiên theo bài công bố trên Frontiers in Ecology and Evolution vào khoảng 3.000 năm trước, kích thước não bộ trung bình của loài người bắt đầu nhỏ lại mà theo các tác giả, là do sự thích ứng với đời sống xã hội. Khi xã hội dần phát triển theo hướng mỗi cá thể được phân công nhiệm vụ một cách chọn lọc hơn trong bộ máy, não thích ứng để trở nên hoạt động hiệu quả hơn - nhỏ lại, thay vì cồng kềnh ôm đồm mọi thứ.
Một số thứ mà bộ não của từng cá thể phải gồng gánh trong các thế hệ trước đã có thể được "giảm tải" nhờ sự phụ thuộc và vận dụng trí tuệ tập thể - chính là những tiện nghi về mọi mặt mà chúng ta cố gắng đạt được để cuộc sống dễ dàng hơn. Do đó bộ não cũng cần ít năng lượng hơn để hoạt động và tiến hóa để thu hẹp kích thước. Điều này sẽ giúp cơ thể tiết kiệm khá nhiều năng lượng bởi não là cơ quan tiêu hao năng lượng nhiều nhất trên cơ thể người.
Hơn nữa, não to không đồng nhất với trí tuệ cao cấp hơn, bằng chứng là một loài người cổ - người Neanderthals, cùng thuộc chi Người với Homo sapiens chúng ta, đã tuyệt chủng khoảng 30.000 năm trước, có bộ não lớn hơn hẳn chúng ta.
Tuy sở hữu nhiều kỹ năng và sự phát triển "ngang ngửa" Homo sapiens, nhưng họ được đánh giá là có khả năng thích nghi với nghịch cảnh và tính tổ chức xã hội kém hơn, nên đã tuyệt chủng khi môi trường Trái Đất biến đổi theo hướng bất lợi.