Theo China News, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cuộc họp Bộ trưởng Y tế Nhóm G20 vừa bế mạc hôm 6/9 tại Rome, Italy, một lần nữa tập trung vào vấn đề cấp bách: Làm thế nào để đảm bảo sự phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ tại cuộc họp, mặc dù hơn 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm chủng trên toàn cầu nhưng gần 75% số này chỉ tập trung ở 10 quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vaccine ở châu Phi là thấp nhất trên thế giới, chỉ 2%.
Văn phòng của WHO tại khu vực châu Phi trước đây đã cảnh báo rằng theo tiến trình hiện tại, 42/54 quốc gia tại châu lục này không thể đạt được mục tiêu tiêm chủng tối thiểu cho 10% dân số vào cuối tháng 9/2021.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, chỉ ra rằng tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở châu Phi hiện đã lên tới gần 8 triệu người và số trường hợp tử vong là gần 200.000 người. Trong đó, 25 quốc gia tại đây vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng liên tục của số ca nhiễm mới.
Ông Moeti cho rằng, việc tích trữ vaccine ngừa COVID-19 ở các nước có thu nhập cao khiến tỷ lệ tiêm chủng ở các nước châu Phi "ngày càng tụt hậu", dẫn đến số ca mắc bệnh nặng và tử vong ở khu vực này ngày càng tăng.
Theo kế hoạch ban đầu của WHO, việc tiêm chủng ở mỗi quốc gia sẽ bao phủ ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9/2021, 40% vào cuối năm và 70% vào giữa năm sau. Tuy nhiên, ông Tedros nhấn mạnh tại cuộc họp rằng mục tiêu này phụ thuộc vào "thái độ của các nước sản xuất và tiêu thụ vaccine lớn".
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Airfinity, một công ty phân tích thị trường khoa học đời sống ở London (Anh), cho thấy lượng dự trữ vaccine ngừa COVID-19 ở các nước phương Tây đã đạt 500 triệu liều.
Trong số này, 360 triệu liều không được chỉ định để tài trợ. Đến cuối năm nay, các quốc gia này có thể trữ lại 1,2 tỷ liều vaccine, trong đó 1,06 tỷ liều không nằm trong diện tài trợ.
Mỹ lãng phí ít nhất 15,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 6 tháng qua. Ảnh minh họa
Theo China News, về vấn đề vaccine, thành tích của Mỹ luôn thu hút sự chú ý nhưng đồng thời cũng không ít lần khiến thế giới phải thất vọng.
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố vào đầu tháng 9 cho thấy, trong sáu tháng kể từ ngày 1/3/2021, Mỹ đã lãng phí ít nhất 15,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nhiều so với con số lãng phí được thống kê trước đó và có thể vẫn bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng.
Trước con số "15,1 triệu" được đưa ra, người phát ngôn của CDC vẫn khẳng định rằng tỷ lệ vaccine bị lãng phí ở Mỹ là "rất thấp" so với những liều đã được tiêm.
Tuy nhiên, báo cáo của NBC News chỉ ra rằng số lượng vaccine Mỹ đã lãng phí "thậm chí nhiều hơn nhu cầu tiêm chủng toàn dân ở một số quốc gia".
Bên cạnh những tình trạng nói trên, điều gây tranh cãi hơn cả là vấn đề đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường.
Mặc dù WHO và cộng đồng khoa học đã nhiều lần tuyên bố rằng việc tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng có thể "không thực sự giúp ích" và các vaccine dư thừa nên được ưu tiên cho những người làm công tác chống dịch tuyến đầu và các nhóm có nguy cơ cao ở các nước khác.
Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn đang xem xét việc tiêm thuốc tăng cường và động thái này đã bị chỉ trích rộng rãi.
Udaya Kumar, Giám đốc trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu tại Đại học Duke, Mỹ, đã xuất bản một bài báo trên tạp chí New Yorker, cho rằng chính quyền ông Joe Biden "đã thất bại trong vấn đề vaccine toàn cầu" và Mỹ nên "loại bỏ mọi thứ vượt quá nhu cầu hiện tại và đảm bảo rằng vaccine được gửi đến những nơi đang cần chúng trên thế giới ngay bây giờ".