Hiện nay, chính quyền các địa phương trên khắp Trung Quốc đang bước vào đợt cao điểm trong quá trình thay đổi nhiệm kỳ, chuyển giao quyền lực trước Đại hội khóa XIX đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Giới quan sát nhận định, quá trình chuyển giao quyền lực tại đảng ủy các địa phương sẽ hoàn thành vào mùa xuân năm 2017. Thời gian nửa cuối năm 2017 sẽ tiến hành công tác trù bị cho Đại hội khóa XIX.
Đáng chú ý, những năm gần đây, cơ cấu hội đồng nhân dân tại các địa phương không xuất hiện đại biểu thuộc khối Quân ủy trung ương Trung Quốc hay còn gọi "ủy viên thường vụ quân trang".
"Ủy viên thường vụ quân trang" hay "ủy viên thường vụ quân đội" chỉ đại biểu quân đội trong thành phần lãnh đạo đảng ủy cấp tỉnh, thành phố.
Thông thường Chính ủy hoặc Tư lệnh quân khu các tỉnh, thành phố sẽ đảm nhận vai trò "ủy viên thường vụ quân trang".
Theo tuyên bố chính thức của ĐCSTQ, động thái này có tác dụng "tăng cường sự giao lưu giữa quân đội với chính quyền địa phương".
"Ủy viên thường vụ quân trang" cần tham dự các hội nghị thường vụ đảng ủy cũng như tham gia vào các vấn đề lớn tại địa phương như: Quyết sách về các vấn đề lớn, đảm nhiệm điều hòa mối quan hệ giữa quân đội với chính quyền địa phương hay giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng kinh tế xã hội v.v...
Thanh lọc quan hệ địa phương - quân đội?
Bạc Hy Lai (trái) và Từ Tài Hậu. (Ảnh: 360doc.com)
Theo Đa chiều (Mỹ), hiện tượng "giới ủy viên thường vụ quân ủy đồng loạt rút lui" được cho là bước tiến lớn trong quá trình chuyển giao quyền lực trên chính trường Trung Quốc, đồng thời là một phần nội dung trong kế hoạch cải tổ quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trả lời tờ Tuần san tin tức Trung Quốc, Giáo sư Hứa Diệu Đồng thuộc Học viện Hành chính quốc gia ĐCSTQ cho biết, việc giới "ủy viên thường ủy quân trang" rút lui khỏi Ủy ban thường vụ tỉnh ủy sẽ tạo thuận lợi cho việc tập trung sức mạnh kiện toàn quân đội.
Một số ý kiến cho rằng, cần phải thanh lọc mối quan hệ giữa lãnh đạo địa phương với tướng lĩnh quân đội nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp của lực lượng vũ trang, giảm xung đột lợi ích giữa địa phương và quân đội, xây dựng mối quan hệ địa phương - quân đội theo hình thức mới.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng, bản chất của vấn đề này không hề đơn giản.
Trước đó, thông cáo của Hội nghị trung ương 6 của ĐCSTQ (24-27/10) được công bố vào hôm 2/11 yêu cầu, "kiên quyết ngăn chặn [quan chức] có lòng tham, âm mưu chiếm đoạt quyền lực...”.
Theo đó, hành động "rút lui tập thể của các ủy viên thường ủy vũ trang" có thể là sự hồi đáp với khẩu hiệu trên của đảng.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện bước đi này có thể nhằm đề phòng sự xuất hiện một "Bạc Hy Lai thứ hai" cũng như để tránh xảy ra tình trạng lũng đoạn quân đội do những nhân vật như hai "hổ béo" Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu gây ra.
Bạc Hy Lai - cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh là người có nhiều mối quan hệ mật thiết với một số tướng lĩnh trong quân đội Trung Quốc. Vụ án tham nhũng của Bạc năm 2012 đã gây xáo trộn và được cho là chặn đường hoạn lộ của nhiều tướng lĩnh.
Nhà bình luận chính trị Lý Bình phát biểu trên Apple Daily (Hồng Kông) hồi tháng 4 vừa qua cho biết, vấn đề nghiêm trọng nhất mà Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu phạm phải chính là lũng đoạn quân đội Trung Quốc, tìm cách "cô lập" ông Hồ Cẩm Đào khi nhà lãnh đạo này còn tại nhiệm.