Số phận Trạm Vũ trụ quốc tế sẽ ra sao?

Tuấn Sơn |

Trạm Vũ trụ quốc tế ISS lại tiếp tục được dư luận chú ý sau sự kiện kết nối thành công với tàu con thoi Crew Dragon của Công ty SpaceX (Mỹ). Số phận trạm ISS sẽ như thế nào trong những năm tới đây?


Trạm ISS không phải là vĩnh cửu

Vào năm 1984, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ. Lúc đầu, thời điểm hoàn thành được ấn định là năm 1991; tuy nhiên, kế hoạch này vượt quá khả năng của nước Mỹ. Do vậy, người ta đưa ra ý tưởng xây Trạm vũ trụ quốc tế ISS với sự trợ giúp của Nhật Bản, Canada và Cơ quanVũ trụ châu Âu ESA. Hai năm sau, nước Nga cũng tham gia vào dự án.

Những phi hành gia đầu tiên lên Trạm ISS vào năm 2000. Từ lúc đó trở đi, các module lần lượt được gắn thêm vào Trạm ISS. Cho tới nay đã có 16 trong số 17 module được gắn kết thành công. Các kế hoạch đầu tiên về dừng hoạt động Trạm ISS xuất hiện từ thời Tổng thống Mỹ George Bush.

Vào năm 2015, Mỹ dự kiến dừng tài trợ kinh phí và đến năm 2016 chấm dứt sở hữu ISS. Tuy nhiên, Tổng thống Obama lùi quyết định này và việc tài trợ kinh phí được kéo dài đến năm 2020 (có thể đến năm 2028, nếu cần). Sức bền vật liệu xây dựng Trạm ISS khiến cho nó chỉ có thể hoạt động cùng lắm là đến năm 2030.

Người Nga sẽ xây trạm vũ trụ riêng

Số phận Trạm Vũ trụ quốc tế sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Thành công của sứ mệnh hợp tác NASA và SpaceX không dự báo điều tốt đẹp cho chương trình vũ trụ của Nga. Trong những năm gần đây, Mỹ phụ thuộc vào Nga trong việc đưa phi hành gia lên Trạm ISS bằng tàu Soyuz.

Tuy nhiên, người Nga không có ý định ngừng khám phá vũ trụ và dừng các chuyến bay có phi hành đoàn. Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết: "Với tư cách là quốc gia đi đầu trong xây dựng các trạm quỹ đạo, nước Nga cần phải nhanh chóng bắt tay vào xây trạm vũ trụ mới cho riêng mình".

Công việc xây trạm sẽ được khởi động sau năm 2030, vào thời điểm Trạm ISS ngừng hoạt động. Trạm vũ trụ mới của nước Nga cũng sẽ "mở cửa" để trở thành trạm quốc tế. Tất cả phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các quốc gia khác trong xây dựng trạm. Giám đốc Roscosmos cho rằng trạm vũ trụ mới sẽ hoạt động trong 7 - 10 năm, tùy thuộc vào sức bền vật liệu và cấu trúc trạm.

Bắt đầu kỷ nguyên du lịch vũ trụ?

Số phận Trạm Vũ trụ quốc tế sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đã đến lúc thương mại hóa các chuyến bay vũ trụ? Hóa ra, Công ty SpaceX đã công bố các kế hoạch đưa khách du lịch vào vũ trụ bằng tàu con thoi Crew Dragon: Công ty dự định đưa 4 khách du lịch lên quỹ đạo.

SpaceX cũng có kế hoạch đưa công dân Mỹ lên Trạm ISS vào năm tới. Hiện tại, SpaceX dang đàm phán với Công ty khởi nghiệp Axiom (Mỹ) để xây trạm vũ trụ mới. Dự kiến trạm sẽ hoạt động từ năm 2024.

Một chỗ ngồi trong tàu con thoi Crew Dragon có giá khoảng 55 triêu USD; còn một chỗ trong Starliner của Boeing có giá 90 triệu USD.

Mặc dù chỗ ngồi trong Crew Dragon rẻ hơn, nhưng đối với khách hàng trung lưu, cả hai mức giá đều quá cao. Ông Todd Harrison, Giám đốc Dự án Các chuyến bay An toàn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận định về vấn đề du lịch vũ trụ như sau: "Tất cả phụ thuộc vào việc các công ty du lịch vũ trụ như SpaceX hay Boeing có thể hạ thấp chi phí đến mức nào. SpaceX rõ ràng tập trung vào việc cung cấp các chuyến bay vũ trụ cho những người có đủ khả năng mua vé".

Ông Todd Harrison cũng cho rằng, NASA sẵn sàng biến Trạm ISS thành khách sạn du lịch vũ trụ. "Có thể sử dụng Trạm ISS cho mục đích sản xuất hoặc du lịch vũ trụ.

NASA sẵn sàng làm điều đó. Khi SpaceX và Boeing bắt đầu các chuyến bay thường xuyên, chúng ta sẽ biết được liệu các công ty vũ trụ khác có quan tâm đến việc chuyên chở người hoặc biến đổi trạm vũ trụ. Chúng ta phải có thử nghiệm trước khi chúng ta thật sự xác định được hoạt động nào sẽ là hoạt động thương mại vũ trụ, hoạt động nào là nghiên cứu khoa học" – ông Todd Harrison cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại