Các thiết giáp hạm lớp Iowa, được đóng từ những năm 1940 đến 1944, là những tàu chiến đắt đỏ nhất vào thời đại bấy giờ. Mỗi tàu trong số này trị giá đến 100 triệu USD, tương đương 1,65 tỷ USD ngày nay.
Ban đầu, hải quân Mỹ lên kế hoạch đóng 6 tàu Iowa, dự định để đánh chặn các tàu chiến chủ lực nhanh như tàu lớp Kongo của Nhật Bản. Các tàu này sẽ đóng vai trò là "phi đội nhanh" của đội hình tàu chiến đấu Mỹ.
Ngoài ra, tàu lớp Iowa còn được thiết kế nhằm tạo ra loại tàu đáp ứng giới hạn của "điều khoản leo thang" theo Hiệp ước Hải quân London lần thứ hai, với trọng tải tiêu chuẩn được mở rộng từ 35.000 lên 45.000 tấn.
Ngoài việc được đầu tư một khoản tiền khổng lồ, các tàu lớp Iowa còn đòi hỏi thời gian thi công khổng lồ. Chỉ riêng việc phác thảo các thiết kế cho những tàu này, tổng cộng, phải mất 3.432.000 giờ công – hơn 206 năm giờ làm việc của người vẽ bản thiết kế. Tổng số các bản kế hoạch nặng 175 tấn.
Sau giai đoạn thiết kế, việc đóng các tàu lớp Iowa mất hai năm tám tháng (cho mỗi tàu), với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Xưởng đóng tàu Brooklyn, tình cờ là nơi sử dụng lao động lớn nhất tại tiểu bang New York trong chiến tranh, trong giai đoạn đó đã tuyển dụng đến 71.000 người.
Bắt đầu từ tháng 8/1942, 4 tàu lớp Iowa bao gồm Iowa, New Jersey, Missouri và Wisconsin được hoàn thành. Tuy nhiên hai tàu nữa, Illinois và Kentucky, đang trong quá trình đóng thì bị hủy bỏ vào năm 1945 và 1958, và cả hai thân tàu đều bị tháo dỡ vào năm 1958–1959.
Những con tàu Iowa khi đó đều được trang bị vũ khí hạng nặng và phương tiện bọc thép hạng nặng, nhằm sử dụng trong biên chế lâu dài.
Nhìn lại từ giữa những năm 1940 đến đầu những năm 1990, các thiết giáp hạm lớp Iowa đã tham gia bốn cuộc chiến tranh lớn của Mỹ. Cả bốn chiếc sau đó được tái kích hoạt và hiện đại hóa theo chỉ đạo của quốc hội Mỹ vào năm 1981 và được trang bị tên lửa trong những năm 1980. Trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Missouri và Wisconsin đã bắn tên lửa và pháo 16 inch (406 mm) vào các mục tiêu ở Iraq.
Tuy nhiên do duy trì quá tốn kém, các thiết giáp hạm này đã ngừng hoạt động trong quá trình rút quân sau Chiến tranh Lạnh vào đầu những năm 1990. Cả bốn chiếc bị xóa khỏi sổ đăng ký tàu hải quân (NVR).
Sau đó, quốc hội Mỹ tiếp tục buộc hải quân khôi phục lại hai chiếc trong số này để bổ sung cho các hoạt động đổ bộ. Điều đó dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu các thiết giáp hạm có nên có vai trò trong hải quân hiện đại hay không.
Cuối cùng, cả bốn chiếc đều bị xóa khỏi sổ đăng ký tàu hải quân và được trao tặng cho các tổ chức phi lợi nhuận. Khi Iowa được tặng lại vào năm 2012, cả 4 tàu đều nằm lại trong các bảo tàng trên khắp nước Mỹ.
Bốn tàu lớp Iowa là những thiết giáp hạm cuối cùng được đưa vào biên chế của hải quân Mỹ. Tất cả các thiết giáp hạm cũ của Mỹ đều được cho ngừng hoạt động vào năm 1947 và bị xóa khỏi sổ đăng ký tàu hải quân vào năm 1963.