Sài Gòn có nhiều tuyến đường toạ lạc tại vị trí đắc địa, từ lâu đã thu hút giới trẻ vì hầu như thương hiệu F&B đình đám hay quán xá bình dân nào cũng có mặt. Điển hình như đường Hồ Tùng Mậu (Quận 1), Nguyễn Gia Trí (Quận Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương - Tô Hiến Thành (Quận 10)… Trong số đó, dĩ nhiên không thể thiếu Phan Xích Long - niềm tự hào của giới trẻ Phú Nhuận.
Từ khu ăn chơi sầm uất bậc nhất Sài thành…
Tuyến đường Phan Xích Long ở Phú Nhuận được nối liền với khu dân cư Rạch Miễu và 13 con đường nhỏ mang tên các loài hoa nổi tiếng. Khác với nhiều tuyến phố ở khu trung tâm, đường này khá rộng rãi, ít xe lớn qua lại, ở giữa được trồng nhiều cây xanh thoáng mát. Cộng với việc không thiếu bất kỳ hãng F&B nổi tiếng nào thì nơi đây luôn thu hút rất đông người tìm đến để ăn uống, vui chơi.
Đường Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận) trong ngày đầu Sài Gòn nới lỏng giãn cách
Dân Phú Nhuận thường tự hào rằng "ở trung tâm Quận 1 có gì thì Phan Xích Long cũng có cái đó". Ngoài rạp chiếu phim thì trên con đường chừng hơn 1km này, ta có thể tìm thấy đủ mọi loại hình dịch vụ.
Từ các nhà hàng, quán cóc, cà phê, trà sữa đến siêu thị, trường học, tiệm karaoke, phòng gym, khách sạn… Thậm chí, giới trẻ Sài Gòn đã quen gọi đây là… đường "San Francis Long" hay "phố Mỹ giữa Sài Gòn" để nửa đùa nửa thật ám chỉ sự sang chảnh của nó.
Đây là nơi tụ tập quen thuộc của không chỉ riêng giới trẻ Phú Nhuận mà còn ở Sài Gòn nói chung
Thậm chí, từng có thời điểm UBND quận Phú Nhuận đề xuất xây dựng tuyến đường này thành phố ẩm thực vì nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên qua vài đợt dịch từ năm 2020 tới nay, các hàng quán trên đường Phan Xích Long gần như đã "kiệt sức", nhiều nơi còn phải đóng cửa vĩnh viễn và treo biển sang mặt bằng.
…giờ trông đìu hiu, tĩnh lặng đến lạ vì nhiều đợt dịch liên tiếp
Trước kia, những ai sở hữu nhà đất trên đường Phan Xích Long đều ăn nên làm ra từ việc cho dân kinh doanh thuê mặt bằng. Theo nhiều tiết lộ, giá mặt bằng ở đây rơi vào khoảng từ 2000 - 4000 USD/tháng, cửa hàng nào quy mô, vị trí đẹp thì con số đó có thể lên tầm 5000 - 8000 USD.
Nhiều chủ doanh nghiệp cố gắng gồng gánh giá mặt bằng khá cao trên đường Phan Xích Long trong mùa dịch
Thế nhưng sau khi trải qua nhiều đợt dịch lớn từ năm 2020 đến nay, phần đông cửa hàng trên đường này đã đua nhau "tháo chạy" do tiền mặt bằng cao và nguồn thu bị chững lại. Đóng cửa rải rác suốt năm ngoái, đến nửa đầu năm 2021, dễ nhận thấy đường Phan Xích Long đã bớt nhộn nhịp hơn trước rất nhiều mỗi khi đi ngang.
Sau hơn 3 tháng đóng cửa trong đợt dịch lần thứ 4 thì từ ngày 1/10, thời điểm mà TP.HCM cho phép mở cửa nhiều loại hình ăn uống, theo ghi nhận có khá nhiều địa điểm ăn uống vẫn đóng cửa im lìm chứ chưa thấy hoạt động trở lại.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng vẫn đóng cửa im lìm dù thành phố đã có lệnh nới lỏng giãn cách
Xót xa nhất là cảnh nhiều căn nhà bị trả lại mặt bằng, những người chủ lẫn "cò" phải dán thông báo cho thuê kín chỗ cửa ra vào. Vì nhiều nơi không được sử dụng trong thời gian dài nên tình trạng càng trở nên đìu hiu, nhếch nhác. Cảnh khoá trái cửa bằng dây xích, rác chất đống, tờ quảng cáo sang nhượng mặt bằng dán chi chít… là dễ thấy nhất.
Dù vậy, vẫn có một số quán xá bình dân hoặc thương hiệu lớn như Starbucks, Gong Cha, Kichi Kichi... hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay vì được biết muốn mở cửa lại, quán phải đảm bảo khá nhiều tiêu chí nghiêm ngặt.
Shipper tập trung trước cửa hàng Starbucks chi nhánh Phan Xích Long chờ nhận hàng cho khách
Một cửa hàng Gong Cha nằm gần đó cũng nhộn nhịp trở lại trong ngày đầu thành phố nới lỏng
Một nhà hàng Kichi Kichi thông báo bán mang về nhưng chỉ qua các app giao hàng
Quán xá mở lại nhưng số lượng khách dĩ nhiên vẫn chưa thể đông như trước
Là một trong những tuyến phố ăn chơi sầm uất nhất Sài Gòn dạo trước, thật buồn khi thấy cảnh đường Phan Xích Long trở nên vắng bóng nhiều hàng quán hoạt động. Cùng hy vọng trong thời gian sắp tới, con đường này lại trở nên nhộn nhịp, hàng quán mở cửa lại nhiều hơn để giới trẻ lại được dịp tụ tập và bước vào giai đoạn "bình thường mới".