Số phận hãng công nghệ Huawei và ZTE trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

Hoàng Sơn |

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục “nóng” với những thông tin mới tiết lộ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc ban hành sắc lệnh nhằm cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do hãng Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất.

Theo Reuters, sắc lệnh trên đã được chuẩn bị từ tháng 8-2018 và có thể sẽ được ban hành sớm nhất vào tháng 1-2019. Dù tên của Huawei và ZTE rất ít có khả năng được trực tiếp nêu ra trong sắc lệnh, nhưng giới chức của Bộ Thương mại Mỹ cho biết 2 tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc chính là đích ngắm của sắc lệnh này.

Sắc lệnh nói trên - hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất - Luật International Emergency Economic Powers Act của Mỹ, ra đời năm 1977, cho phép Tổng thống ban hành các biện pháp đặc biệt về thương mại, trong tình trạng “khẩn cấp quốc gia” để đối phó với các đe dọa đặc biệt từ nước ngoài.

Lâu nay, giới chính trị Mỹ luôn xếp Huawei và ZTE vào danh sách đe dọa an ninh vì nghi vấn công ty này có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc. Thêm vào đó, người sáng lập ra Huawei lại nguyên là một cựu kỹ sư quân sự.

Vì thế các cơ quan tình báo Mỹ nhận định những thiết bị do hãng này sản xuất có thể trở thành công cụ để đội ngũ gián điệp của Bắc Kinh thâm nhập vào hệ thống Mỹ. ZTE thì từng bị một tòa án của Mỹ cáo buộc hoạt động do thám và dùng tiền hối lộ để đạt mục đích.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, những rắc rối với Huawei và ZTE hiện nay chỉ là biểu hiện phần nổi của tảng băng chìm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc dưới góc nhìn công nghệ.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây đang tạo mối đe dọa chết người với nền công nghệ vốn được coi là nền tảng duy trì vai trò vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ.

Điều đó giải thích tại sao ngay sau khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã điều chỉnh chính sách theo hướng hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ của Mỹ và hạn chế nhân tài Trung Quốc tiếp cận với tri thức công nghệ cao của Mỹ - 2 nhân tố quan trọng cho sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.

Hàng loạt những biện pháp ngăn chặn liên tục được Washington tung ra dưới đủ mọi lý do khác nhau.

Tháng 8-2018, mặc dù Bắc Kinh lớn tiếng bác bỏ những lời cáo buộc, Washington vẫn ban hành một đạo luật quốc phòng, trong đó cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Huawei và ZTE, do nghi ngờ các thiết bị này có thể bị Trung Quốc sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp.

Trước đó, hồi tháng 4-2018, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lý do mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là ZTE đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi bán thiết bị cho Iran. Hiện ZTE đã bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp Mỹ trong 10 năm, để bảo đảm công ty tuân thủ luật pháp Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu.

Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ càng trở nên cấp bách khi các nhà mạng không dây của Mỹ đang tìm kiếm đối tác khi chuẩn bị áp dụng mạng không dây 5G thế hệ tiếp theo, trong khi Huawei lại là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực 5G.

Vì thế, động thái của chính quyền của Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do hãng Huawei và ZTE sản xuất là nhằm loại bỏ 2 hãng này ra khỏi cuộc đua trên thị trường Mỹ trong lĩnh vực 5G.

Nếu như sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực, nó sẽ là “loạt đạn mới” trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với trị giá nhiều tỷ USD. Trong cuộc chiến này, cả Mỹ và Trung Quốc đều thiệt hại, nhưng Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nhiều hơn để buộc phải khuất phục.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại