Số phận hẩm hiu của hàng nghìn 'cây Mặt trăng'

Thu Hằng |

Sau thời gian đầu “gây sốt”, “cây Mặt trăng”, mọc từ những hạt giống đầu tiên theo con người bay quanh quỹ đạo Mặt trăng, dần bị lãng quên.

Chỉ 9 tháng sau sự cố với tàu Apollo 13, NASA quyết định thử sức lần nữa với Apollo 14. Ba phi hành gia được chọn cho sứ mạng bao gồm: Edga Mitchell, Alan Shepard và Stuart A. Roosa. Shepard đã nổi tiếng thế giới với vai trò người Mỹ đầu tiên và người thứ hai trên thế giới bay vào vũ trụ vào năm 1961.  Mitchell và Roosa thì đều là phi công phụ và kỹ sư.

Năm 1953, Roosa nhận việc làm thêm mùa hè bên Cơ quan lâm nghiệp Mỹ. Do mối liên hệ này, khi Roosa được chọn là thành viên phi hành đoàn Apollo 14, anh đã nhận được một đề xuất thú vị.

Ed Cliff, Giám đốc Cơ quan lâm nghiệp Mỹ gọi cho Roosa và đề nghị anh mang theo một thùng kim loại đựng 500 hạt giống lên vũ trụ cùng với tàu Apollo 14. Số hạt giống bao gồm linh sam Douglas, sequoia, sung dâu, gỗ gôm và thông đặc.

Ông Stan Krugman, làm việc cho Cơ quan lâm nghiệp Mỹ, là người chịu trách nhiệm chọn lựa hạt giống. “Tôi đã chọn các loài gỗ đỏ và một số loài khác vì chúng mọc khỏe ở nhiều vùng của nước Mỹ. Số hạt giống được lấy từ hai viện nghiên cứu gen của Ngành Lâm nghiệp Mỹ”. Toàn bộ lô hạt giống được chia làm hai phần, một phần để lại Trái đất để làm căn cứ so sánh.

Những người đưa ra ý tưởng đưa hạt giống lên vũ trụ hy vọng dự án này sẽ giúp họ nghiên cứu xem cây trồng sẽ mọc trở lại tại Trái đất ra sao sau khi hạt giống được du hành trong không gian. Họ muốn xem hạt giống có nảy mầm không, và khi mọc thành cây thì có phát triển bình thường không.

Cuối cùng, trên hành trình của tàu Apollo 14, số hạt giống đã bay vòng quanh quỹ đạo Mặt trăng 34 lần trên module chỉ huy Kitty Hawk trong lúc nhà du hành Shepard đang ở trên Mặt trăng, bung vài cú đánh với những quả bóng golf.

 Số phận hẩm hiu của hàng nghìn cây Mặt trăng  - Ảnh 2.

Modul của tàu Apollo đáp xuống biển sau khi hoàn thành sứ mạng. Ảnh: NASA


Ngày 9/2/1971, tàu Apollo 14 trở về Trái đất, hạ cánh an toàn xuống biển Nam Thái Binh Dương. Nhưng không may, trong quá trình khử trùng để trở lại Trái đất, chiếc hộp kim loại chứa hạt giống đã bị bục, làm toàn bộ hạt giống văng ra.

Ông Krugman đã dự đoán rằng số hạt giống bị phơi nhiễm với môi trường áp suất cực thấp có thể sẽ mất khả năng nảy mầm. Nhưng sau quá trình làm sạch và phân loại cẩn thận, số hạt giống vẫn được mang đi gieo trồng, và hầu hết đã mọc thành cây.

Vài năm sau đó, những “cây Mặt trăng” giống được đưa đi khắp thế giới, nhưng hầu hết được trồng tại Mỹ, đặc biệt là gần những khu vực trụ sở chính quyền bang. Một cái cây được trồng ở Quảng trường Washington ở Philadelphia, một cây khác trồng tại trại Girl Scout ở Indiana, một cây ở một trường tiểu học ở Boise, bang Idaho. 

Một số cây được đưa tới New Orleans theo đề nghị của thị trưởng thành phố vốn có biệt danh là Moon (Mặt trăng). Một cây khác được đưa tới Căn cứ Siskiyou ở Oregon, gần nơi phi hành gia Roosa từng làm thêm.

“Cây Mặt trăng” còn được trồng ngay trước Nhà Trắng. Tổng thống Gerald Ford khi đó gọi những chiếc cây này là “biểu tượng sống của loài người chúng ta và những thành tựu khoa học”. Ngoài ra, một “Cây Mặt trăng” đã được tặng cho Nhật hoàng Hirohito, và nhiều cây khác được đưa tới các quốc gia trên thế giới theo đề nghị của giới chức nước đó.

Sau thời gian đầu “gây sốt”, “cây Mặt trăng” dần bị lãng quên. Điều này một phần là vì những cây Mặt trăng khi lớn lên trông chả khác gì những cây cùng loại. Ở một số nơi, người ta trồng cây bằng hạt giống “kiểm chứng” từng được để lại Trái đất bên cạnh “Cây Mặt trăng” để so sánh, nhưng chúng không có gì khác nhau.

 Số phận hẩm hiu của hàng nghìn cây Mặt trăng  - Ảnh 4.

Tấm biển ghi nguồn gốc của cây Mặt trăng.

Không may là không ai nghĩ đến việc lên danh sách địa chỉ của tất cả các “cây Mặt trăng” từng được trồng. Cuối cùng để xác minh tình trạng cây Mặt trăng mất tích, vào giữa những năm 1990, nhà thiên văn học Dave Williams đã tiến hành một cuộc tìm kiếm và lập cơ sở dữ liệu để theo dõi những “cây Mặt trăng” mà ông tìm thấy.

Hóa ra, nhiều cây không được đánh dấu, do đó, chúng lớn lên mà không ai nhận ra đó là những cái cây đặc biệt. Trong số này có cả một cây nằm ngay bên ngoài văn phòng ông Williams tại Trung tâm vũ trụ Goddard, bang Maryland.

Cơ sở dữ liệu hiện nay ghi nhận còn 77 cây Mặt trăng sống sót. Ông Williams phát hiện nhiều cây Mặt trăng đã bị siêu bão Katrina đổ quật tại New Orleans, một số cây bị đốn hạ mà không ai biết được tầm quan trọng của chúng.

Từ  500 hạt giống ban đầu, chỉ 77 cây hiện còn biết đến là sống sót. Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng còn hàng trăm cây Mặt trăng khác vẫn tồn tại, chưa kể nhiều hậu duệ được chiết cành từ cây gốc.

Một trong những cây Mặt trăng thế hệ thứ hai đã được trồng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington, gần mộ của nhà du hành Roosa.

Trong số những phi hành gia từng tham gia sứ mạng Mặt trăng, tới nay chỉ có 12 người còn sống, và đều đã qua tuổi 82. Và nếu nước Mỹ không sớm đưa con người trở lại Mặt trăng, thì cây Mặt trăng sẽ trở thành thứ duy nhất còn sống từng được đưa tới Mặt trăng, kể cả mới chỉ quay quanh quỹ đạo gần.

Đọc bài gốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại