Số phận hẩm hiu của boongke 'bất khả xâm phạm' dành cho JFK

Thi San |

Năm 1961, John F. Kennedy (1917 - 1963, tên viết tắt là JFK) đắc cử Tổng thống Mỹ.

Vấn đề chính trị lớn nhất mà JFK lập tức phải đối mặt là thách thức hạt nhân từ Liên Xô. Sau khi kêu gọi được 207 triệu dollar tiền tài trợ, ông khởi động dự án khổng lồ: Xây dựng hầm trú ẩn chống bụi phóng xạ.

Dự án trăm triệu đô

Sau Thế chiến II (1939 - 1945), thế giới bước vào Thời kỳ Chiến tranh lạnh (1947 - 1991) kéo dài. Hai cường quốc đối lập, Mỹ và Liên Xô, ganh đua sức mạnh quân sự mỗi ngày, đẩy vũ khí hạt nhân leo thang.

Tháng 11/1957, Tổng Bí thư Liên xô Nikita Khrushchev tuyên bố đã chế tạo thành công tên lửa bắn tới Mỹ. “Không tin thì Mỹ cứ thử chấp nhận mở cuộc thi tên lửa hòa bình như thi đấu súng trường mà xem”, ông khiêu khích.

Vì lời nói này của Khrushchev, Mỹ thấp thỏm lo sợ bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Đầu năm 1961, ngay sau khi đắc cử chức tổng thống, JFK lao vào nỗ lực đối phó.

Tháng 5 cùng năm, Chủ tịch Ủy ban Phòng vệ Dân sự đương thời là Nelson Rockefeller đề xuất JFK mở chương trình xây dựng hầm trú ẩn chống bụi phóng xạ. Sau khi gom được khoản tài trợ khổng lồ, 207 triệu dollar, chính phủ liên bang bắt đầu khảo sát các trường học và tòa nhà công cộng, tìm vị trí tiềm năng cho boongke.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, xây dựng hầm trú ẩn chống bụi phóng xạ là nghĩa vụ và việc làm của toàn dân, khuyến khích mọi người tự làm boongke, phát tài liệu hướng dẫn. Trong vai trò người đứng đầu quốc gia, JFK tiên phong làm gương.

Sau nhiều cân nhắc, Tổng thống quyết định làm 2 boongke, 1 cái trên đảo Nantucket, Massachusetts, nơi ông có nhà riêng ở thị trấn Cape Cod gần đó và 1 cái trên đảo Peanut, Florida, gần nhà nghỉ của ông ở bờ biển Palm.

Số phận hẩm hiu của boongke bất khả xâm phạm dành cho JFK - Ảnh 1.

Thiết kế hầm trú ẩn dành cho 4 - 6 người được Mỹ chọn làm mẫu, khuyến khích công chúng tự xây dựng. Ảnh: Thư viện Công cộng Kỹ thuật số Mỹ

Không dùng đến

Đảo Nantucket nằm ở phía Đông nước Mỹ, nổi tiếng là vị trí hoàn hảo nhất để giám sát các tàu và tàu ngầm qua lại trên và dưới mặt biển Đại Tây Dương. Vào thời điểm Mỹ cho xây dựng boongke của JFK tại đây, trên hòn đảo có Trạm Hải quân Tom Nevers, cơ sở nghe lén tối mật và khoảng 3.500 cư dân.

“Khi còn thiếu niên, tôi làm công việc giao sữa. Mỗi ngày, tôi đều phải đến giao sữa cho một trạm cấm người ra vào (Tom Nevers). Lần nào, tôi cũng phải dừng lại trước cổng của trạm, chịu bị soát cơ thể rồi mới được đi qua. Người trong trạm nhận đồ tôi giao bằng vẻ mặt vô cảm, chưa từng có ai tỏ thái độ chào mừng”, Robert Young, cư dân ở Nantucket nhớ lại.

Vị trí boongke của JFK được đặt trong phạm vi đất của Trạm Tom Nevers. Vì Nantucket khá nhỏ, chỉ đào sâu một chút là ngập nước, nhóm thiết kế quyết định lắp đặt theo kiểu lều quân sự Quonset, cấu trúc đúc sẵn bằng kẽm, hình bán nguyệt, nhẹ và siêu bền.

Nếu Liên Xô tấn công hạt nhân, trong vòng 30 phút, JFK và gia đình ông cùng 20 thành viên nội các sẽ được tàu ngầm hoặc máy bay trực thăng bí mật đưa đến Nantucket. Trong boongke đã dự trữ sẵn vật tư đủ dùng cho 30 ngày, vừa đủ thời gian cho bụi phóng xạ tự tan.

Chưa đầy 2 tuần, boongke của JFK đã được lắp đặt xong. Nó có diện tích tổng cộng 1.900 feet vuông, bố cục rất đơn giản, chỉ bao gồm 1 hành lang kim loại dài, cuối hành lang trổ ra 2 ngã rẽ. Ngã rẽ bên phải dẫn đến phòng cơ khí, còn ngã rẽ bên trái dẫn đến phòng trung tâm dùng để ở.

Lúc boongke của JFK đang được xây dựng, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô lên đến đỉnh điểm. Tháng 10/1962, cuộc đối đầu giữa 2 bên dẫn đến “khủng hoảng tên lửa Cuba”. Liên Xô kiên quyết lắp đặt tên lửa hạt nhân trên đảo Caribe.

Sau 13 ngày, Mỹ buộc phải xuống nước bằng cách dỡ bỏ tên lửa của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không còn nguy cơ bị tấn công hạt nhân, boongke của JFK đã làm xong thành ra để không.

Ngày 22/11/1963, JFK bị ám sát. Ông chưa một lần đặt chân tới boongke trên đảo Nantucket.

Ngoài diện bảo tồn

Số phận hẩm hiu của boongke bất khả xâm phạm dành cho JFK - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Cũng trong năm 1961, công ty tư vấn và phân tích nổi tiếng nhất ở Mỹ - Gallup, thực hiện cuộc thăm dò về sự chuẩn bị của người dân trước khả năng bị tấn công hạt nhân.

Họ nhận được kết quả, 93% dân chúng không có dự tính tự xây hầm trú ẩn chống bụi phóng xạ. Nguyên nhân do thiếu không gian, tài chính và “không thiết sống trong thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh hạt nhân”.

Năm 1976, Trạm Tom Nevers đóng cửa. Các thợ săn sống trên Nantucket được phép ra vào khu vực này và phát hiện boongke của JFK vẫn nguyên như mới. Họ liền dùng nó như tủ chứa đồ và nơi tụ họp.

Thập niên 1980, thị trấn Nantucket mua lại lô đất của Trạm Tom Nevers từ Hải quân Mỹ. Boongke của JFK vẫn chưa lần nào được sử dụng cho mục đích chống bụi phóng xạ, dần dà bị lãng quên.

Suốt nhiều thập kỷ, nó chỉ là nơi tụ tập của đám thanh thiếu niên Nantucket hư hỏng. Chính quyền địa phương phải khóa cửa và cấm đột nhập. Tuy nhiên, vào tháng 12/2021, cánh cửa bằng tấm kim loại siêu bền chắc của nó vẫn bị nạy bật khỏi bản lề.

Trước đó, vào năm 2018, nhà văn Bradley Garrett từng viết bài kêu gọi khôi phục và bảo tồn boongke của JFK ở Nantucket. Ông có được sự ủng hộ của Caroline Kennedy (con gái JFK) và Joseph Kennedy III (cháu gái của JFK).

“Hầm trú ẩn này cũng như một phần quan trọng của lịch sử Mỹ, đóng vai trò là hiện vật đại diện cho thời kỳ nguy hiểm nhất. Bảo tồn nó là tạo cơ hội cho công chúng được thăm quan, trải nghiệm và hậu thế ghi nhớ khoảng thời gian này”, Joseph nói.

Tháng 10/2022, Dịch vụ Công viên Quốc gia công bố công bố hồ sơ nghiên cứu về cả 2 boongke của JFK, đề xuất đưa vào danh sách Di tích Lịch sử Quốc gia.

Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, Nantucket vẫn chưa nhận được quyết định nào từ bên trên đưa xuống. Vì thế, boongke của JFK ở đây vẫn chỉ là cấu trúc bị bỏ quên, mỗi ngày một han rỉ.

Theo smithsonianmag.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại