Hiệp hội nói không với lông thú Fur-Free Society (tổ chức quốc tế tập hợp các tình nguyện viên cho chiến dịch chống lại ngành công nghiệp lông thú) hôm 1-12 tung những hình ảnh khủng khiếp về số phận những con mèo tội nghiệp tại Trung Quốc .
Kể từ khi đăng tải, bài viết của Fur-Free Society lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhận được hơn 127.000 lượt chia sẻ.
Theo tổ chức phi lợi nhuận này, đa số những con mèo bị bắt để phục vụ nhu cầu thịt và lông đều là mèo hoang. Ngoài ra cũng có nhiều mèo nhà bị bắt trộm.
Fur-Free Society cho biết những con mèo sau khi rơi vào tay kẻ săn bắt trộm sẽ bị bán cho các lò mổ. Ở đó, chúng sẽ phải chịu cái chết đau đớn, ấy là bị luộc sống. Chỉ có cách đó, bộ lông mượt mà mới được giữ nguyên vẹn để làm giày, găng tay, áo khoác...
Tại Mỹ và châu Âu, lông và da chó mèo là sản phẩm bất hợp pháp. Thế nhưng, da của chúng vẫn tuồn vào được hai thị trường này. Trang Asia One cho biết lông chó và mèo ở Trung Quốc thường gắn nhãn thành lông của các loài khác và xuất khẩu sang các nước như Mỹ.
Lông chó và mèo ở Trung Quốc thường gắn nhãn thành lông của các loài khác. Ảnh: CHINA DAILY
Hầu hết mọi người đều thể hiện thái độ tiêu cực với ngành công nghiệp này và để lại bình luận xót xa sau bài đăng của Fur-Free Society. "Trái tim tôi như vỡ vụn thành triệu mảnh. Tôi đã khóc" - một cư dân mạng Facebook viết.
Trên thực tế, mặc dù việc ăn thịt chó mèo là hợp pháp tại Trung Quốc nhưng hoạt động ẩm thực này chỉ chiếm thiểu số.
Năm 2017, cộng đồng mạng phản ứng cực kỳ gay gắt khi một người đàn ông bị bắt gặp vận chuyển khoảng 500 con mèo để đem bán cho các nhà hàng, nhiều con trong số đó là mèo nhà bị bắt trộm. Chúng bị nhốt chung trong chiếc lồng cực kỳ chật chội, tù túng, chờ làm mồi nhậu và quần áo, giày dép cho con người.
Những chiếc áo làm từ lông mèo. Ảnh: ACIDCOW.COM
Một cuộc khảo sát địa phương trong cùng năm cũng cho thấy 13% cư dân ở thị trấn Ngọc Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây - nơi diễn ra lễ hội thịt chó hàng năm khét tiếng Trung Quốc - không bao giờ ăn thịt chó, trong khi 59% hiếm khi ăn.
"Sự thật là ăn thịt chó mèo không phải là một phần của tập quán ẩm thực chính thống Trung Quốc, ngay cả ở Ngọc Lâm, quê hương của lễ hội thịt chó. Vốn không đóng góp nhiều cho kinh tế của tỉnh Ngọc Lâm, lễ hội thịt chó còn là nỗi xấu hổ của quốc gia, khiến cho tỉnh này để lại nhiều ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế. Giờ cần nên bỏ lễ hội này" - Peter Li, chuyên gia chính sách của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế ở Trung Quốc, chia sẻ với báo The Washington Post.
Fur-Free Society đang kêu gọi quyên góp để có thể triệt sản cho 100 con mèo ở TP Nam Kinh nhằm giảm nguy cơ chúng hay con cái chúng bị bắt vào lò mổ, với chi phí ít nhất là 5.000 USD. Đến nay, tổ chức này nhận được 1.749 USD.
Fur-Free Society cũng thuyết phục và hợp tác với 10 phòng khám thú y, được họ đồng ý giảm chi phí triệt sản và chăm sóc cho những con mèo này.