Khi Huang quay lại làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Ofilm vào ngày 7/6, anh đã nhận thấy một số thiếu sót rõ ràng trong định hướng tuyển dụng mới.
"Khi tôi tham gia khóa đào tạo lần đầu tiên, họ đã cho chúng tôi xem ảnh chụp với các giám đốc điều hành của Apple . Khi đó họ rất tự tin. Nhưng lần này họ không cho xem những bức ảnh đó", Huang, 22 tuổi, chia sẻ với phóng viên South China Morning Post.
Hành động này chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Thực chất, Ofilm - có trụ sở tại Thâm Quyến, sở hữu nhiều nhà máy ở thủ phủ Nam Xương của tỉnh Giang Tây, đã bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp của Apple vào giữa tháng 3 vì có liên quan đến vấn đề lao động ở Tân Cương.
Cổ phiếu của Ofilm đã giảm khoảng 10% kể từ giữa tháng 3 và trường hợp này là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về việc các mắt xích của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đang ở trong thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhà máy Ofilm ở Nam Xương. Ảnh: SCMP/Jane Zhang
Abishur Prakash đến từ công ty tư vấn Center for Innovating the Future có trụ sở tại Toronto, cho biết: "Thách thức lớn mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt là các công ty Mỹ như Apple có thể sẽ từ bỏ họ trong tương lai.
Cuối cùng thì vấn đề địa chính trị sẽ trở nên quá lớn để có thể bỏ qua hoặc kiểm soát. Ở một góc độ nào đó, vì những hành động của Mỹ hoặc Trung Quốc, Apple có thể phải suy nghĩ lại về định hướng toàn cầu của mình".
Ofilm được Cai Rongjun - một kỹ sư quang học, thành lập năm 2002 và dần trở thành nhà lắp ráp hàng đầu của Trung Quốc về máy ảnh trên điện thoại thông minh. Công ty đã mua lại nhà máy cũ của Sony ở Quảng Châu, phía đông nam Trung Quốc và biến mình thành nhà cung ứng cao cấp cho Apple.
Ofilm đã đưa ra một tuyên bố vào thời điểm đó, cho rằng quyết định của Bộ Thương mại Mỹ là "không phù hợp với tình hình thực tế" và yêu cầu tiến hành xem xét lần thứ hai. Trong những tuần tiếp theo, các phương tiện truyền thông bắt đầu xuất hiện thông tin cho rằng Apple đang cố gắng tách mình khỏi Ofilm.
Tờ United News Daily của Đài Loan đưa tin rằng Apple đã quyết định chuyển đơn đặt hàng linh kiện thiết bị điều khiển cảm ứng sang các nhà cung cấp Đài Loan thay vì từ Ofilm, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu Ofilm ở Thâm Quyến.
Công ty nhanh chóng phủ nhận thông tin này và khẳng định vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với "khách hàng lớn ở Mỹ". Tuy nhiên, tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán tiếp tục diễn ra trong bối cảnh nhiều báo cáo cho rằng Apple đang cắt giảm đơn đặt hàng với Ofilm.
Cổ phiếu của Ofilm hiện đang giao dịch quanh mức 9 nhân dân tệ, giảm khoảng 60% so với mức cao nhất trong 12 tháng là 23,6 nhân dân tệ vào tháng 7 năm ngoái.
Vào tháng 3 năm 2021, Ofilm thông báo tới các nhà đầu tư rằng họ đã mất "một khách hàng quan trọng ở nước ngoài" - vị đối tác đóng góp khoảng một phần tư thu nhập hoạt động của họ trong năm 2019.
Trả lời câu hỏi chính thức từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến, đầu tháng này, công ty cho biết họ đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 2,5 tỷ nhân dân tệ do "mất một khách hàng quan trọng ở nước ngoài", bao gồm cả việc giảm giá tài sản cố định, tài sản vô hình cũng như các dự án đang xây dựng.
Doanh thu của Ofilm vẫn đang tăng trưởng vững chắc trước khi "gặp biến".
Các tổn thất gián tiếp có thể còn lớn hơn rất nhiều
Ở thành phố 6 triệu dân Nam Xương, Ofilm có quan hệ sâu sắc với chính quyền địa phương. Một năm trước khi được đưa vào danh sách theo dõi của Mỹ, Ofilm và các công ty con của nó đã bắt đầu nhận được các khoản đầu tư ổn định từ chính quyền địa phương Nam Xương với trị giá gần 6 tỷ nhân dân tệ. Giờ đây chính quyền Nam Xương dự kiến sẽ sớm ghi nhận khoản lỗ đối với các khoản đầu tư vào Ofilm.
Trong một chuyến thăm gần đây của các phóng viên tới nhà máy Ofilm ở Giang Tây, nhiều công nhân địa phương cho biết việc kinh doanh đã giảm sút.
Dong Weigang, một chủ tiệm hớt tóc 32 tuổi ở gần đó với tập khách hàng lớn nhất chính là những công nhân làm việc ở đó, cho biết: "Nhiều nhân viên cũ đã ra đi. Họ đến để cắt tóc trước khi nói với tôi rằng họ sẽ quay trở về nhà", Dong nói.
Cổ phiếu OFilm giảm mạnh.
Một công nhân 24 tuổi của nhà máy Ofilm mà tờ Post đã nói chuyện cùng chia sẻ rằng việc tuyển dụng của công ty đã chậm lại. "Gần đây họ chỉ tuyển một vài người.
Ở các nhà máy khác, có ít nhất bốn mươi đến năm mươi nhân viên được tuyển mới mỗi ngày, trong khi những ngày này tôi chỉ thấy số lượng nhân viên mới tại chỗ chúng tôi dừng ở mức một chữ số", anh nói.
Việc loại Ofilm khỏi danh sách nhà cung ứng của Apple không phải là dấu hiệu cho thấy nhà sản xuất iPhone đang cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc nói chung.
Trên thực tế, danh sách nhà cung ứng mới nhất cho thấy Apple đã bổ sung nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc đại lục hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong ba năm qua. Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, do Foxconn điều hành, hiện đang thưởng tiền mặt để thuê công nhân chuẩn bị sản xuất iPhone 13 mới.
Tuy nhiên, số phận của Ofilm vẫn cho thấy nỗi đau tiềm tàng đối với Trung Quốc nếu các động thái sâu rộng hơn được thực hiện để loại quốc gia này khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều nhà cung cấp Trung Quốc là bánh răng nhỏ trong chuỗi cung ứng lớn, nhưng hiện tại họ có xu hướng được xếp ở nhóm cuối chứ không phải ở nhóm trên, do đó có thể bị thay thế bởi các công ty ở nơi khác.
Và những rủi ro về sự tan vỡ trong quan hệ kinh doanh truyền thống đang gia tăng khi cả Bắc Kinh và Washington đều thúc đẩy các chính sách chuỗi cung ứng mang chủ nghĩa dân tộc.
Trong khi Trump thúc đẩy chính sách 'Nước Mỹ là trên hết' để đưa sản xuất và việc làm trở lại Mỹ, Tổng thống Mỹ hiện tại Joe Biden đã cố gắng làm việc với các đồng minh, từ EU đến Hàn Quốc và Đài Loan nhằm thiết kế lại chuỗi giá trị.
Paul Triolo, giám đốc thực hành chính sách công nghệ tại Eurasia Group cho biết sự tham gia sâu hơn của nhà nước trong việc hình thành chuỗi cung ứng xuyên biên giới có thể mang lại những bất ổn mới cho các doanh nghiệp trong ngành.
"Chắc hẳn bạn sẽ hơi khó chịu khi thấy rằng chính phủ Mỹ sẽ theo đuổi chính sách kiểm soát rộng rãi đối với chất bán dẫn và thiết bị sản xuất".
Gác lại cuộc tranh luận quan trọng về lao động Tân Cương sang một bên, đây vẫn sẽ là vấn đề lớn vì đối với hàng nghìn công nhân trẻ kiếm tiền từ việc làm việc 12 tiếng mỗi ca và ở chung ký túc xá với người lạ thì một công việc tại các nhà máy như Ofilm là cứu cánh đối với họ. Sẽ rất đau đớn cho nhiều người nếu những công việc này bị mất.
Liu, một bà mẹ đơn thân 28 tuổi có hai con, đã rời quê nhà vào tháng này. Cô đến Ofilm với một chiếc ba lô đen duy nhất với hy vọng kiếm tiền để nuôi con. "Con trai tôi đã gọi điện cho tôi và tố cáo rằng tôi đã bỏ rơi nó. Tôi phải nói với con rằng điều này không đúng, mẹ cần kiếm tiền để nuôi hai em, "Liu buồn bã chia sẻ.